Yến Phượng, 26 tuổi, đến Mỹ chinh phục những mục tiêu mới |
nvcc |
Nguyễn Thị Yến Phượng không xa lạ với độc giả trẻ Việt Nam. Cô gái tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lấy bút danh Gari Nguyễn với hy vọng mình luôn là một chiến binh nhỏ bé, mạnh mẽ vượt qua những thách thức của cuộc sống.
Cô đến Mỹ 6 tháng trước, mới đây ra mắt cuốn sách thứ 11 trong sự nghiệp viết lách Gửi em của hôm qua. Trước đó, 10 cuốn sách cô đã cho lên kệ gồm: Nhắm mắt lại, thấy cả bầu trời; Vỡ vụn tuổi 20; Đã từng tồn tại, đã từng yêu thương; Là đánh mất hay chưa từng có; Cứ cười thôi mặc kệ đời; Yêu thử; Hãy nghe em nói; Trưởng thành lấy đi điều gì; Đời ngắn đừng khóc hãy tô son; Hẹn nhau ở một cuộc đời khác.
"Chào đời" trong những thời điểm đặc biệt
Cô gái 26 tuổi cho biết mỗi cuốn sách được xuất bản đều đánh dấu những dấu mốc đặc biệt trong cuộc sống. Đáng chú ý, như ngay khi cuốn Đời ngắn đừng khóc hãy tô son của cô vừa ra mắt, bán được 15.000 bản, cô gặp biến cố với công ty do mình sáng lập. Thời điểm đó dịch Covid-19 bùng phát, cô gái trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực truyền thông cùng lúc đương đầu với những sóng gió khi nhân viên ra đi, không có tiền trả lương cho mọi người, phải lên chiến lược những sản phẩm kinh doanh khác… Khủng hoảng khiến công ty phá sản.
Cô gái tài năng có 11 đầu sách khi mới 26 tuổi |
Cuốn Hẹn nhau ở một cuộc đời khác ra mắt vào tháng 7.2021 lúc dịch bệnh ở TP.HCM căng thẳng nhất, với những cuộc chia ly trong đời thực. Người còn, người mất. Có những cuộc chia ly trong phút chốc khiến người ở lại bàng hoàng.
Và Gửi em của hôm qua, cuốn sách mới nhất "chào đời" khi cô mới đến Mỹ, bắt đầu một cuộc sống mới. “Tôi luôn nghĩ rằng cuộc sống ai cũng có lúc khó khăn. Trong cuốn sách đều là những nhân vật giấu tên, vì những câu chuyện trong đó đều có thể là của bất kỳ ai trong chúng ta. Cuốn sách như lời tạm biệt quá khứ của tôi, cũng như tạm biệt quá khứ của bất cứ ai để bắt đầu một chặng đường mới”, cô gái sinh ra ở Đồng Nai chia sẻ.
“Ai rồi cũng gặp những cạm bẫy trong hành trình mình trưởng thành, đó là sự tham lam, ích kỷ, kiêu ngạo… Nhưng tôi mong bạn trẻ sẽ tìm thấy một “người bạn” trong mỗi cuốn sách. Người bạn ấy sẽ động viên bạn bước tiếp, nói với bạn hãy tha thứ cho những lỗi lầm, những trải nghiệm của tuổi trẻ. Vì cuộc sống còn vô vàn những điều tốt đẹp, hãy tin tưởng bản thân mình có thể vượt qua”, tác giả trẻ được yêu thích bộc bạch.
“Nỗi buồn là một tài sản”
Là con gái út trong gia đình 4 chị em gái ở Đồng Nai, cha mẹ buôn bán nhỏ, từ nhỏ Yến Phượng đã tự lập. Trầy trật mới xuất bản được cuốn sách đầu tiên, cô không nản chí trong hành trình đi theo đam mê.
Đi học ở TP.HCM, để nuôi niềm đam mê viết sách, cô từng làm không ít công việc khác nhau: cộng tác cho các tờ báo, truyền thông, quảng cáo. Năm 2018, Phượng mở công ty riêng về truyền thông, cô còn đảm trách vai trò kinh doanh và đào tạo trong một công ty bất động sản.
Yến Phượng từng làm nhiều công việc ở TP.HCM cùng lúc để duy trì đam mê viết lách |
Ngoài được biết đến là một tác giả sách, cô còn là người sáng tạo nội dung cho các thương hiệu trong lĩnh vực du lịch, nhà đầu tư, diễn giả trao đổi với sinh viên ở các trường đại học.
Chạm mốc 26 tuổi, xuất bản 11 cuốn sách, cô bán được trên 250.000 bản từ trước đến nay và có hơn 385.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Viết sách có mang lại cho cô gái nguồn tài sản lớn? Nữ tác giả 26 tuổi khiêm tốn: “Tất cả những gì tôi có bây giờ là sách và sách”.
“Để viết được sách hay cần có nhiều trải nghiệm. Để biết nhìn cuộc đời bằng con mắt bao dung tích cực, để cho phép bản thân đón nhận nhiều cơ hội, may mắn, tôi phải đi qua nhiều nỗi buồn, phải đánh đổi nhiều nước mắt, vật chất… và đó là một quá trình dài. Nhưng tôi luôn tin rằng, nỗi buồn cũng là một tài sản. Sau nỗi buồn sẽ tới ngày vui”, cô gái chiêm nghiệm.
Đến Mỹ vì điều gì?
6 tháng trước, Nguyễn Thị Yến Phượng tạm biệt TP.HCM để sang Mỹ sinh sống, làm việc cùng gia đình nhỏ của mình. Vừa duy trì công việc viết lách, vẫn sáng tạo nội dung cho các đối tác ở Việt Nam bằng hình thức làm việc từ xa, cô gái 26 tuổi tiếp tục học thêm những kiến thức mới về thị trường tài chính.
Cô gái cho hay mình đã sống ở TP.HCM 8 năm, nếm trải ở thành phố này đủ thành công, thất bại, đã đến lúc cô bứt phá ra khỏi vùng an toàn của mình để chạm tới những mục tiêu khác.
Cô gái đến Mỹ để có nhiều trải nghiệm hơn |
Theo cô gái 26 tuổi có 11 cuốn sách đã xuất bản, độc giả trẻ bây giờ thông minh hơn, khó tính hơn, chọn lọc hơn. Khi người đọc lớn dần lên theo năm tháng, thì những cuốn sách cũng cần “lớn” lên, cần phong cách mới, không ủ rũ, không bi lụy, không bị mắc kẹt trong một tư duy nào đó.
Yến Phượng nói: “Tôi từng suy nghĩ mình đã ở TP.HCM đủ lâu chưa, đủ hiểu hết mọi thứ chưa mà đã rời đi. Nhưng tôi hiểu ra nếu người ta cứ đợi mình “trưởng thành” hơn thì không biết đợi đến bao giờ. Tôi đến Mỹ để tìm kiếm trải nghiệm nhiều hơn, để viết được nhiều cuốn sách hay hơn, hiện đại hơn, có ý nghĩa tích cực cho bạn đọc”.
“Đọc sách phải là sự tự nguyện. Chính bản thân tôi cũng bắt đầu bằng những cuốn mình thích trước khi đọc cuốn nào khó hơn, đòi hỏi mình tư duy nhiều hơn. Tôi luôn mong những cuốn sách của mình như tấm gương soi, để bạn đọc tìm thấy chính mình trong đó. Khi họ thích đọc sách rồi, chắc chắn họ sẽ có nhiều hứng thú với những tác phẩm khác”, cô gái đến Mỹ tuổi 26 bộc bạch.
Bình luận (0)