Doanh nghiệp Việt mới chỉ thu được 'tiền lẻ'

Anh Vũ
Anh Vũ
20/09/2019 06:39 GMT+7

Trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng năng lực của các doanh nghiệp Việt vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ thu được tiền lẻ và cần có những thay đổi mang tính đột phá về năng suất, chất lượng.

Ngày 19.9, Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” do Bộ KH-ĐT tổ chức tại Hà Nội đã quy tụ các lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ kinh nghiệm.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, VN luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011 - 2018 đạt trên 6,2%. Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỉ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD. Bên cạnh đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của VN năm 2019 đã tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 42/129 quốc gia.
Tuy nhiên, VN phải đối mặt với nhiều khó khăn khi là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động chưa cao; nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn khiếm khuyết…
Chia sẻ quan điểm này, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại VN, nhận định mặc dù có những thành tựu ấn tượng, song VN vẫn chưa thành công trong tạo ra thể chế thị trường có hiệu lực, hiệu quả. Điều này cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước.
Ông David Dollar, nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Mỹ) - nguyên Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, đề xuất: VN cần tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nướcdoanh nghiệp tư nhân, mở cửa ngành tài chính như đã làm đối với ngành sản xuất chế tạo. “Môi trường kinh doanh VN có cải thiện những năm qua, nhưng vẫn còn những yếu kém”, chuyên gia này nói.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nhiều nhận định xác đáng của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của VN còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế. Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao.
Thủ tướng cho rằng thời gian qua, tăng trưởng thương mại, GDP của VN khá tích cực do đã tham gia các hiệp định FTA quy mô lớn, theo đó đã hướng được “dòng chảy” đi qua VN của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, điển hình như hợp tác sản xuất và xuất khẩu hàng hóa “có địa chỉ” nằm trong các kênh phân phối của Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel…
Tuy vậy, chỉ mới có 21% doanh nghiệp VN tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của VN mới đạt 33%, nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp, doanh nghiệp VN chỉ mới thu được “tiền lẻ” khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp VN đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.