Điểm xung đột: Israel trúng rốc két 'khủng'; viện trợ Mỹ cho Ukraine là 'thuốc an thần'?

Điểm xung đột: Israel trúng rốc két 'khủng'; viện trợ Mỹ cho Ukraine là 'thuốc an thần'?

21/11/2023 23:49 GMT+7

Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh sáng hôm nay 21.11 cho biết Hamas và Israel đang tiến đến gần một thỏa thuận ngừng bắn. Ông Haniyeh nói nhóm đã gửi phản hồi đến các nhà hòa giải Qatar.

Tờ Al Jazeera dẫn lời quan chức Izzat el Reshiq của Hamas nói rằng cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn sẽ kéo dài vài ngày và bao gồm các thỏa thuận đưa hàng viện trợ vào Gaza, cũng như trao đổi con tin bị Hamas bắt giữ lấy những người bị Israel giam giữ.

Ông El Reshiq cho biết thỏa thuận sẽ bao gồm việc thả phụ nữ và trẻ em Israel khỏi Gaza để đổi lấy phụ nữ và trẻ em Palestine khỏi “các nhà tù chiếm đóng”.

Quan chức này cũng cho biết Qatar sẽ công bố thỏa thuận.

Trước đó vào hôm 19.11, thủ tướng Qatar cho biết thỏa thuận thả tự do cho một số con tin để đổi lấy lệnh ngừng bắn đang gặp phải một số vấn đề nhỏ.

Một ngày sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông tin rằng sắp đạt được một thỏa thuận giải thoát con tin. Nhà Trắng cho biết các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn kết thúc, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết vì cho rằng điều này có thể gây ảnh hưởng đến kết quả.

Ở một diễn biến khác, nhóm trẻ sinh non đầu tiên ở Gaza đã được chuyển đến Ai Cập và được chăm sóc đặc biệt. Nhiều bé trong tình trạng sức khỏe rất xấu, nhưng ít nhất là người thân bây giờ đã có hy vọng.

Quay trở lại với thỏa thuận trao đổi con tin, Tờ Times of Israel đưa tin Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir đã đưa ra tuyên bố cảnh báo liên quan thỏa thuận này.

Ông nói: “Tôi rất lo lắng vì có một số thỏa thuận đang được thảo luận. Chúng tôi đang bị ngăn cản và chúng tôi không được biết sự thật. Có tin đồn rằng Israel một lần nữa sẽ phạm sai lầm lớn tương tự như thỏa thuận Shalit”.

Thỏa thuận Shalit là tên một thỏa thuận đạt được năm 2011, qua đó Israel đã thả hơn 1.000 tù nhân Palestine mà nước này bắt giữ để đổi lấy binh sĩ Israel Gilad Shalit.

Theo tờ báo, ông Ben-Gvir cho rằng Israel có thể sắp thực hiện “một thỏa thuận có thể mang lại thảm họa”.

Chuyển sang một thông tin khác thì như truyền hình báo Thanh Niên hôm qua có đưa tin, lực lượng Houthi ở Yemen vừa tuyên bố đã bắt giữ một tàu của Israel trên biển Đỏ để đáp trả việc Israel tấn công Gaza. Đến hôm 20.11, phiến quân Houthi đã công bố một video vụ bắt giữ tàu hàng. Và video này có thể sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên, vì nhiều người trong số chúng ta vẫn hình dung các tay súng Houthi chạy thuyền máy ra cướp tàu như hình ảnh về các nhóm cướp biển. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác.

Quân đội Israel đã đưa ra bản cập nhật mới nhất về tình hình chiến dịch quân sự và nói rằng họ đang hoạt động chống lại cơ sở hạ tầng và các hoạt động khủng bố ở khu vực Jabalia phía bắc Gaza.

Trong bản cập nhật, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố trong trận chiến, sư đoàn đã tấn công ba hầm đường hầm ở khu vực Jabalia, nơi những kẻ khủng bố đang ẩn náu và tiêu diệt hàng chục kẻ khủng bố với sự hỗ trợ của không quân thu giữ vũ khí của Hamas ở nhiều địa điểm, bao gồm cả nhà riêng và phòng ngủ của trẻ em, đồng thời xác định và phá hủy các đường hầm.

Các tuyên bố chưa được xác minh độc lập.

