Đời cây chuyện làng: 2 cây đa 'hiệp ước hòa bình'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
05/08/2022 06:31 GMT+7

Ở huyện miền núi Tây Giang ( Quảng Nam ) có chuyện 2 làng trồng 2 cây đa sộp minh chứng cho việc khép lại những lần đi “trả đầu người” đầy man rợ trong lịch sử. Sức sống bền bỉ của 2 cây đa suốt 700 năm qua như là biểu tượng đoàn kết của người dân Cơ Tu.

Bước qua nạn “trả đầu người”

Hằng năm, cứ đến ngày 18 tháng giêng, người thôn A Rầng 1 (xã A Xan, H.Tây Giang) không ai bảo ai cứ thế vào rừng tìm những sản vật quý về để làm lễ lớn dâng Yàng (trời) ở 2 gốc đa trong thôn, vốn được công nhận là Cây di sản từ năm 2015.

Thế hệ trẻ sau này tuy không phải ai cũng hiểu rõ ngọn ngành của việc tổ chức lễ cúng, nhưng vẫn biết đó là nghi thức quan trọng để cầu bình an, và nhất là để tưởng nhớ về một thời khắc trọng đại khi 2 làng bước qua thù hận, đoàn kết để cùng nhau xây dựng đời sống mới tốt đẹp hơn. Hai cây đa lớn lên, kết thúc một thời kỳ lịch sử rùng rợn bởi nạn “trả đầu người” giữa 2 ngôi làng nơi heo hút Trường Sơn.

Tôi được nghe nhiều người Cơ Tu ở H.Tây Giang kể rằng, cách đây hàng trăm năm, giữa làng A Rầng (nay là A Rầng 1) với một làng khác xảy ra mâu thuẫn dai dẳng, trải qua nhiều đời. Đỉnh điểm là giữa 2 làng đã nảy sinh những cuộc “lấy đầu người” để trả thù lẫn nhau. Theo già Bríu Pố (trú thôn Pơr’ning, xã Lăng), mâu thuẫn giữa các làng thường nổ ra do những tranh chấp về đất đai, ranh giới hay thậm chí đơn giản chỉ vì một người đàn bà… Lý do của nạn “trả đầu người” trong lịch sử thường do người làng này bị người làng kia giết hại. Bức xúc, người làng kia dẫn trai tráng sang trả thù và lấy đầu người của làng này về tế vong linh. “Cứ thế, vòng luẩn quẩn “trả đầu người” rất khó để chấm dứt. Chỉ khi già làng hai bên ngồi lại với nhau và đặt ra những điều ước thì những cuộc “tìm trả đầu” mới dừng lại”, già Pố nói.

Hình ảnh cây đa di sản - biểu tượng cho tình đoàn kết của người Cơ Tu tại H.Tây Giang

PƠLOONG PLÊNH

Vì thù hằn, nợ máu phải trả bằng máu nên một khi 2 làng Cơ Tu vướng “nợ đầu” của nhau thì trai gái 2 làng có thương nhau đến mấy cũng chịu. Oán chồng chất, biết khi nào máu của những người dân vô tội thôi chảy vì cuộc chiến vô nghĩa. Tương truyền, nhận thức được điều này, những người có uy tín của 2 làng đã truyền thông điệp hòa giải. Thế là một “hội nghị” đã được 2 làng tổ chức để bàn việc chấm dứt “chiến tranh”. Nhưng nếu chỉ như thế thì sẽ không “có mặt” 2 cây đa sộp tồn tại đến ngày này.

Theo phong tục của người Cơ Tu, sau “hội nghị”, một “biên bản ghi nhớ” được lập bằng việc trồng 2 cây đa ở ranh giới 2 làng. Khi trồng cây đa, có nghĩa là ngoài việc gác lại những thù hận, 2 làng sẽ là anh em kết nghĩa.

