Áp lực chi phí
Trần Minh Long, sinh viên năm 2 ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM, nhập học vào đúng năm mà trường này tăng học phí. Đó là năm 2020, mức học phí Trường ĐH Y dược tăng thành 68 triệu đồng/năm trong khi từ năm 2019 trở về trước sinh viên ngành y đa khoa chỉ đóng 14 triệu đồng/năm. Năm học 2021 - 2022, trường không tăng học phí do dịch Covid-19 để hỗ trợ sinh viên nhưng dự kiến năm học kế tiếp sẽ tăng 10%.
Chàng bác sĩ tương lai Minh Long cho biết học phí tăng khiến nhiều sinh viên gặp phải khó khăn |
NVcc |
Minh Long cho biết: "Do tâm lý của em là khi bước vô trường năm 2020 là đã tăng học phí từ 14 triệu đồng lên 68 triệu đồng/năm cho ngành của em nên em thấy khá là áp lực cho cả em và gia đình. Nếu học phí chỉ nằm trong khoản mà ngân sách nhà nước dễ dàng chi trả như trước đây thì em hoặc và một số bạn thuộc diện ưu tiên học phí theo nghị định 86 có thể xin miễn giảm một cách dễ dàng. Nhưng với mức học phí này thì rất là khó để xin được".
Được biết, Long thuộc gia đình người có công với cách mạng nên mỗi năm được giảm học phí 13 - 14 triệu đồng. Như vậy, nam sinh viên này vẫn còn phải đóng khoảng 54 - 55 triệu đồng/năm. "6 năm học y thực sự rất dài mà với mức học phí như vậy cũng khá áp lực cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chưa kể học phí sau ĐH cũng tăng, khiến sinh viên và gia đình càng áp lực khi thời gian học có thể kéo dài tới 9 năm mới có thể ra trường đi làm phụ giúp cha mẹ", Long nhìn nhận.
Long còn chia sẻ ngoài học phí thì hầu hết cái gì cũng tăng, như tiền nhà, tiền ăn, tiền xăng xe, tiền sách vở giáo trình... Tính ra, tiền học phí, tiền ăn ở sinh hoạt 5 triệu đồng/tháng, tiền giáo trình, dụng cụ học tập là 4-5 triệu đồng/năm cùng với các chi phí phát sinh khác thì tổng một năm của Long phải chi hết khoảng 150 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi tháng gia đình phải chu cấp cho Long là 12,5 triệu đồng.
Trường đại học nào có học phí cao nhất Việt Nam? |
"Gia đình em may mắn là có thể lo được và em còn được giảm học phí theo nghị định 86 nên có phần đỡ áp lực hơn nhiều bạn khác. Từ lúc em vô trường với mức học phí 68 triệu đồng/năm thì thấy có nhiều bạn cùng khóa phải bỏ học vì không đủ tài chính cộng với áp lực từ việc học. Nhiều bạn tiếp tục học nhưng phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống", Long chia sẻ.
Tân sinh viên năm 2022 sẽ áp lực hơn vì nỗi lo học phí, chi phí tăng |
XD |
Chị Nguyễn Thị Mỹ, phụ huynh ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai có con trai lớn học năm 3 ngành cơ điện tử chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết việc tăng học phí và các chi phí khác đều tăng khiến cho chị phải "gồng gánh" khá vất vả. Chồng mất nên một mình chị là giáo viên phải nuôi 2 con ăn học. Học phí của con chị năm đầu khoảng 27 triệu đồng, đến nay năm cuối là khoảng 33 triệu đồng. Mỗi tháng, chị phải chu cấp cho con trai khoảng 6-7 triệu đồng trong khi lương của chị chỉ hơn 12 triệu đồng/tháng.
"Con trai tôi thương mẹ nên cháu tự đi làm thêm, mỗi tháng đủ trả tiền nhà trọ và xăng cộ đi lại, phụ bớt cho mẹ", chị Mỹ cho hay.
