Điều hành xuất khẩu gạo : Trách nhiệm sửa sai

20/04/2020 06:30 GMT+7

Đã đến lúc phải có đơn vị nhận trách nhiệm, thậm chí nhanh chóng sửa sai về những điều chưa đúng đã và đang xảy ra, để cơ chế điều hành xuất khẩu gạo trong tháng tới được vận hành đầy minh bạch.

Hôm nay, 20.4, đúng 10 ngày sau quyết định của Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại trong bối cảnh cả nước đang đối mặt với dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn, Thủ tướng lại phải nghe hai bộ Công thương, Tài chính báo cáo (lại) về việc vì sao công tác triển khai thực hiện phương án xuất khẩu gạo 400.000 tấn trong tháng 4.2020 xảy ra quá nhiều bất cập, đầy ắp những kiến nghị rối rắm cùng các văn bản “tố” nhau xuất hiện liên tục trên nhiều phương tiện truyền thông giữa các bộ ngành có liên quan.
Điều gây ngạc nhiên tiếp theo chính là câu chuyện của các bên có liên quan nhất loạt “quăng qua, chọi lại” những công văn, văn bản đều gắn dấu “hỏa tốc” chỉ để giải quyết cho những vấn đề vốn dĩ nó đã được thống nhất rất cao, từ nội dung, dữ liệu thông tin chuyên ngành lẫn cách thức thực hiện cho phương án xuất khẩu gạo theo hạn ngạch (quota) 400.000 tấn gạo trong tháng 4 mà Chính phủ đã đồng ý.
Tại sao Bộ Công thương phải “xin” Bộ Tài chính về số liệu xuất khẩu gạo sau khi hệ thống khai báo điện tử được mở mà không sử dụng dữ liệu liên thông giữa hai bộ theo cơ chế phối hợp đã được Chính phủ quy định rất rõ? Tại sao Tổng cục Hải quan phải nại lý do đến 9 giờ 30 ngày 11.4, cơ quan này “mới nhận được bản chụp do Bộ Công thương gửi qua thư điện tử và ngày 13.4 mới nhận được bản chính thức” như một cách biện minh cho quyết định gây phản ứng kịch liệt mà không thấy điểm lõi: nếu hải quan nhận văn bản lúc nào và thông báo ngay lập tức cho cộng đồng doanh nghiệp được biết trên cổng thông tin của Tổng cục Hải quan thì đã chẳng có việc lãnh đạo ngành phải làm báo cáo với Chính phủ?
Tại sao Tổng cục Hải quan biết doanh nghiệp sẽ không chủ động được phương án kinh doanh nếu thực hiện theo phương án phân bổ quota xuất khẩu gạo, nhưng khi họp góp ý lúc còn dự thảo của Bộ Tài chính lại không đề xuất bác đi, mà lại ký công văn đồng ý với các bộ để trình Chính phủ phê duyệt?
Cần xác định rõ, số lượng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4.2020 là do Chính phủ quyết định, sau khi đã được ba bộ nói trên cùng Ngân hàng Nhà nước đóng góp ý kiến để Bộ Công thương làm đầu mối trình Chính phủ cân nhắc xem xét. Đương nhiên, nó thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu mà doanh nghiệp kỳ vọng, nên Chính phủ mới nhấn mạnh “các bộ Công thương, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng, các cơ quan thanh, kiểm tra về các nội dung và số liệu báo cáo đề xuất”. Và giải pháp để giám sát lượng quota ít ỏi nói trên đều có đầy đủ, chi tiết trong báo cáo trình Chính phủ, với sự thống nhất cao của các bộ có liên quan, kể cả địa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.
Đã đến lúc phải có đơn vị nhận trách nhiệm, thậm chí nhanh chóng sửa sai về những điều chưa đúng đã và đang xảy ra, để cơ chế điều hành xuất khẩu gạo trong tháng tới được vận hành đầy minh bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.