Tuy nhiên, kiểu nhắc nhở nhau mà một số người dân Sa Huỳnh (P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi)… áp dụng mỗi lần có CSGT làm nhiệm vụ là đang dung dưỡng cho hành vi trái luật lệ giao thông.
Thấy những người đi xe máy không mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4... họ lập tức vẫy tay hô lớn: “Ê! Đi đường khác! Công an kìa!”. Thanh niên nào “xui” lắm, phóng xe quá nhanh không nghe thấy hoặc chạy lỡ trớn mới bị công an giơ gậy, tuýt còi. Còn đa số thì quay lại hoặc rẽ vào đường khác.
Vì sao các bậc phụ huynh không nhắc nhở, bảo ban con em mình thực hiện đúng luật giao thông khi vừa dắt xe ra cổng? Cứ để đi đầu trần, chất lên xe quá số người quy định mà chẳng có một lời răn đe cảnh báo. Đến khi nghe ngóng CSGT đi tuần hoặc lập chốt ở đâu đó thì lật đật chụp điện thoại a lô báo cho con cháu hoặc ba chân bốn cẳng tất tả chạy đi tìm, hớt hơ hớt hải: “Coi chừng! Có công an ở ngã ba”.
Những người đi xe máy đắt tiền, mua bảo hiểm xe đầy đủ để khi xe ngã hỏng hóc thì được đền bù. Nhưng khi va chạm, xảy ra tai nạn, liệu cái đầu có còn… hoạt động tốt để làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm xe? Đi ra đường bao nhiêu nguy cơ tiềm ẩn trong khi mũ bảo hiểm thì yên vị ở nhà. Thật là trái khoáy!
Nhiều trường hợp mũ bảo hiểm chỉ treo vào móc để cho có, gặp CSGT... mới đội. Không gặp thì để đầu trần đi cho... mát. Khi gặp phải sự cố dẫn đến chấn thương sọ não thì “mát” đâu không thấy, chỉ thấy “mad” (điên) mà thôi. Suy nghĩ và hành động đó vô tình đã bao che cho sai phạm, “củng cố” thói quen ỷ lại vào người khác, tạo thành cái “nếp” thiếu ý thức khi tham gia giao thông.
Không chỉ ở địa phương kể trên, đi và quan sát nhiều nơi, người viết cũng thấy tình trạng này khá phổ biến. Cứ khư khư giữ mãi cái “tập tục” cảnh giới, chỉ trỏ và bao che theo kiểu: “Coi chừng! Công an kìa!” thì chắc chắn sẽ còn tiếp tục xảy ra những hệ lụy đáng tiếc.
Bình luận (0)