Di sản của của cố Thủ tướng Shinzo Abe

16/07/2022 11:44 GMT+7

Ông Shinzo Abe, tại nhiệm vị trí Thủ tướng Nhật Bản trong hai giai đoạn 2006-2007 và 2012-2020, là nhà lãnh đạo quan trọng, may mắn và thu hút những ý kiến trái chiều trong nước và cả quốc tế.

Sau 1 tuần kể từ khi ông Abe qua đời do bị bắn, ông vẫn đang là chủ đề gây nhiều chú ý không chỉ tại Nhật mà còn trên thế giới. Ông để lại nhiều di sản trong chính sách đối nội và đối ngoại mang tính thay đổi. Tuy nhiên, những di sản của ông không hoàn toàn tích cực.

Thủ tướng Shinzo Abe tại đại hội đảng LDP năm 2016

Reuters

Khen và chê

Những người chỉ trích đánh giá ông Abe và giới cầm quyền của ông là nhóm bảo thủ bác bỏ hiến pháp hòa bình hậu Thế chiến 2 với ý định làm cho Nhật Bản thành một nhà nước bớt ăn năn vì quá khứ và có sức mạnh cơ bắp nhiều hơn. Phe này cho rằng ông Abe muốn bình thường hóa quân đội, viết lại quá khứ và chối bỏ cái gọi là những quy chuẩn của phương Tây liên quan đến nhân quyền và tính cá nhân thông qua việc nhồi nhét giáo dục đạo đức. Những người chỉ trích này vẽ ra một bức tranh đen tối, cho rằng ông Abe và người ủng hộ là thành viên của “giáo phái Thần đạo” gọi là Nippon Kaigi (Hội nghị Nhật Bản) - một hội siêu bảo thủ có ý định khôi phục chủ nghĩa bản vị như trước chiến tranh.

Sự miêu tả này được cộng hưởng bởi cáo buộc tham nhũng liên quan đến vụ chi tiêu chính phủ tại buổi tiệc “ngắm hoa anh đào” thường niên cho những người ủng hộ ông Abe bị tố cáo có thể đã vi phạm Luật bầu cử công chức hay Luật kiểm soát quỹ chính trị.

Tại châu Á, Trung Quốc và Hàn Quốc xem ông Abe qua lăng kính của ông ngoại Nobusuke Kishi, cựu thủ tướng Nhật Bản từng cai trị vùng Mãn Châu, là tội phạm chiến tranh bị xét xử cải tạo và là kiến trúc sư của hiệp ước an ninh hậu Thế chiến 2 với Mỹ.

Năm 2014, mâu thuẫn ngoại giao nổ ra giữa Bắc Kinh và Tokyo khi hai bên cáo buộc nhau theo đuổi chủ nghĩa quân phiệt và phá hủy khu vực. Về mối quan hệ Nhật - Hàn, sau khi chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bãi bỏ thỏa thuận năm 2015 dàn xếp vấn đề nạn cưỡng bức phụ nữ trong thời chiến, mối quan hệ hai bên ngày càng tiêu cực sau các vụ đe dọa rút khỏi thỏa thuận chia sẻ tình báo GSOMIA, vụ kiện công ty Nhật bóc lột lao động và vụ Hàn Quốc bị xóa khỏi danh sách trắng được ưu tiên tiếp cận nguyên liệu quan trọng của Nhật Bản dành cho sản xuất bán dẫn.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ thủ tướng của ông Abe còn nhận những lời tuyên dương từ giới nhà quan sát, các viện nghiên cứu, những nhà thực thi chính sách có ảnh hưởng và phi đảng phái. Chỉ số sức mạnh châu Á của Viện Lowy (Úc) đánh giá Nhật Bản là “lãnh đạo của trật tự tự do tại châu Á”. Theo đó, Nhật Bản tiếp tục thể hiện sức ảnh hưởng ngoại giao vượt xa kỳ vọng dưới thời ông Abe, bất chấp sự thay đổi cán cân quyền lực nhanh chóng trong khu vực với sự tái trỗi dậy của Trung Quốc như là trung tâm của nền kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Một báo cáo bao quát, đa quốc gia của Đại học British Columbia (Canada) vào tháng 7.2020 nhắc lại những phát hiện này và cho biết những thay đổi cấu trúc về đối nội và quốc tế dưới thời ông Abe đã biến đổi Nhật Bản từ chỗ thụ động thành một nhân tố chủ động trong các vấn đề quốc tế, chứng minh vai trò trung gian của Nhật trong việc gây tác động và ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ trong lúc phải đối mặt với sự căng thẳng của một nước Mỹ theo chủ nghĩa đơn phương và một Trung Quốc theo chủ nghĩa xét lại.