Bài học về hòa bình

Đến hôm nay, 2 cây đa sộp thuộc thôn A Rầng 1 đã cao hơn 35 m, đường kính mỗi cây 2,4 m và 3,5 m. Năm 2013, các chuyên gia về thiên nhiên đã đến khảo sát và xác định cả 2 cây được trồng cùng thời điểm, có tuổi đời trên 700 năm. Ngày trước, 2 cây đa được trồng cách nhau khoảng 5 m. Một thời gian dài sinh trưởng, 2 cây đã phát triển chen, cuộn vào nhau khiến nhiều người tin rằng “hiệp ước hòa bình” năm xưa vẫn nguyên giá trị.

Đến Tây Giang, nhiều người vẫn thường kể cho khách nghe về câu chuyện 2 cây đa sộp như một điểm đến du lịch. Còn con cháu lớn lên sau này, những câu chuyện đó được kể nhằm góp phần giáo dục sự tha thứ, đoàn kết sẽ tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ và phát triển.

Nhà nguyên cứu văn hóa Cơ Tu Bh’ríu Liếc (nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang) cho biết: Ngày xưa để giải quyết mâu thuẫn giữa phạm vi làng với làng, các già làng của các làng lân cận cũng được mời đến dự, góp ý và chứng kiến tiến trình giải quyết thì mới đi đến thống nhất và đoàn kết. Cuộc gặp để bàn (gọi là pr’ngoóch) thường diễn ra 3 ngày 2 đêm. Đến sáng ngày thứ 3, chủ làng sẽ đưa ra điều ước chung. Theo ông Liếc, khi kết thúc công việc, 2 làng chứng kiến các bô lão trồng cây đa làm kỷ niệm và cũng để cây làm vật chứng sau này thực hiện giao ước.

Trong cuốn P’rá Cơ Tu (Tiếng Cơ Tu), ông Liếc viết: “Pr’ngoóch kết thúc phải là những giao kèo chuẩn mực, ra được điều khoản chung, thể hiện rõ nội dung đoàn kết 2 làng. Nếu có gì khúc mắc phải thông báo cho nhau biết cùng phối hợp giải quyết, không được tự tiện hành xử dẫn đến cái bé xé ra to”. Pr’ngoóch là gặp mặt để giải quyết mâu thuẫn. Sau đó là nghi lễ gương yên để “ký kết điều ước hòa bình” dù không thành văn. Hai cây đa sộp 700 năm tuổi chính là gương yên, được thực hiện thành công giữa 2 làng.

Theo nhà báo Alăng Ngước, Chi hội trưởng Chi hội Văn học nghệ thuật Các dân tộc thiểu số và miền núi (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam), 2 cây đa là dấu tích về tình đoàn kết giữa cộng đồng làng, chấm dứt hủ tục têng brâu (trả thù, chém giết lẫn nhau) trong cộng người Cơ Tu trong lịch sử. Hai gốc đa này được xem như cánh cổng, hàng rào giữa 2 làng, mang biểu tượng hòa bình và đoàn kết giữa các làng người Cơ Tu.

“Hai cây đa cổ thụ trở thành điểm đến, như “địa chỉ đỏ” cho các thế hệ người dân địa phương về tình đoàn kết. Tuy nhiên, việc khai thác giá trị lịch sử chưa được chú trọng khiến di sản này chưa phát huy hiệu quả. Địa phương cần chuẩn bị đủ đầy hình ảnh, thuyết minh, câu chuyện lịch sử, nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân và du khách về 2 cây đa. Nếu làm tốt, tôi hy vọng di sản cây đa này sẽ trở thành điểm đến thu hút khách du lịch”, anh Ngước nói thêm.

Đời cây chuyện làng

Chuyện lạ ở ngã ba Cây Cốc

Ly kỳ chuyện cây rõi biết 'né' bom đạn

Linh thiêng gốc sưa 300 năm tuổi

Kỳ thú 'cây kiểng' khổng lồ bên quốc lộ 1

'Địa đạo' trong lòng cây thị 500 tuổi

Dưới gốc đa ngàn năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.