Doanh nghiệp đầu tư 1 tỉ nhưng PCCC mất 2 - 3 tỉ đồng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/08/2024 06:24 GMT+7

'Có những DN đầu tư chi khoảng 1 tỉ đồng, nhưng nếu theo tiêu chuẩn, tiêu chí hiện tại thì thực hiện PCCC mất 2 - 3 tỉ đồng, lớn hơn nhiều tiền đầu tư'.

Ngày 28.8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến dự thảo luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu (ĐB) Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) phản ánh theo thống kê, thời gian qua, các bộ, ngành đã xây dựng 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về PCCC. Tuy nhiên, có tiêu chuẩn vừa được ban hành đã được thay đổi bằng tiêu chuẩn mới. "Có khi 3 năm 3 quy chuẩn, chỉ việc đọc và hiểu các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã rất khó khăn, chưa nói triển khai thực hiện. Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn thiếu thực tế, không có tính khả thi", bà Ngọc nói. Từ đó, ĐB tỉnh Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành phối hợp rà soát, sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC đảm bảo thống nhất, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và người dân.

ĐB Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho hay hiện nay tiêu chuẩn, tiêu chí về PCCC cao quá nên DN "rất sợ làm PCCC". "Có những DN đầu tư chi khoảng 1 tỉ đồng, nhưng nếu theo tiêu chuẩn, tiêu chí hiện tại thì thực hiện PCCC mất 2 - 3 tỉ đồng, lớn hơn nhiều tiền đầu tư", ông Minh thông tin và cho rằng nhiều vấn đề chưa được giải quyết trong dự thảo luật.

Vẫn theo ĐB Đinh Ngọc Minh, về các quy định về thẩm tra, thẩm định thiết kế về PCCC, dự thảo luật đang quy định 2 cơ quan thẩm định, một cơ quan xây dựng và một cơ quan công an. "Khi một cơ quan về xây dựng đã thẩm định các tiêu chí, tiêu chuẩn, tại sao một công trình chúng ta vẫn thiết kế 2 cơ quan thẩm định, 1 cơ quan về xây dựng, 1 cơ quan về công an? Việc này làm cho thủ tục hành chính tăng lên, DN sẽ phản ứng", ĐB Minh nêu.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì đề nghị các quy định về PCCC tại dự thảo luật cần phải cụ thể, tránh chung chung để dễ triển khai, thực hiện, tránh lạm dụng. Chẳng hạn, với quy định về phòng cháy với nhà ở, điều 18 dự thảo quy định phải có phương tiện PCCC phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn. ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng quy định như vậy chung chung, dễ lạm dụng khi triển khai. "Không khéo luật quy định phù hợp điều kiện, khả năng thực tế rồi địa phương quy định tất cả hộ gia đình phải mua phương tiện PCCC của các cơ sở dịch vụ cung cấp. Cái này rất lãng phí", ĐB Đồng Tháp nói.

Liên quan đến quy định về phòng cháy đối với phương tiện giao thông, ĐB Hòa băn khoăn việc quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận tải hành khách từ 9 chỗ ngồi trở lên được yêu cầu có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động và bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC, quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. ĐB Đồng Tháp nhận xét quy định như vậy còn chung chung, đề nghị quy định cụ thể các phương tiện chữa cháy cần trang bị trên xe là phương tiện gì.

Bình luận (6)

avatar-user
Trịnh Cường

Nghĩ : đúng là quy định cần cụ thể ,sát với từng loại hình sao cho hiệu quả, phù hợp nhất, không quá nhiều thủ tục,kinh phí , có quá khó khăn không ? ....còn việc làm để cho có , hay chống chế sẽ nhiều hậu quả xấu và sẽ không lường nếu chẳng may có sự cố đáng tiếc

Trả lời 0 6 tháng trước
avatar-user
TranThinh

Tôi thấy quan trọng nhất, đặc biệt nhất là Hệ thống báo cháy tự động, Hệ thống chữa cháy tự động, Hệ thống chữa cháy cuộn vòi, lăng phun. Nhà xưởng hóa chất, xăng dầu thì Hệ thống chữa cháy đặc biệt, phù hợp.

Trả lời 0 6 tháng trước
avatar-user
khanh nguyen

Đề nghị phải quy định rõ ràng, yêu cầu chi tiết chứ như hiện nay: cơ sở kinh doanh hàng hoá bình thường có vài mét vuông mà cũng đòi phương án PCCC.

Trả lời 0 6 tháng trước
Xem thêm bình luận (3)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.