Cuộc khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) đối với các nhà làm chính sách tại Đông Nam Á vào năm 2020 và cả 3 năm trước đó – lấy ý kiến của hơn 4.000 lãnh đạo Đông Nam Á - cho thấy Nhật Bản là đối tác đáng tin cậy nhất trong khu vực. Việc này phần lớn nhờ vào các chuyến thăm thường xuyên của cựu Thủ tướng Abe tới khu vực, nhờ sự hỗ trợ phát triển chính thức rộng rãi và dài hạn của Nhật Bản và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực.

Ba quan điểm vừa kể trên phản ánh rằng trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Abe trong gần 8 năm tại vị, ông đã tránh khỏi các vấn đề ý thức hệ như việc liên quan đến đền Yasukuni và di sản thời chiến của Nhật Bản để chuyển sang một cách hoạt động thực dụng hơn nhiều, có tính quan trọng cả ở trong và ngoài nước.

Di sản đối nội

Di sản đối nội của ông Abe gắn liền với chính sách đặc trưng “3 mũi tên” của ông gồm nới lỏng chính sách tiền tệ, củng cố tài khóa và tập trung cải cách cơ cấu; chính sách giúp phụ nữ tham gia lực lượng lao động được trả lương gọi là “womenomics” và nỗ lực thay đổi Điều 9 của hiến pháp liên quan đến việc sử dụng vũ lực bởi nhà nước.

Về mặt kinh tế, chính quyền ông Abe tiếp tục gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản từ trận đại địa chấn ở đông Nhật Bản vào tháng 3.2011 dẫn đến sóng thần gây ra sự cố hạt nhân Fukushima Daiichi. Điều này xảy ra song song với sự khủng hoảng quan hệ kinh tế Trung - Nhật sau khi chính quyền Thủ tướng Yoshihiko Noda trước kia quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Abe cũng kế thừa các chính sách thất bại của các chính quyền trước đó trong việc giải quyết các vấn đề nhân khẩu học của Nhật Bản, nền kinh tế trì trệ kéo dài hàng thập niên và có sự phân biệt giới tính cao.

Năm 2012, GDP danh nghĩa của Nhật Bản thấp hơn năm 1999 đến 18.000 tỉ yen. Nền kinh tế bị chững lại và theo công ty tư vấn tài chính Pelham Smithers Associates (trụ sở tại Anh), khi ông Abe nhậm chức vào tháng 12.2012, các công ty hàng đầu của Nhật Bản gồm Sony, Panasonic, Alps Alpine, Mazda, Toshiba, Fujitsu và NEC đều đang đổ sụp vào bên trong.

Sự táo bạo trong việc thay đổi của ông Abe cùng với việc bổ nhiệm ông Haruhiko Kuroda làm thống đốc Ngân hàng trung ương giúp cho việc nới lỏng định lượng không giới hạn trở thành trụ cột của “Abenomics”. Điều đó mang lại những kết quả lẫn lộn nhưng quan trọng.

Theo hãng phân tích Japan Macro Advisors, việc nới lỏng định lượng đã tạo ra tỷ lệ tăng trưởng danh nghĩa 1,7% từ năm 2013-2019. Tính luôn những sức ép lên nền kinh tế như dân số già hóa, kết quả này nên được coi là thành công vừa phải so với mức tăng trưởng GDP danh nghĩa 0% từ 1993-2012.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, lợi nhuận của công ty cũng tăng mạnh thông qua việc giảm thuế doanh nghiệp và thúc đẩy cải cách quản trị công ty để tăng tính minh bạch và khắc sâu tư duy mới vào doanh nghiệp Nhật Bản.

“Womenomics” cũng có nhiều thành công lẫn lộn. Việc nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động lên 72,6% vào năm 2019 - một mức khác xa so với tiêu chuẩn trung bình của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế); cũng như tỷ lệ phụ nữ nắm vai trò quản lý tăng nhẹ lên 7,8% trong năm 2020 so với 6,4% vào năm 2015, là những cột mốc quan trọng. Trong cả hai trường hợp, đại dịch Covid-19 đã cho thấy điểm yếu tương đối của “womenomics” về mặt thay đổi thực sự về thể chế và văn hóa với việc phụ nữ thường phải chấp nhận bị sa thải trong những công việc lao động không cố định. Những hạn chế này củng cố mạnh mẽ khẳng định của Kristin Wilson, người đồng sáng lập WomEnpowered International, rằng “sự có được (và mất đi) công việc của phụ nữ chứng tỏ họ vẫn là “bộ phận giảm xóc” của nền kinh tế Nhật Bản”.

