Doanh nghiệp kể chuyện 'ứng biến' Covid-19

Chí Hiếu
Chí Hiếu
13/03/2020 07:10 GMT+7

Masan cho hay nhiều nhà máy đã chạy hết công suất, xuất khẩu tăng và thậm chí đã mua lại các công ty nước ngoài có cùng lĩnh vực; trong khi Thaco thì coi việc đầu tư vào nông nghiệp là cơ hội...

Đó là những thông tin tích cực khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất hài lòng khi chủ trì buổi làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn vào hôm qua (12.3) để chia sẻ khó khăn, đồng thời lắng nghe những sáng kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch Covid-19.

Phải có tâm thế của lò xo bị nén

Chia sẻ với các giải pháp phòng chống dịch mà Chính phủ đã và đang triển khai, lãnh đạo các tập đoàn lớn đều thể hiện đồng tình, nhất là nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép vừa chống dịch tốt - vừa phát triển sản xuất kinh doanh”.
Tôi vừa nói với Thống đốc Lê Minh Hưng là giảm lãi suất và chúng ta sẽ tiếp tục kích cầu nền kinh tế, với những gói phù hợp nhưng luôn luôn nhớ rằng phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là ưu tiên hàng đầu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, cho biết để hạn chế tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm, sốt giá thì các nhà máy chế biến thực phẩm của DN đang chạy hết công suất, đặc biệt là thịt heo. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng là thời cơ rất tốt để thúc đẩy thương mại điện tử. “Tập đoàn đang có kế hoạch để làm sao ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi tại nhà vẫn được phục vụ chứ không cần trực tiếp đến siêu thị”, ông Quang nói. Đặc biệt, vị này cho hay, với xuất khẩu thì đây cũng là cơ hội để chiếm lĩnh thị trường khi chuỗi cung ứng nhiều ngành đặt ở Trung Quốc bắt đầu gặp vấn đề.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco, cho hay dù giữa bối cảnh dịch bệnh khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho DN đầu tư phát triển, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, Thaco đã chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực này cũng là để tận dụng các thế mạnh của mình như cơ khí, logistics.
Trong khi đó, dù cho biết bị ảnh hưởng nặng nề song các DN ngành du lịch, dịch vụ vẫn cho thấy tinh thần chủ động, lạc quan. Đại diện Vietravel nhận định các biện pháp của Chính phủ về giảm bớt luồng khách từ nước ngoài là cần thiết, bởi chống được dịch, ổn định tâm lý, có môi trường an toàn thì người dân mới an tâm đi du lịch. Đó cũng là lý do hãng lữ hành này mở chiến dịch “Việt Nam an toàn” để kích cầu. Vị này cũng kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp truyền thông nhằm “giải tỏa tâm lý” quá lo sợ đang đè nặng trong dân.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, cho biết DN đã chuẩn bị sẵn tâm thế để ngay sau khi dịch kết thúc thì phát triển mạnh hơn, bù đắp lại thiệt hại kinh tế do dịch gây ra, như tinh thần của lò xo bị nén lại, chờ ngày bật lên. Tuy nhiên bà Dung cũng chia sẻ, mặc dù du lịch đã được coi là ngành kinh tế trọng điểm song luật Đầu tư lại chưa có điều nào xếp các dự án du lịch được ưu đãi đầu tư, nhất là các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, có vốn trên 10.000 tỉ đồng nên rất cần được Chính phủ lưu tâm, có chính sách.
Đại diện Tập đoàn Vingroup thì nhấn mạnh đến việc Chính phủ cần rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn nữa để khi dịch chấm dứt thì các DN sẽ “rộng tay rộng chân hơn” để phát triển.
Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet, đề xuất cần có các giải pháp giảm thuế, phí; trong đó đối với hàng không, miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay, miễn giảm từ 50% tới 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, các chi phí tại các cảng hàng không; giãn thời gian nộp các loại thuế, phí ít nhất 6 tháng.

“Khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba”

Chia sẻ với khó khăn của các DN, Thủ tướng cho rằng “dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba” và nhấn mạnh đây là dịp mà các DN cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó cần tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro cũng như có các kịch bản để đảm bảo hoạt động liên tục, không bị gián đoạn.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ có chương trình tổng thể hỗ trợ DN một cách toàn diện, giảm chi phí thực chất từ miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp... đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều. Đồng thời Chính phủ sẽ chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, cả chương trình kích cầu. “Tôi vừa nói với Thống đốc Lê Minh Hưng là giảm lãi suất và chúng ta sẽ tiếp tục kích cầu nền kinh tế, với những gói phù hợp nhưng luôn luôn nhớ rằng phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là ưu tiên hàng đầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cam kết cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế và có những kịch bản ứng phó với tình hình mới một cách phù hợp, không để đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, DN đình đốn. Thủ tướng cũng yêu cầu tất cả các địa phương phải thường xuyên lắng nghe, có những biện pháp kịp thời tháo gỡ trực tiếp chứ không phải chỉ có ở cấp T.Ư.
Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet, cần có các giải pháp về nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tăng cung tiền, giãn thời gian trả nợ cho DN... Đề xuất phối hợp cùng các quốc gia trong khu vực ASEAN với vai trò Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 để có được những quyết sách chung về tiền tệ, tài chính, thương mại, du lịch.
Đặc biệt, cần triển khai đồng bộ các gói giải pháp kích cầu tiêu dùng, du lịch. Biến thách thức thành cơ hội để xây dựng Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực, một đất nước du lịch xinh đẹp, an toàn và hiếu khách. Trong giai đoạn này, cần thúc đẩy thu hút đầu tư, trong đó bao gồm hạ tầng hàng không như nhà ga, sân đỗ, các công trình hàng không..., thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp như hỗ trợ thủ tục, chính sách ưu đãi thuế tùy theo ngành nghề đầu tư.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế dịch bệnh lây lan. Doanh số thanh toán hằng năm của Vietjet là trên dưới 2 tỉ USD. Mặc dù giao dịch trên internet nhưng tỷ lệ thu hộ bằng tiền mặt lại rất cao. Vietjet có nhu cầu phát hành ví điện tử và đề nghị Ngân hàng Nhà nước ủng hộ, tạo điều kiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.