Trong khi đó, chị Ngô Thúy Hà (ngụ tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đang băn khoăn rất nhiều vì năm nay con chị vào ĐH. Chị Hà kể: "Vợ chồng tôi mỗi tháng cũng chỉ kiếm được hơn chục triệu nên tôi hướng cho con chọn trường ĐH nào mà học phí thấp một chút và có ký túc xá để ở. Mỗi tháng chi phí 3 - 4 triệu đồng/tháng thì tôi mới có thể lo được".
Mong đợi gì khi học phí tăng?
Nguyễn Thị Lan Anh, sinh viên năm nhất ngành văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng khi học phí tăng thì chắc chắn sinh viên sẽ gặp khó khăn, nhất là những bạn ở vùng sâu vùng xa hoặc có hoàn cảnh gia đình không khá giả.
Lan Anh xin ở ký túc xá để tiết kiệm chi phí |
NVCC |
"Để tiết kiệm, em xin vào ở ký túc xá nên mỗi tháng chi phí ăn uống sinh hoạt, học tập, xăng xe... của em cũng khoảng 3 triệu đồng. Vẫn biết là khó khăn nhưng em nghĩ việc tăng học phí một cách hợp lý cũng là cần thiết. Em mong trường sẽ đầu tư cơ sở vật chất ngày càng chất lượng hơn để sinh viên phát triển toàn diện. Đầu tư cho giảng viên cũng như trả lương cao hơn để thầy cô trở lại trường giảng dạy sau khi đi du học, tránh hiện tượng chảy máu chất xám", Lan Anh bày tỏ.
Lâm Thành Vĩ, sinh viên năm 4 ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM, cũng nhìn nhận việc tăng học phí lên vài triệu đồng/năm ít nhiều cũng gây khó khăn cho sinh viên, đặc biệt là trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19.
Lâm Thành Vĩ cố gắng học giỏi để được học bổng giảm bớt áp lực chi phí |
NVCC |
"Tuy nhiên, em thấy trường em và nhiều trường khác luôn có sẵn các quỹ học bổng để hỗ trợ các bạn gặp hoàn cảnh khó khăn và học bổng khuyến khích học tập dành cho các bạn có thành tích xuất sắc, giúp cho tụi em giảm phần nào áp lực chi phí. Chẳng hạn, em được nhận các khoản học bổng từ trường nên đỡ lo hơn nhiều. Mong là không có ai vì học phí tăng, chi phí sinh hoạt tăng mà phải bỏ học", Vĩ cho biết.
Với Trần Minh Long, khi trường tăng học phí, chàng sinh viên này mong đợi khá nhiều về chương trình học cũng như cơ sở vật chất. "Thực tế em thấy các trung tâm mô phỏng lâm sàng, lab thực hành, giảng đường... được đầu tư hơn. Học bổng của tụi em cũng tăng theo rất nhiều. Trường có hệ thống phản hồi giáo dục, thường xuyên tầm soát, tham vấn tâm lý cho sinh viên. Chương trình học còn được trường Y khoa của ĐH Harvard tham gia xây dựng, số giờ thực hành cũng tăng nhiều. Ngoài ra sau này bằng tốt nghiệp của tụi em cũng được AUN-QA công nhận. Đó cũng chính là mong muốn của tụi em khi học phí tăng", Minh Long chia sẻ.
Nguyễn Thiên Hương, sinh viên năm 3 ngành tài chính ngân hàng, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng nếu học phí tăng mà chất lượng tăng, môi trường học tập tốt hơn thì mới xứng đáng. Hương bày tỏ: "Em chỉ mong các trường tăng số lượng học bổng, hỗ trợ tối đa cho sinh viên khó khăn, kêu gọi doanh nghiệp tài trợ thêm... để tụi em không bị gánh nặng chi phí làm ảnh hưởng tới học tập".
Bình luận (0)