Việc ứng phó với đại dịch Covid-19 của ông Abe cũng có kết quả lẫn lộn. Tỷ lệ tử vong của Nhật Bản từng rất thấp so với Pháp, Ý và Anh, và tương đương Hàn Quốc, nước nhận nhiều lời khen vì cách ứng phó.

Các chuyên gia chính sách đã chỉ trích quyết định cho đóng cửa trường học vào tháng 3.2021 đầy bất ngờ của ông Abe, tiếp sau hành động chậm chạp trong các lĩnh vực khác như đóng cửa biên giới và việc phân phối khẩu trang do ông đề ra mà không tham khảo giới chuyên gia cũng bị chỉ trích nhiều vì nó quá nhỏ.

Mặt khác, sự bất lực trong việc thúc đẩy cải cách hiến pháp cũng là một thất bại của ông Abe trên cương vị lãnh đạo, như chính ông đã tỏ ra tiếc nuối trong bài phát biểu từ chức. Ông Abe không thể truyền đạt đến cử tri tầm nhìn của ông về việc sửa lại Điều 9 hiến pháp, bất chấp CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa qua Nhật Bản vào tháng 9.2017, hay hành vi hung hăn của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông.

Dù vậy, Luật bảo vệ bí mật nhà nước năm 2013 và Luật hòa bình và an ninh năm 2015 đều đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường an ninh cho Nhật Bản khi gia tăng năng lực chia sẻ và bảo vệ thông tin tình báo nhạy cảm và bảo vệ đồng minh và bạn bè nếu họ bị tấn công.

Di sản quốc tế

Chỉ số sức mạnh châu Á của Viện Lowy và khảo sát Đông Nam Á 2020 của Viện ISEAS đều là những phép thử tuyệt vời đối với những di sản tích cực và quan trọng của ông Abe.

Các chỉ số trong nhiều năm liên tiếp của Viện Lowy tiếp tục thể hiện Nhật Bản là nước quyền lực thứ ba tại châu Á chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, bất chấp đại dịch Covid-19, suy giảm nhân khẩu và nền kinh tế tiếp tục khó tăng trưởng mạnh. Thứ hạng cao của Nhật được góp phần bởi năng lực dưới thời ông Abe khi sử dụng nguồn lực ngoại giao để đạt thành tích vượt ngoài mong đợi.

Khảo sát của ISEAS cho thấy các nước Đông Nam Á xem Nhật Bản là đối tác đáng tin cậy nhất trong và ngoài khu vực, trong khi Mỹ và Trung Quốc bị coi là không đáng tin hoặc ít đáng tin hơn.

Việc này không gây ngạc nhiên đối với giới quan sát. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Abe sau khi quay lại vị trí thủ tướng là đến Indonesia để công bố 5 nguyên tắc ngoại giao với ASEAN của Nhật Bản. Từ đó, ông đến thăm toàn bộ các nước ASEAN ít nhất là mỗi nước một lần. Trong khi các chuyến thăm của lãnh đạo là thước đo quan trọng của mối quan hệ, nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và các vấn đề tiên phong được các nước Đông Nam Á coi là thiết yếu cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Sáng kiến kết nối Nhật Bản-Mekong cũng như nhiều dự án hạ tầng mà Nhật Bản khởi xướng, gồm hành lang Đông-Tây, hành lang Bắc-Nam và hành lang kinh tế phương Nam là những ví dụ nổi bật. Những dự án này đều nhằm tăng cường hội nhập trong ASEAN để họ có thể gia tăng tính tự chủ chiến lược trong quan hệ với các nước trong khu vực như Trung Quốc và Mỹ.

Nhật Bản dưới thời ông Abe cũng ủng hộ các thỏa thuận thương mại quan trọng như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và dù không được ký dưới thời ông Abe, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) không chỉ thể hiện cam kết của Nhật Bản đối với khu vực mà còn nhằm đưa ASEAN trở lại thành trung tâm của hội nhập khu vực.

Ngoài khu vực sân sau của Nhật, chính quyền ông Abe ủng hộ chủ nghĩa đa phương thông qua các thỏa thuận quan trọng như Hiệp định Đối tác kinh tế Nhật Bản-EU và Hiệp định Đối tác kết nối bền vững và cơ sở hạ tầng chất lượng giữa EU và Nhật Bản, và còn nhiều thỏa thuận đa phương thực chất khác như Hiệp định Đối tác cơ sở hạ tầng ba bên Úc-Nhật-Mỹ.

Giới học giả cho rằng sự cam kết đối với chủ nghĩa đa phương thể hiện bước chuyển từ cách tiếp cận chính sách đối ngoại bị động, vốn tập trung vào quan hệ song phương, sang cách tiếp cận có tầm nhìn vĩ mô, trong đó Nhật Bản chủ động định hình trật tự khu vực, được chứng minh bởi Tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.