Đối phó với stress văn phòng

18/08/2017 14:38 GMT+7

Bạn thấy quá căng thẳng vì bị sếp 'chơi khó', đồng nghiệp thì khó chơi? Chuyện đó không xảy ra chỉ với riêng bạn mà với cư dân khắp hành tinh này.

Theo một thống kê của Hiệp hội Tâm lý Mỹ được báo Forbes đăng tải, mức độ stress của người Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng một thập niên qua. Điều khiến cư dân thời kỹ thuật số stress không chỉ vì những lý do chính đáng như công việc dồn ép, vợ chồng căng thẳng, con cái bướng bỉnh mà còn vì vô vàn lý do thoạt nghe rất "nhảm" khác như đọc báo thấy quá nhiều tin tức tiêu cực hay các tin nhắn liên tục hiển thị trên màn hình máy tính... Những điều đó đang tác động xấu lên sức khỏe tâm thần của chúng ta hằng ngày.

tin liên quan

Những bệnh văn phòng thường 'rình rập' nữ giới
Nhiều người cho rằng công việc văn phòng khá nhàn hạ, nhưng thực tế không phải công việc văn phòng nào cũng thế. Dưới đây là những căn bệnh văn phòng phổ biến mà phụ nữ thường gặp, theo Healthyworkinglives.
Kiểm soát stress vì thế trở thành một kỹ năng rất cần thiết của con người thời hiện đại. Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia tâm lý Đại học Stanford (Mỹ), bà Kelly McGonigal và nhà nghiên cứu về tâm lý tích cực Michelle Gielan:
Thay đổi cách nghĩ về stress. Hầu hết mọi người đều cho rằng biểu hiện của cơ thể khi stress là tiêu cực, chẳng hạn khi tim đập nhanh hoặc ra mồ hôi tay. Nhưng các nhà khoa học đã chứng minh rằng đó là phản ứng cần thiết, chẳng hạn tim đập nhanh để cung cấp nhiều ô xy hơn, chuẩn bị cho phản ứng của cơ thể trước tình huống gây stress. Bà Gielan từng phối hợp với các nhà nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ), áp dụng lối tư duy tích cực trước stress và kết quả là hậu quả của stress - bao gồm đau đầu, đau lưng và mệt mỏi - giảm thiểu tới 23%. Vì thế nếu bạn thấy tim đập thình thịch khi bước vào phòng phỏng vấn xin việc, hãy nhắc cơ thể rằng đây là phản ứng có lợi, là tín hiệu tốt, nhờ thế mà có thể chuyển đổi trạng thái từ tê liệt sang hành động.
Giúp đỡ người khác. Nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng cách tốt nhất để giảm stress là mở lòng với người xung quanh. Khi chúng ta căng thẳng, cơ thể chúng ta tiết ra hormone oxytocin kích thích mong muốn kết nối, chia sẻ. Ngoài ra, oxytocin còn như một liều kháng viêm tự nhiên giúp tim hồi phục nhanh hơn từ stress. Hãy tận dụng và tìm kiếm mọi cơ hội mở lòng, giúp đỡ và bày tỏ sự biết ơn với đồng nghiệp. Nó không chỉ làm cho cơ thể bạn thỏa mãn mà còn giúp bạn thăng chức. Bạn thấy khó tin? Một cuộc nghiên cứu do bà Gielan tiến hành cho thấy những ai đứng đầu bảng trong đánh giá của đồng nghiệp là "sẵn sàng giúp đỡ" thì có khả năng được thăng chức cao hơn 40 % so với nhóm bị đánh giá thấp nhất.

Thêm một lời khuyên của chuyên gia: hãy dành 2 phút đầu của mỗi ngày làm việc để gửi một email ngắn đến một đồng nghiệp mà bạn biết ơn, bạn đánh giá cao và khen ngợi anh ấy/cô ấy. Không những bạn sẽ có thêm bạn bè trong công sở mà điều đó còn giúp bản thân bạn bắt đầu một ngày làm việc mới thật vui vẻ, nhắc cho chính bản thân mình nhớ rằng xung quanh có nhiều đồng nghiệp dễ thương, sẵn sàng hỗ trợ mình.
Bắt đầu cuộc nói chuyện bằng một điều tích cực. Khi được khen, người ta "bị dắt" đến chỗ dễ hợp tác hơn. Vì thế, ngay cả khi định phê bình nhân viên vì một công việc cẩu thả, hãy bắt đầu bằng cách nói tới một công việc có kết quả tốt anh ta đã làm trong quá khứ hay bất cứ một điều tích cực nào khác. Giảm căng thẳng ở người đối diện sẽ giúp giảm căng thẳng cho chính bản thân bạn.
Tìm việc nhỏ dễ làm. Bạn ngập đầu ngập cổ trong một núi công việc và cảm thấy bế tắc không biết phải xoay sở ra sao? Đó chẳng phải là chuyện gì lạ ở chốn công sở. Hãy tìm một việc nhỏ dễ làm trong mớ bòng bong đó và kết thúc nó thật nhanh gọn. Chuyên gia Gielan giải thích khi ngập trong công việc, não bộ của bạn sẽ ở tư thế bế tắc trong những khó khăn hơn là tập trung tìm giải pháp. Bà cho biết thêm, ngay khi bạn giải quyết được một việc, cảm giác hoàn thành sẽ giúp cho não bộ thoát khỏi bế tắc mà chuyển sang hành động. Stress cũng theo đó mà dịu nhẹ. Và cuối cùng công việc sẽ trôi chảy theo.

Hội chứng sáng thứ hai mệt mỏi
Sáng thứ hai mệt mỏi - đó chẳng phải là cảm giác của riêng bạn mà là một hội chứng phổ biến ở khắp nơi. Chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi thoải mái, vui chơi sảng khoái của ngày cuối tuần sang trạng thái phải đi làm chẳng dễ dàng gì. Nếu có thêm một hai ngày nghỉ lễ tiếp nối với cuối tuần thì càng khó khăn. Một cuộc nghiên cứu trước đây đã phát hiện tỷ lệ xảy ra nhồi máu cơ tim ở thứ hai cao hơn 20% so với các ngày khác trong tuần. Sáng thứ hai cũng là thời điểm huyết áp cao đặc biệt hơn ở những người phải đi làm.
Hãy bắt đầu ngày đi làm thứ hai sớm hơn thường lệ. Một ly cà phê nơi công sở, vài phút thư giãn đọc báo sẽ cho bạn cảm giác dễ dàng hơn để chuyển sang trạng thái làm việc. Bắt đầu tuần "đi cày" bằng một công việc dễ dàng hoặc điều bạn yêu thích cũng cho bạn tâm trạng thoải mái. Cuối cùng, hãy nghĩ đến một điều mang lại sự vui vẻ cho bạn ở những thời khắc đầu tiên của tuần làm việc, chẳng hạn lên kế hoạch ăn trưa với đồng nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.