"Giàu nhưng không hạnh phúc cũng vứt đi"
Chiều 29.11, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” bước sang phiên thảo luận thứ 2 về các nội dung hệ giá trị quốc gia, văn hóa.
GS-TS Trần Văn Phòng tham luận tại hội thảo |
xuân trần |
Tham luận về xây dựng hệ giá trị quốc gia Việt Nam, GS-TS Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng để từng bước nghiên cứu, xây dựng được hệ giá trị quốc gia, cần xác định rõ nội hàm của hệ giá trị quốc gia.
“Đây là vấn đề khó nhất”, ông Phòng nói và cho rằng, chắc còn phải nhiều hội thảo, tọa đàm nữa thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ này.
Ông Phòng phân tích, hệ giá trị quốc gia Việt Nam phải thống nhất với hệ giá trị của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn xây dựng, đó là: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"
Tuy nhiên, ông Phòng đề xuất thêm thành tố “hạnh phúc” vào hệ giá trị quốc gia thành: “Dân giàu, hạnh phúc, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
“Anh giàu nhưng anh không hạnh phúc thì cũng vứt đi, tóm lại là như vậy”, ông Phòng nêu.
Ông Phòng cũng đề xuất, cần phải dựa vào nhân dân để xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Bởi lẽ, 4 hệ giá trị này tự thân đã gắn bó chặt chẽ với nhau.
Theo ông, cần quán triệt tốt quan điểm của Đảng về vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước nói chung, trong xây dựng hệ giá trị quốc gia nói riêng.
"Nếu phát huy được nhân dân chúng ta sẽ từng bước xây dựng, củng cố được hệ giá trị quốc gia”, ông Phòng nhấn mạnh.
“Con tưới xăng đốt cha mẹ là nỗi đau của cả xã hội"
GS Phòng cũng đề nghị cần có lộ trình, bước đi phù hợp thực tiễn trong xây dựng hệ giá trị quốc gia vì đây là quá trình lâu dài, không thể nóng vội cũng không thể chậm trễ.
“Tôi nghĩ là đừng hy vọng một cái hội thảo như thế này sẽ ra cái đề giá trị quốc gia. Đảng sau 35 năm mới xác định được những cái nét đại thể”, ông Phòng nêu.
Ông Phòng cũng lưu ý trong tình hình hiện tại cũng cần thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam.
“Con tưới xăng đốt cha mẹ thì đây là nỗi đau của cả xã hội chứ không phải riêng gia đình đó”, ông Phòng nói và cho rằng dù đây chỉ là một hiện tượng cá biệt nhưng cho thấy sự suy thoái đạo đức đã xuất hiện.
"Đặc trưng nhất của chủ nghĩa xã hội là giáo dục, y tế, chăm sóc con người. Thế nhưng bây giờ người ta kinh doanh trên tính mạng con người, buôn bán khi giáo dục con người thế còn gì là chủ nghĩa xã hội. Nếu chúng ta không làm nhanh việc này thì nguy cấp”, ông Phòng phân tích.
Đề xuất hệ giá trị quốc gia Việt Nam 8 giá trị
GS-TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, đề xuất hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay gồm 8 giá trị: Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Công bằng, Văn minh, Phồn vinh, Hạnh phúc.
Theo bà Loan, giá trị “phồn vinh” đã bao hàm hai giá trị “dân giàu, nước mạnh”, sự phát triển phồn thịnh cho cả người dân và đất nước. Điều này cũng tương đồng với mục tiêu “xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc” theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Bình luận (0)