Tại buổi trò chuyện với chủ đề “Chúng ta như thế nào sau đại dịch” trong chương trình Cà phê thứ bảy trẻ được tổ chức tại TP.HCM ngày 21.6, tiến sĩ khoa học luật Nguyễn Vân Nam, Giám đốc công ty tư vấn luật Nam Hùng, nhắc đến một nghiên cứu mới nhất của Liên Hiệp Quốc để khẳng định rằng giới trẻ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề, nhanh nhất và mạnh nhất bởi dịch bệnh Covid -19.
Dịch bệnh đã tác động đến người trẻ như thế nào?
Tại buổi nói chuyện, các bạn trẻ tham dự cũng đã chia sẻ về những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19 đến cuộc sống.
Quế Anh, làm việc tại một công ty truyền thông ở Q.3, kể: “Trong thời gian cách ly xã hội, công ty mình cho mọi người làm việc online ở nhà. Cứ nghĩ là làm việc tại nhà thì sẽ có nhiều thời gian làm được thêm nhiều thứ như tập thể dục, học thêm ngoại ngữ, học nấu ăn…Nhưng không, dù làm tại nhà nhưng mình vẫn phải chạy deadline hằng ngày nhưng lương thì lại giảm”.
|
Nhưng điều quan trọng hơn, Quế Anh chia sẻ: “Chưa bao giờ phải làm việc tại nhà như thế này, nên trong thời gian vừa qua mình cảm giác rất cô độc, một mình với màn hình máy tính. Cảm giác cô lập trong phòng, không được tiếp xúc với ai thật sự rất kinh khủng”.
Do kinh doanh nhỏ lẻ nên không bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh như những đơn vị kinh doanh lớn khác nhưng một bạn nam tham gia chương trình, cho biết rút ra được nhiều điều trong cuộc sống từ dịch bệnh này. “Cuộc sống mỗi người có mục đích khác nhau nhưng chung quy lại thì mọi người vẫn tự tìm cho mình niềm vui sướng, hạnh phúc nào đó. Tiền cũng chỉ là một trong những cái gì đó mà mình bước qua thôi nên đâu nhất thiết suốt ngày chúng ta cứ đâm đầu đi kiếm tiền, đi làm đủ mọi thứ! Tại sao chúng ta không chăm lo đến sức khỏe và những người thân cho gia đình? Đừng chạy theo những gì quá to lớn, đến lúc mất thì mất tất cả".
|
Nhiều tác động
Nhắc đến những tác động của dịch bệnh đến giới trẻ, tiến sĩ Nam cho rằng dịch đã tác động nặng nề đến cơ hội việc làm, cơ hội được giáo dục của người trẻ. “Đặc biệt là cơ hội việc làm, vì sau dịch bệnh là làn sóng suy thoái, các doanh nghiệp sẽ rất vất vả để quay trở lại hoạt động bình thường. Điều đó có nghĩa là họ sẽ không nhận những người lao động trẻ không có kinh nghiệm. Những người đang có việc làm thì rất dễ bị sa thải, tìm công việc làm mới thì càng khó hơn nữa. Và nếu có việc làm thì bắt buộc phải chấp nhận những công việc thấp hơn rất nhiều so với trình độ được đào tạo”.
|
Về làm việc tại nhà, ông Nam cũng cho rằng đó là một sự tác động lớn đối với giới trẻ vì theo ông có một nghiên cứu của Tổ chức Lao động thế giới, làm việc tại nhà không phải là một giải pháp tốt vì nó không làm cho công việc tốt hơn.
“Làm việc tại nhà sẽ thiếu không khí tiếp xúc với đồng nghiệp, không được sống trong một môi trường làm việc với đồng nghiệp thực sự nên thiếu động cơ sáng tạo và không thúc đẩy được sự sáng tạo”, tiến sĩ Nam nhận định.
Cơ hội thiết lập một cuộc sống bình thường mới
Cũng tại buổi nói chuyện, bà Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) lại khẳng định dịch bệnh Covid-19 vừa qua rất ý nghĩa, nhất là với người trẻ Việt Nam vì theo bà người trẻ rất năng động và tràn đầy năng lượng nên đây chính là cơ hội để các bạn có thời gian sống chậm lại để nhìn lại bản thân và nhìn ra thế giới. Bà khẳng định dịch bệnh chính là thời kỳ để các bạn trẻ suy ngẫm và nhìn lại.
|
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, dịch bệnh Covid-19 đã bóc trần những mặt trái, mặt yếu, những bất ổn, mâu thuẫn sâu xa mà có thể chúng ta chưa nhìn được trong cuộc sống hối hả thường ngày. “Những lúc khủng hoảng thì tất cả chúng ta bị thách thức của sự thấp hèn và cơ hội của sự cao đẹp, sáng tạo. Trong đó, sự sáng tạo được minh chứng từ những người trẻ đã nghĩ ra ATM gạo, ATM không đồng…và rất nhiều nhưng điều ý nghĩa khác. Những sáng tạo này rất kịp thời và người trẻ đã biết vận dụng công nghệ để phục vụ cho cộng đồng, cùng nhau chiến thắng dịch bệnh. Nhưng bên cạnh đó, cũng có cả thách thức của sự thấp hèn. Như nhiều người đã tranh thủ cơ hội bơm giá các thiết bị y tế để trục lợi...”.
|
Cuối cùng bà Ninh nhắn gửi cho người trẻ khi chúng ta đi qua dịch bệnh: “Nếu chúng ta có suy nghĩ là khi dịch đi qua, chúng ta quay trở lại với cuộc sống bình thường như cũ và không có sự khác biệt nào thì tôi cho rằng như vậy là rất sai lầm. Điều mà tôi rất sợ là chúng ta vì phải lo kiếm sống, trở lại công việc…sẽ muốn quay lại như cũ. Nhưng nếu quay lại như trước thì không thể nào được nữa".
Tiến sĩ Nam nhắn gửi: “Nếu chúng ta để ý đến dịch bệnh Covid - 19, chúng ta biết được đó là sự ngẫu nhiên và không thể nào biết trước được thì hãy lựa chọn cho mình một cách sống đúng. Cuộc đời của mỗi người đầy những chuyện không thể biết trước được, đầy những yếu tố ngẫu nhiên và không ai biết được có thể ngày mai mọi thứ sẽ kết thúc. Các bạn hãy sống cho xứng đáng trong những giây phút đang được sống và sống sao cho chúng ta được hạnh phúc nhất”.
Bình luận (0)