Ông nói Ukraine và phương Tây vẫn tiếp tục đưa ra “suy đoán” về ý định của Nga khi tiến về hướng ngoại ô Kyiv vào cuối tháng 2.2022. Tuy nhiên, theo ông Putin, đã “không có quyết định chính trị nào được đưa ra về việc đưa quân vào thành phố 3 triệu dân”.
Ông giải thích rằng việc áp sát Kyiv vào thời điểm đó chỉ “nhằm thúc đẩy phía Ukraine tham gia đàm phán, cố gắng tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được”.
Theo ông Putin, động thái rút quân của Nga vào thời điểm đó đã mở ra các cuộc đàm phán, từ đó dẫn đến các thỏa thuận “về nguyên tắc, phù hợp với cả Moscow và Kyiv”.
Trên thực tế hai nước đã đạt được các bước tiến trong các cuộc đàm phán tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3.2022. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sau đó đổ vỡ và không đạt được kết quả và xung đột kéo dài đến ngày nay.
Kyiv và phương Tây đã tuyên bố rằng việc Nga rút khỏi khu vực thủ đô của Ukraine không phải là một cử chỉ thiện chí của Moscow, mà là kết quả của những thành công quân sự mà quân đội Ukraine đạt được.
Cũng tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga ở thủ đô Moscow, Tổng thống Putin đã đưa ra đề xuất về ngừng bắn tại Ukraine và tái khởi động đàm phán hòa bình.
Sau khi Ukraine cho rằng đề xuất mới của Tổng thống Putin là một dạng “tối hậu thư”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận rằng “đó chắc chắn là một sự hiểu lầm, vì đề xuất của ông Putin chính xác là một sáng kiến hòa bình”.
Ông Peskov nhấn mạnh rằng tình hình hiện nay khác so với năm 2022 và Ukraine cần xét đến thực tế một số khu vực đã sáp nhập vào Nga.
Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các nhà lãnh đạo Nhóm G7 đã không thảo luận về các đề xuất của Tổng thống Putin vì tất cả đều biết rằng đó là ý tưởng không nghiêm túc.
Phát biểu từ Ý ngay trước khi lên đường đến Thụy Sĩ, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh về Ukraine, ông Scholz cho biết các đề xuất của nhà lãnh đạo Nga chỉ nhằm mục đích đánh lạc hướng của cộng đồng quốc tế khỏi hội nghị.
Thụy Sĩ tổ chức hội nghị này trong hai ngày 15-16.6 theo đề nghị từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, và xác nhận có hơn 90 quốc gia cùng các tổ chức sẽ cử phái đoàn tham gia.
Trả lời Thanh Niên ngày 14.6, một chuyên gia tình báo quốc phòng, là cựu đại tá quân đội Mỹ và từng điều hành một bộ phận tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan, đánh giá: “Cuộc chiến Nga-Ukraine hiện đang rơi vào thế bế tắc không khác gì Thế chiến thứ nhất”.
Theo ông, chiến lược của cả hai nước vẫn không thay đổi. Cả hai đều tấn công vào các khu vực hậu phương của nhau. Ukraine đang nhắm mục tiêu vào các trung tâm hậu cần, sân bay và các nhà máy lọc dầu, các cơ sở chế biến năng lượng của phía Nga. Người Nga tiếp tục tấn công vào các tiện ích công cộng của Ukraine, đặc biệt về điện nước, để tìm cách bẻ gãy tinh thần người Ukraine.
Vị chuyên gia cũng cảnh báo rằng cuộc giao tranh sẽ leo thang vào tháng 7 và đạt đỉnh vào khoảng tháng 8 - 9 nhưng không bên nào đạt được tiến triển lớn. Ông cho biết chưa thấy triển vọng sáng sủa về đàm phán hòa bình vì cả hai bên vẫn không khoan nhượng.
Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 15.6.2024 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)