Các bạn trẻ nhặt rác, làm vệ sinh tại khu du lịch Vĩnh Hy |
nvcc |
Thấy rác là nhặt liền, chứ tôi nhìn “ngứa mắt” lắm
Cuối tuần vừa rồi, chúng tôi cùng chị Nguyễn Thị Xuân (32 tuổi, nhân viên văn phòng tại Q.1, TP.HCM) đã leo núi Bà Đen (Tây Ninh) để hòa mình với thiên nhiên, rèn luyện sức khỏe. Trong đó, chặng đường từ chân núi lên khu vực chùa Bà mất gần 2 giờ, nhưng kéo dài thêm 1 giờ vì nhóm phải đợi chị Xuân... nhặt rác.
Chị Xuân nhặt rác ở núi Bà, Tây Ninh |
t.đ |
Suốt chặng đường đi, chị Xuân nhặt vô số chai, hộp nhựa, vỏ bánh… bị vứt bừa bãi. “Mỗi lần đi leo núi thấy có rác thì trong lòng tôi khó chịu, phải xoắn tay áo lên và đi nhặt liền. Thú thật, tôi không thể nào làm sạch hết rác ở nơi đây, nhưng bản thân đã cảm thấy thoải mái về hành động của mình là được”, chị Xuân bộc bạch.
Tính đến hiện tại, chị Xuân cũng không nhớ mình bao lần leo núi và không biết số lượng chai nhựa mà mình nhặt được. “Riết rồi thành thói quen, trong ba lô của tôi lúc nào cũng có túi ni lông cỡ to, để mỗi khi dừng chân ở một số địa điểm nếu thấy rác là nhặt liền, chứ tôi nhìn “ngứa mắt” lắm”, chị nói thêm.
Chị Xuân nhặt những chai nhựa trong hành trình leo núi của mình |
nvcc |
Không ít lần chị Xuân nghe người khác nói “nhỏ này làm màu” hoặc bị nhầm là người nhặt chai nhựa để về bán.
“Nhiều khi tôi tức rồi tôi nói do mấy bạn “ý thức” quá nên mình đi gom “nghiệp” dùm chứ không ai thuê mình đâu. Rồi có những lần, du khách còn “nhảy” vô làm vệ sinh với tôi, thậm chí cảm ơn vì hành động tử tế. Khi đó, bản thân cảm thấy vui và hạnh phúc lắm”, chị Xuân tâm sự.
Chị Xuân muốn lan tỏa giá trị từ những hành động thực tế |
nvcc |
“Khi đi du lịch bất cứ nơi nào thì bạn đừng để lại rác và hãy luôn tự tạo cho mình lối sống xanh là bạn đang sống một cuộc đời "xanh" rồi đó", chị Xuân nhắn nhủ.
Để lại hình ảnh đẹp trong mắt người dân địa phương
Đồng quan điểm với chị Xuân, anh Nguyễn Minh Hiền (34 tuổi, ở TP.HCM) cũng muốn lan truyền thông điệp sống xanh từ những chuyến du lịch.
Cụ thể, trong chuyến đi đến Vĩnh Hy (Ninh Thuận) hồi đầu năm, anh Hiền dành hơn 30 phút tham gia các hoạt động nhặt rác, làm vệ sinh cùng các bạn trẻ địa phương.
Nhóm anh Hiền hỗ trợ người dân địa phương làm vệ sinh |
nvcc |
“Theo tôi, đi du lịch nên kết hợp với nhặt rác, làm vệ sinh. Hành động này không tốn quá nhiều thời gian và ảnh hưởng đến hành trình đi chơi của bản thân, mà nó còn để lại hình ảnh đẹp trong mắt người dân địa phương bởi mình đã hỗ trợ họ làm điểm du lịch trở nên sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, du khách làm vệ sinh tại điểm du lịch họ đến phải theo hình thức tự nguyện", anh Hiền chia sẻ.
Nhóm anh Văn làm vệ sinh môi trường tại vùng Vĩnh Hy |
nvcc |
Trong khi đó, anh Trần Văn (29 tuổi, hướng dẫn viên du lịch ở Vĩnh Hy) cho biết anh cùng một số người bạn làm vệ sinh khu vực Vĩnh Hy vào mỗi buổi chiều thứ ba và thứ năm hằng tuần. “Nhóm tôi tự bỏ tiền đóng quỹ, mua bao rác, thùng rác để phục vụ việc làm vệ sinh", anh nói.
"Đôi lúc chúng tôi kết hợp với du khách làm vệ sinh, nhặt rác. Mỗi người một phần việc nhỏ ấy mà lại góp phần làm cho khu du lịch trở nên sạch đẹp và từ đó lan tỏa việc bảo vệ môi trường đến với mọi người nhiều hơn, để những du khách khác không còn thói quen xả rác hay làm mất vệ sinh nơi công cộng", anh Văn nói.
Bình luận (0)