Doanh nghiệp được tiếp sức

Thanh Xuân
Thanh Xuân
29/09/2020 06:34 GMT+7

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 114/2020 quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng.

Quyết liệt hỗ trợ

Theo đó, doanh nghiệp (DN) có doanh thu không quá 200 tỉ đồng, bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà DN được hưởng theo quy định của luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trường hợp DN dự kiến tổng doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 không quá 200 tỉ đồng thì xác định tạm nộp hằng quý bằng 70% số thuế TNDN phải nộp của quý. Nghị định 114 có hiệu lực thi hành từ ngày 3.8.2020 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020. Theo tính toán của ban soạn thảo trước đó, việc giảm thuế nêu trên, số thu ngân sách năm nay sẽ giảm khoảng 23.000 tỉ đồng.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét: “Nghị định 114 được ban hành cho thấy sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN vượt qua đại dịch Covid-19. Nghị định 114 đã tiếp thu nhiều đóng góp quan trọng hỗ trợ các DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ vượt qua dịch. DN vừa và nhỏ hiện nay có số lượng chiếm trên 90% tổng số DN nên xét về số lượng, đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên chính sách giảm thuế sẽ hỗ trợ được rộng hơn”.
Theo Bộ Tài chính cho biết tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 DN đang hoạt động, trong đó có trên 97% DN nhỏ và vừa.
Ngoài ra theo phân tích của ông Trần Xoa, dù khống chế mức doanh thu dưới 200 tỉ đồng, nhưng Nghị định 114 cho tính doanh thu từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật…
Đồng thời, những DN đang được hưởng ưu đãi thuế cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính sách này. Đơn cử, DN đóng thuế TNDN năm 2020 là 1 tỉ đồng hiện đang được ưu đãi 50%, nay được thêm ưu đãi giảm 30% trên 500 triệu đồng tiền thuế còn lại, nên số thuế phải đóng còn 350 triệu đồng. Điều này sẽ giúp DN có thêm nguồn vốn tái sản xuất kinh doanh.

Nên mở rộng cho toàn bộ doanh Nghiệp

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN với sự tham gia của 126.565 DN, chiếm gần 20% tổng số DN đang hoạt động cho thấy, có tới 85,7% DN được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Các DN có quy mô càng lớn, tỷ lệ DN chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao. Điều này có thể lý giải, các DN có quy mô lớn thường là những DN hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nên chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Nhóm DN lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số DN) là nhóm có tỷ lệ DN chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; tỷ lệ này của nhóm DN vừa là 91,1%, nhóm DN nhỏ là 89,7% và nhóm DN siêu nhỏ là 82,1%.
Một số ngành kinh tế có tỷ lệ DN chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như ngành hàng không 100%; ngành dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%; giáo dục và đào tạo 93,9%; tiếp đến là các ngành dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng những vấn đề mà DN VN đang phải đối mặt như thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, thị trường cung - cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ... Hiện nay, Tổng cục Thống kê đang thực hiện cuộc điều tra thứ 2 về những tác động của dịch Covid-19.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nhận định hỗ trợ nào cũng quý trong thời buổi dịch Covid-19, nhất là việc giảm thuế TNDN giúp cho DN có thêm nguồn vốn tái đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên việc giảm thuế TNDN sẽ phát huy hiệu quả hơn nếu mở rộng cho toàn bộ các DN được hưởng, chứ không riêng gì DN vừa và nhỏ. Trong đợt tôn vinh doanh nhân năm nay của hiệp hội có khoảng 100 DN, doanh nhân được tôn vinh khi “làm ăn có lãi” nhưng hầu hết là các DN lớn. Trải qua 2 đợt dịch Covid-19 vừa qua, các DN vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn, có những DN hoạt động 5 - 10 năm cũng rơi vào tình cảnh phá sản như thời trang, bán lẻ, du lịch, khách sạn… DN làm ăn không lãi thì việc giảm 30% thuế TNDN cũng không phát huy hiệu quả hỗ trợ. Trường hợp DN có lãi thì cũng sang năm 2021 mới được hưởng, trong khi đó DN đang cần hỗ trợ vốn “tiếp sức” ngay.
Ngoài ra, ông Hưng kiến nghị thêm cần hỗ trợ chính sách khác đối với DN như tạm hoãn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bởi những khoản này chiếm khoảng 30% quỹ tiền lương.
Chính phủ thì quyết liệt đưa ra các chính sách hỗ trợ DN vượt qua những khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra nhưng việc thực hiện trong thực tiễn vẫn còn chậm. Các cơ quan ban ngành cần sớm triển khai, tránh gây tắc cho DN.
Ông Trần Xoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.