Phân luồng trước khi vào 'cửa ngõ' giao thông
Ông Phùng Văn On, Ủy viên thường trực Ban ATGT tỉnh Long An, cho biết nhằm giảm bớt ách tắc tại các tuyến đường chính, Ban ATGT tỉnh phối hợp lực lượng CSGT tại các huyện phân luồng, sửa sang lại các biển báo giao thông để người tham gia giao thông không bị rơi vào "tâm vùng kẹt xe" trên QL1, cụ thể là khu vực cầu Bến Lức (H.Bến Lức, Long An) như các dịp lễ, tết trước đây.
Theo ông On, lộ trình từ miền Đông, TP.HCM về 12 tỉnh miền Tây còn lại đều phải qua địa tỉnh Long An. Các tuyến đường còn lại như QL50, QLN2 mới đưa vào hoạt động thời gian gần đây nên nhiều người chưa biết, vẫn tập trung lưu thông trên QL1. Do đó, Ban ATGT Long An phối hợp CSGT các quận giáp ranh của TP.HCM để điều tiết, hướng dẫn ngay từ đầu nhằm hạn chế tình trạng người tham gia giao thông tập trung về QL1.
|
Theo đó, cánh giao thông qua các Q.12, Q.Bình Tân (TP.HCM), nếu về các tỉnh Đồng Tháp, An Giang sẽ được hướng dẫn đi vào H.Đức Hòa (Long An) rồi vào QLN2. Nếu xuất phát từ tỉnh Long An để về Đồng Tháp, An Giang thì có nhiều tuyến như QL61, Tỉnh lộ 830 để vào QLN2.
Riêng người tham gia giao thông xuất phát từ các quận: 6, 7, 8 và H.Nhà Bè (TP.HCM) sẽ được hướng dẫn đi vào QL 50. Nếu xuất phát từ tỉnh Long An thì được hướng dẫn đi vào Tỉnh lộ 830 rồi ra QL50 để về các huyện phía đông tỉnh Tiền Giang, như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo và TX.Gò Công. Riêng các phương tiện xe máy về các huyện Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre) cũng có thể đi theo tuyến giao thông này để tránh việc phải qua cầu Rạch Miễu.
Chỉ có xả trạm liên tục mới giải quyết 'nút thắt' cầu Rạch Miễu
Mặc dù vậy, từ rạng sáng 31.8, giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và QL1 qua địa bàn tỉnh Long An vẫn ùn ứ nghiêm trọng. Tuyến tránh QL1 qua địa bàn tỉnh Long An tiềm ẩn rủi ro rất cao về tai nạn giao thông do lưu lượng xe quá đông, trong khi tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng, nhiều công trình đang thi công tại các nút giao.
Giao thông trên QL1 qua tỉnh Tiền Giang cũng "căng" từ sáng sớm cùng ngày, đặc biệt tại các nút thắt cổ chai.
Ông Trần Văn Bon, Phó ban ATGT tỉnh Tiền Giang, cho biết tình trạng kẹt xe khi có lưu lượng phương tiện tăng cao trên QL1 là nỗi trăn trở của ngành giao thông tỉnh trong nhiều năm qua, cách để giải quyết triệt để là làm lại các cầu “thắt cổ chai”, thì chưa được Trung ương bố trí kinh phí.
Theo ông Bon, để tránh các “nút thắt cổ chai” trên QL1, các phương tiện khi rời khỏi cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hoặc tới khu vực ngã tư Đồng Tâm (Long An) có thể rẽ vào Tỉnh lộ 864, tuyến giao thông này song song với QL1, nối từ TP.Mỹ Tho về đến H.Cái Bè (Tiền Giang) để lên cầu Mỹ Thuận, đi Vĩnh Long.
|
Trao đổi với PV Thanh Niên vào sáng 31.8, thượng tá Võ Văn Nghĩa, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bến Tre, cho rằng tình trạng kẹt xe ở khu vực cầu Rạch Miễu thường xuyên diễn ra và CSGT đã chủ động các kế hoạch để giảm nhiệt cho người tham gia giao thông qua đây.
“Biết rằng nguyên nhân chính dẫn đến kẹt xe trên tuyến QL 60, khu vực cầu Rạch Miễu là do việc thu phí BOT qua cầu nhưng đó là hoạt động của nhà đầu tư để hoàn vốn, đảm bảo kinh doanh có lãi đúng quy định nên chúng tôi chỉ biết tăng cường thêm lực lượng để điều tiết, phân luồng giao thông để không xảy ra hỗn loạn khi kẹt chứ đâu có làm gì hơn được", thượng tá Nghĩa nói.
"Đồng thời, phát tờ rơi để tuyên truyền kêu gọi người tham gia giao thông không qua khu vực cầu Rạch Miễu trong thời gian từ 15 - 20 giờ hằng ngày suốt dịp lễ 2.9. Quy định là ún ứ 750 phương tiện trước trạm BOT, thì buộc phải xả trạm nhưng nhiều lần phương tiện ùn ứ nhiều hơn vậy, chúng tôi yêu cầu xả trạm còn bị phía nhà đầu tư kỳ kèo, chậm chạp trong thực hiện", thượng tá Nghĩa nói thêm.
Bình luận (0)