Doanh nghiệp du lịch chờ mòn mỏi chưa thể đón khách

07/12/2021 10:57 GMT+7

Là 1 trong những doanh nghiệp du lịch hàng đầu, đại diện Tập đoàn Sun Group đã có nhiều chia sẻ thẳng thắn tại Tọa đàm "Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế" đang diễn ra tại Báo Thanh Niên.

Bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho biết: Không nằm ngoài vòng xoáy của "cơn bão" Covid-19, Sun Group, với lĩnh vực đầu tư chính là du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cũng chứng kiến những sụt giảm chưa từng có về doanh thu. Chỉ riêng Bà Nà Hill - “cánh chim đầu đàn” của Sun Group, doanh thu hai năm qua so với 2019 giảm tới 96%. Các hoạt động kinh doanh tại hệ thống khách sạn, resort, khu vui chơi, sân bay, cảng biển… gần như đóng băng. Hàng loạt công trình, dự án chậm tiến độ.

Trên toàn Tập đoàn, chưa kể các chi phí duy tu bảo dưỡng các trò chơi, cáp treo… tại các khu vui chơi hay các loại thuế phí thuê đất, trả tiền lãi vay ngân hàng, trả tiền thuê đất/văn phòng, trả tiền điện, nước, chi phí đảm bảo phòng dịch tại sân bay cảng biển… chỉ việc đảm bảo đời sống cho 11.000 cán bộ nhân viên cũng đã là một thách thức quá lớn.

Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vắc xin là vô cùng đáng mừng khi doanh nghiệp du lịch đang trong tình trạng “kiệt sức”. Tuy nhiên, ngay trong việc này vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất cập, cản trở, khiến công cuộc đón khách chưa thể nào hiệu quả được.

Bà Trần Nguyện, Trưởng ban Kinh doanh Khối Sun World (Tập đoàn Sun Group)

đào ngọc thạch

Loạt bất cập cản bước doanh nghiệp

Theo bà Nguyện, việc cấp phép bay cho các thị trường quốc tế vẫn đang giới hạn. Đến Phú Quốc tháng 11 vừa qua mới có một đoàn khách từ Hàn Quốc du lịch golf. Một số đoàn khách Nhật Bản, Hàn Quốc tới đây trong tháng 12 cũng là du lịch golf.

Trong khi đó, Sun Group hướng đến đối tượng khách Nga bởi nhu cầu của thị trường này khá phù hợp với các trải nghiệm, dịch vụ mà tập đoàn đang có tại Nam đảo như nghỉ dưỡng biển, đi cáp treo, vui chơi công viên nước và các hoạt động dưới biển. Đối tác Pegas Vietnam dự kiến tháng 12 - 3.2022 sẽ đưa các đoàn khách Nga đầu tiên đến các cơ sở của Sun Group. Tuy nhiên, hiện thị trường Nga vẫn chưa được cấp phép bay đến Phú Quốc. Do đó, dù các cơ sở của Sun Group đã sẵn sàng thì cũng không thể đón khách.

Nhưng việc quảng bá truyền thông tới các thị trường quốc tế vẫn chưa được thực hiện một cách quy mô, đến từng đối tượng khách hàng cụ thể. Hiện Sun Group đang làm việc với các hãng du lịch lớn tại thị trường tiềm năng phù hợp như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Nga… để có thể bắt đầu đón khách từ tháng 1.2022. Tuy nhiên, việc này cũng không thể nhanh được. Đối tác cũng cần thời gian chào bán đến các du khách có nhu cầu đi vui chơi, du lịch thực sự và đa dạng hơn thay vì chỉ đi du lịch golf.

Các kế hoạch truyền thông quảng bá về du lịch Việt Nam tới các thị trường quốc tế trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Nga, Úc... đến nay vẫn chưa thực sự được triển khai sâu rộng, để du khách quốc tế biết được các chính sách sandbox của Việt Nam có gì khác với Thái Lan, Singapore, hay các điểm đến Việt Nam hiện có những dịch vụ trải nghiệm gì mới so với trước...

"Các địa phương và cả ngành du lịch Việt Nam hiện tại không được quan tâm và đầu tư ngân sách phù hợp để truyền thông quảng bá đến thị trường quốc tế. Đây là vấn đề thực sự đáng lo, bởi nếu không kịp thời nắm bắt cơ hội, Việt Nam sẽ lại mất thị trường vào các điểm đến vốn có tính cạnh tranh cao khác như Thái Lan, Singapore, thậm chí là Lào, Campuchia…".

Bên cạnh đó, các phần mềm khai báo y tế hiện vẫn chưa có sự thống nhất chung, phần mềm nhập cảnh chưa ưu việt hóa. Mặc dù Chính phủ đã xác nhận thống nhất dùng PC-Covid, nhưng thực tế, Phú Quốc hiện dùng Vietnam Safe travel. Đà Nẵng lại dùng Zalo 1022, Quảng Nam thì dùng VNEID... Du khách phải tìm hiểu và tải rất nhiều phần mềm nếu muốn đi du lịch.

Khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam phải trải qua rất nhiều thủ tục và nhiều phần mềm khai báo mới được nhập cảnh. Trong khi đó, phần mềm quản lý xuất nhập cảnh mà Bộ Công an đang yêu cầu sử dụng là IGOVN thì không quét được điểm check-in, máy roaming không khai báo nhập cảnh được, cũng không có tiếng Hàn.

Chưa kể, chính sách giá, kích cầu khi mở cửa trở lại chưa thống nhất, chưa có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, nên vẫn mạnh ai nấy làm. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp xác định mở cửa là lỗ thì việc giảm giá không phải là bài toán để có thể đưa du lịch nhanh chóng phục hồi. Nhiều đơn vị đang đưa mức giá quá thấp, sau đó cắt giảm tối đa các quyền lợi của khách, dẫn đến những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ, đến uy tín của ngành, của điểm đến nói chung.

"Đặc biệt, đợt dịch thứ tư, cũng như tình hình các biến chủng mới như Omicron đang ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của du khách sau. Khách nội địa chưa muốn đi ngay, và nếu đi thì cũng ít chọn các phương tiện công cộng như máy bay, xe khách. Do đó, doanh nghiệp dù rất sẵn sàng nhưng cũng chưa thể mở cửa đồng loạt được, bởi lượng khách không thể đảm bảo chi phí vận hành" - bà Nguyện chia sẻ.

Toàn cảnh hội thảo đang diễn ra tại Báo Thanh Niên

đào ngọc thạch

Chậm trễ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi

Từ những bất cập trên, đại diện Sun Group đề xuất Chính phủ cần nhanh chóng đồng nhất một phần mềm kiểm soát và theo dõi an toàn trên cả nước để giải quyết những bất cập trong khai báo y tế qua các điểm đến. Các thủ tục nhập cảnh cho du khách quốc tế cũng nên thống nhất và đơn giản hóa, để du khách có thể dễ dàng tới và dịch chuyển tới các điểm đến khác khi đã đến Việt Nam

Thứ hai, Chính phủ và các bộ, ban, ngành dành sự quan tâm và ngân sách ưu đãi cho việc thúc đẩy quảng bá du lịch, kịp thời đón đầu dòng khách khi thị trường quốc tế đang rục rịch trở lại. Đây là lúc cần tận dụng cơ hội để làm bật lên vị thế, sức hút của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế so với nhiều điểm đến vốn đã nổi tiếng thế giới từ lâu. Không dành sự quan tâm cho vấn đề quảng bá, chúng ta sẽ lại tiếp tục chậm chân so với nhiều quốc gia láng giềng.

Hơn nữa, cần phải tận dụng cơ hội này để các quảng bá những điều mới mẻ của các điểm đến Việt Nam, để du khách quốc tế thay đổi hẳn cái nhìn về du lịch Việt Nam - không còn là giá rẻ, không còn chỉ là tắm biển, ăn hải sản dạo chơi chợ địa phương… mà có nhiều dịch vụ, trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt, mang dấu ấn rất riêng. Chẳng hạn như Quảng Ninh với các dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe mới như Onsen, Phú Quốc với các dịch vụ, gói trải nghiệm wellness khác biệt...

"Đại dịch Covid-19 đã buộc ngành du lịch thế giới phải tạo ra những “luật chơi mới”, những xu thế mới và những khái niệm mới, trong đó có: Du lịch không chạm-một chạm; Du lịch wellness và Du lịch một điểm đến - đa trải nghiệm... Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ ngành du lịch Chuyển đổi số mạnh mẽ. Nếu không bắt kịp xu thế, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi" - bà Trần Nguyện nhấn mạnh.

Ngoài ra, phía Sun Group kiến nghị Chính phủ miễn thị thực và kéo dài thị thực cho một số thị trường chiến lược của Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu, Nga, Úc, và đặc biệt là Mỹ, khi chúng ta đã có các chuyến bay thẳng tới Mỹ. Vấn đề này đã được đề xuất rất nhiều lần, tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay rất cần những chính sách thị thực ưu việt hơn nữa, để du lịch Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh với các điểm đến khác.

Sun Group đề xuất cân nhắc thành lập một Ủy ban để tháo gỡ những trở ngại liên quan đến đại dịch Covid-19 cho ngành du lịch. Cách này Thái Lan đã làm.

Ủy ban này cũng cần có những can thiệp, điều tiết các chính sách kích cầu hợp lý, hợp thời điểm để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh tình trạng đua nhau giảm giá, "vợt" khách, cắt giảm dịch vụ... Vô hình chung, việc cạnh tranh bằng giá rẻ này sẽ làm mất uy tín của ngành, giảm chất lượng các chuyến đi, khiến du khách, đặc biệt là khách quốc tế tiếp tục giữ ấn tượng xấu về Việt Nam là điểm đến giá rẻ, lâu dài ảnh hưởng đến định hướng phát triển du lịch bền vững của Chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.