Để trả đũa chiến dịch tấn công Gaza của Israel, một đồng minh của Hamas là lực lượng Hezbollah ở Li Băng hôm 20.11 tuyên bố đã tấn công vào doanh trại của Israel bằng 4 rốc két Burkan, tức là “Núi lửa”.

Về chiến sự Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã đến Ukraine hôm 21.11 trong chuyến thăm bất ngờ.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ông đang tìm cách đưa ra những đảm bảo của Đức về sự hỗ trợ dành cho Ukraine trong cuộc xung đột.

Chuyến thăm này diễn ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến thăm Kyiv.

Trong chuyến thăm, ông Austin đã công bố gói viện trợ 100 triệu USD cho Ukraine. Động thái này đã khiến Đại sứ Nga ở Mỹ lên án gay gắt.

Theo Reuters, Nga hôm 21.11 cho biết thủy quân lục chiến, không quân và pháo binh đã cản trở nhiều nỗ lực của Ukraine nhằm giành được chỗ đứng ở bờ đông sông Dnipro và trên các hòn đảo ở cửa sông ở miền nam Ukraine.

Ukraine trong tháng này nói lực lượng nước này đã vượt qua sông Dnipro và thiết lập một số đầu cầu ở bờ đông sông.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Lính thủy quân lục chiến của Hạm đội Biển Đen đang ngăn chặn mọi nỗ lực của Lực lượng Vũ trang Ukraine nhằm thực hiện các cuộc đổ bộ lên quần đảo Dnipro và tả ngạn sông Dnipro”.

Bộ đã công bố một đoạn video cho thấy lính thủy đánh bộ thuộc Lữ đoàn bộ binh hải quân cận vệ 810 đánh bại lực lượng Ukraine. Các binh sĩ được cho thấy đã bắn nhiều loại vũ khí khác nhau, nhưng kết quả của cuộc giao tranh vẫn chưa rõ ràng.

Hiện vẫn chưa rõ nỗ lực của Ukraine nhằm giành được chỗ đứng ở bờ đông sông Dnipro có ý nghĩa như thế nào.

Trong một thông tin khác, Phần Lan, thành viên mới nhất của NATO, đã đưa các binh sĩ đến biên giới với Nga để giúp lực lượng biên phòng dựng rào chắn nhằm ngăn người nhập cư từ nước thứ ba, trong động thái làm gia tăng căng thẳng với Nga.

Hiện giữa Phần Lan và Nga chỉ còn mở một cửa khẩu, sau khi Helsinki quyết định đóng các cửa khẩu khác ở miền nam với cáo buộc Moscow hướng người di cư và người xin tị nạn từ các nước thứ ba đến biên giới hai nước.

Điện Kremlin ngày 20.11 cho biết họ vô cùng lấy làm tiếc về quyết định của Phần Lan về việc đóng cửa các cửa khẩu trên biên giới với Nga. Moscow xem đây là động thái phản ánh lập trường bài Nga của Helsinki.

Bộ Ngoại giao Nga sau đó cho biết họ đã gửi công hàm phản đối chính thức tới đại sứ Phần Lan tại Moscow, nói rằng việc đóng cửa 4 cửa khẩu biên giới đã vi phạm "quyền và lợi ích của hàng chục nghìn người" ở cả hai nước.

Thưa quý vị, ở một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự hội nghị trực tuyến của các nền kinh tế G20 trong ngày 22.11.

Hãng thông tấn RIA dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nga hôm 21.11 cho biết Moscow đang chờ kết quả điều tra vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream trước khi đưa ra yêu cầu bồi thường.

Các đường ống dưới biển Baltic đã bị hư hại trong vụ nổ năm ngoái và các cuộc điều tra vẫn chưa xác định được ai phải chịu trách nhiệm.

Trả lời câu hỏi về khoản bồi thường, RIA dẫn lời ông Dmitry Birichevsky, người đứng đầu bộ phận hợp tác kinh tế của Bộ, nói: “Cuộc điều tra vẫn chưa kết thúc, chúng tôi đang chờ kết quả được trình lên Hội đồng Bảo an [LHQ], sau đó chúng tôi sẽ quyết định phải làm gì".

Nga đã quy trách nhiệm cho Mỹ, Anh và Ukraine về các vụ nổ khiến nước này bị cắt đứt phần lớn khỏi thị trường châu Âu.

Các quốc gia trên đã phủ nhận liên quan.

Hội đồng bảo an LHQ đã từ chối thực hiện cuộc điều tra riêng về vụ việc và giao việc này cho chính phủ Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.