Điều trị toàn diện là chìa khóa chiến thắng Covid-19

Lê Cầm
Lê Cầm
21/07/2022 11:16 GMT+7

Đoàn kết, phối hợp liên viện tuyến trên, tuyến dưới, tranh thủ thời gian, điều trị toàn diện từ tâm lý, dinh dưỡng... là những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình điều trị cho hơn 6.000 người bệnh Covid-19 tại Trung tâm Covid-19, Bệnh viện Quân y 175.

Trong giai đoạn cao điểm Covid-19, ngày 19.7.2021, Trung tâm Điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 đã ra đời sau 48 giờ, thu dung điều trị 6.102 bệnh nhân, trong đó gần 5.297 bệnh nhân xuất viện, đạt tỷ lệ hơn 86%.

Trong đó, có 65 ca chuyển viện, là các sản phụ nhập viện chuyển đi Hùng Vương, Từ Dũ. Có 884 ca thở oxy dòng cao HFNC, tỷ lệ thành công 441 ca, đạt gần 50%; thở không xâm lấn 118 ca, thành công 47 ca, đạt tỷ lệ gần 40%.

Đây là thông tin được thượng tá - bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó giám đốc Trung tâm Điều trị người bệnh Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ tại Hội nghị khoa học Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị Covid-19 diễn ra sáng 21.7.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 300 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và cán bộ nhân viên của các cơ quan, cơ sở y tế điều trị Covid-19 trong và ngoài Quân đội. 12 bài báo cáo về kinh nghiệm điều trị Covid-19 được chia sẻ từ các chuyên gia đến từ các bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Quân Dân y Miền Đông...

Điều trị toàn diện, từ tâm lý đến thể chất

Trung tâm Điều trị Covid-19, Bệnh viện 175 tách đôi ECMO trong giai đoạn cao điểm cứu sản phụ

bvcc

Bác sĩ Vũ Đình Ân cho biết, từ cơ sở điều trị ban đầu với quy mô 200 giường bệnh, trang thiết bị y tế hạn chế, trung tâm Điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175 đã phải 2 lần mở rộng quy mô giường bệnh và bổ sung các trang thiết bị hiện đại. Lúc cao điểm Trung tâm huy động 500 nhân viên y bác sĩ, 5 hệ thống ECMO, 7 máy lọc máu liên tục, 52 máy thở xâm nhập, 181 máy HFNC, 90 Monitor, 5 máy X-quang, 6 máy siêu âm...

Theo bác Ân, để điều trị thành công cho người bệnh Covid-19, cần chú ý từ yếu tố tâm lý đến dinh dưỡng, vận động... bên cạnh các kỹ thuật điều trị cao.

"Từ việc nhỏ như cho bệnh nhân nằm sấp để tăng thông khí, cho bệnh nhân liên lạc với người nhà để trấn an tâm lý, thể dục, vật lý trị liệu, dinh dưỡng... đến các kỹ thuật điều trị thuốc, máy móc can thiệp phải được chú trọng toàn diện", bác sĩ Ân chia sẻ.

Ngoài ra, bác sĩ Ân cho biết có những tình huống linh hoạt cần ứng phó kịp thời để cứu bệnh nhân như trường hợp sản phụ H., bệnh viện phải chia đôi ECMO cho 2 người bệnh. Từ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, SpO2 80%, sau 30 phút can thiệp ECMO, tình trạng chị H. được cải thiện rõ rệt: chỉ số nồng độ oxy đã lên 96-98%, qua nguy kịch.

Theo bác sĩ, việc tranh thủ thời gian sớm, điều trị cho bệnh nhân để ngăn chuyển nặng là rất cần thiết. Vì khi chuyển sang giai đoạn thở máy tỷ lệ hồi phục sẽ thấp hơn.

"Do đó trong giai đoạn biến chủng mới, việc phòng ngừa Covid-19 bằng vắc xin được xem là biện pháp hiệu quả, ngăn chuyển nặng. Người dân nên tiêm ngừa đủ liều tăng cường theo khuyến cáo, hiện tại là mũi 4. Bởi ở các bệnh viện có tỷ lệ tử vong cao, có đến 60% bệnh nhân chưa tiêm vắc xin", bác sĩ Ân khuyến cáo.

Vận động giúp hồi phục hậu Covid-19

Bác sĩ Võ Tường Kha (Bệnh viện Thể Thao Việt Nam) cho biết, Việt Nam đã qua các biến thể SARS-CoV-2 gây bệnh như biến thể Omicron, Delta, Alpha... và hiện nay là biến thể phụ của dòng Omicron - BA.5 . Biến chứng và di chứng để lại khi mắc Covid-19 phức tạp, thường gặp là mệt mỏi, chóng mặt, suy giảm hoạt động thể chất hoặc tinh thần. Đối với hệ hô hấp và tim: có thể gây khó thở hoặc hụt hơi, ho, đau ngực, tim đập nhanh... Đối với hệ thần kinh: gây khó suy nghĩ hay khó tập trung, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, choáng váng, cảm giác tê râm ran, rối loạn vị giác và khứu giác, trầm cảm hoặc lo lắng...

Có nhiều nhóm giải pháp điều trị và phục hồi chức năng bệnh nhân hậu Covid-19 như dược liệu pháp để điều trị triệt để các triệu chứng, thải độc; Tâm lý liệu pháp để cải thiện tâm lý-tinh thần; Dinh dưỡng là liệu pháp để nâng cao thể trạng; Vận động liệu pháp...

Vận động liệu pháp, còn được gọi là “Kê đơn tập luyện”, là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng bệnh, hỗ trợ điều trị và phục hồi chức năng bệnh nhân hậu Covid-19. Để tăng cường hiệu quả, tránh tác dụng phụ của Vận động liệu pháp, thầy thuốc và bệnh nhân cần phối hợp chặt chẽ, kiểm soát lượng vận động của người bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.