Đề xuất cắt giảm điều kiện, mở rộng đối tượng hưởng hỗ trợ Covid-19

Thu Hằng
Thu Hằng
31/08/2021 18:11 GMT+7

Trong quá trình triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 , nhận thấy một số chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn, điều kiện hưởng... chưa thực sự phù hợp, Bộ LĐ-TB-XH đang đề xuất sửa đổi Nghị quyết 68.

Ngày 31.8, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai chính sách hỗ trợ Covid-19, Bộ đang đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, sau gần 2 tháng triển khai, các vướng mắc, khó khăn chủ yếu tập trung vào điều kiện giảm doanh thu để được hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại các ngân hàng, việc xác định người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động, chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với các trường hợp F0, F1…
Theo đó, việc sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời.
Cụ thể, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất, đối với nhóm chính sách cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, dự thảo sửa đổi các nội dung của các chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm, vay vốn trả lương, hỗ trợ hộ kinh doanh.
Điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo việc làm cho người lao động về giảm doanh thu được điều chỉnh, từ tỷ lệ giảm 10%, nay còn 5% so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.
Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất cắt giảm điều kiện “người sử dụng lao động khó khăn có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” để được hưởng chính sách cho vay ngừng việc; đồng thời bổ sung đối tượng “người sử dụng lao động có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg” được hỗ trợ vay trả lương phục hồi sản xuất.

Bản tin Covid-19 ngày 31.8: Cả nước 12.607 ca nhiễm | TP.HCM đề xuất tiêm vắc xin cho học sinh

Về đối tượng hộ kinh doanh được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ, so với quy định hiện hành, dự thảo bổ sung thêm điều kiện hộ kinh doanh có đăng ký thuế và có địa điểm kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16 trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến hết 31.12.2021.
Đối với chính sách hỗ trợ tiền mặt cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và chấm dứt hợp đồng lao động cũng được sửa đổi. Thay vì quy định cụ thể làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục... như Nghị quyết 68, dự thảo bổ sung đối tượng "người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chấm dứt hợp đồng lao động".
Chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/người lao động ngừng việc cũng bổ sung điều kiện hưởng chính sách cho trường hợp người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch Covid-19 từ 14 ngày trở lên.
Đặc biệt, đối với chính sách dành cho lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác, dự thảo bổ sung nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách T.Ư. Theo đó, đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, ngân sách T.Ư hỗ trợ 40% chi cho các đối tượng trên.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, tính đến ngày 25.8, đã có hơn 13,5 triệu người lao động và đối tượng khác cùng trên 375.800 người sử dụng lao động được hỗ trợ, với số tiền khoảng trên 8.000 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.