Ám ảnh con trai vướng vòng lao lý
Tôi đến thăm bà Mẫn vào một ngày cuối năm. Sài Gòn những ngày này tất bật “chạy” Tết, sao chỉ có xe nước giải khát nhỏ của bà là chầm chậm, lác đác khách mua. Trong khi dăm ba ly nước bán mỗi ngày ấy là nguồn sống của bà, của hai cháu ngoại, của cậu con trai đáng ra lớn khôn bà sẽ được nương nhờ.
Trông bà vẫn tiều tụy, xanh xao, kể từ mấy bận khóc ngất trong phiên tòa kéo dài 2 ngày cách đây vài tháng. Hay nói đúng hơn, là kể từ khi Lành bị bắt giam để điều tra. Năm hết Tết đến, tôi không muốn nhắc lại chuyện không vui, nhưng bà Mẫn vẫn tự nhắc, tự kể, như một nỗi đau “con hư tại mẹ” ngày từng ngày âm ỉ trong lòng.
|
|
Những ngày giữa năm 2018, người dân Sài Gòn bàng hoàng và lo lắng trước hàng loạt vụ cướp manh động tại các cửa hàng tiện lợi khắp các quận trong thành phố. Các bằng chứng thu được từ camera an ninh và nhận diện của các nạn nhân cho thấy, băng cướp này còn rất nhỏ tuổi.
Một bữa, đang ở nhà, một người thân hốt hoảng đưa cho bà Mẫn xem những đoạn clip lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Bà bàng hoàng nhận ra Lành đang đe dọa cướp bia, đồ ăn trong một cửa hàng. “Tôi gọi nó về, nhéo lỗ tai nó, mà tay run bần bật”, bà Mẫn kể và tay lại run lên bần bật.
Bà chỉ kịp hỏi: “Sao mày gan quá vậy Lành? Mày đi cướp giật người ta vậy Lành?” rồi thấy mình quỵ ngã. Lành nhìn mẹ rồi bật khóc, mặt mày tái nhợt, rồi thều thào: “Mẹ ơi, con ham vui… Mẹ ơi, con biết lỗi rồi, mẹ dắt con ra công an đi mẹ…”.
Ngày 2.8.2018, bà Mẫn đưa con trai ra công an phường đầu thú. Bấy giờ, Lành chỉ mới 16 tuổi, nhưng quá trình điều tra cho thấy, chính Lành là kẻ cầm đầu băng cướp “nhí”, cùng 7 đồng phạm bàn bạc, lên kế hoạch cướp cửa hàng tiện lợi vào ban đêm. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, tổng cộng băng cướp gây ra 11 vụ cướp bia, thực phẩm với thiệt hại mỗi vụ từ vài trăm cho đến hơn 1 triệu đồng, làm bị thương một số nhân viên cửa hàng.
|
|
|
Ngày 28.8.2019, Lành và các đồng phạm bị đưa ra xét xử. Giọng chủ tọa đanh thép, tuyên án 8 năm tù giam cho Lành. Bà Mẫn thấy đất trời sụp đổ, khuỵu xuống giữa phiên tòa.
Tết buồn thăm nuôi, bán bánh mì, vé số mưu sinh...
“Hơn 50 rồi, cái tuổi đáng ra phải vui vầy cùng con cháu. Vậy mà có 2 đứa con, đứa đi mất, đứa đi tù… Cực khổ tôi không sợ, chỉ sợ không đợi được thằng Lành về, chỉ sợ tôi già yếu rồi đi mất, bỏ 2 đứa cháu chẳng ai lo”, bà Mẫn ngồi nhìn xa xăm.
Cuộc đời bà truân chuyên. Lấy chồng cũng chẳng được nương nhờ, chỉ thấy ông say xỉn tối ngày, rượu chè be bét. 3 năm trước, bà đệ đơn ly dị, chấp nhận một mình nuôi con. Gia đình tan vỡ, chắc cũng là một trong những nguồn cơn khiến Lành lầm lỡ.
Mười mấy năm nay, bà mắc nợ. Nợ không nhiều, chỉ vài ba triệu để trang trải cho con cháu học hành lúc túng quẫn. Con gái bà qua 2 đời chồng, đẻ 2 đứa cháu, bỏ ở với bà từ khi còn đỏ hỏn. Giờ con gái theo chồng ở đâu, bà cũng không biết.
Rồi lãi mẹ đẻ lãi con, bà trả không kịp. Rồi Lành tù tội, mọi thứ càng bế tắc. Rồi xoay đầu này đắp đầu kia, bây giờ vẫn còn nợ tổng cộng mười mấy triệu. Mấy lần tôi đến thăm bà, đều thấy những thanh niên xăm trổ tạt ngang, lấy 120 nghìn rồi đi.
|
|
“Trại giam cho vào thăm nuôi 2 tuần/lần, có khi thì phải đợi 3 tuần. Mỗi lần được đem 1 kg thức ăn, tôi cố mang những món thằng Lành thích nhất. Lần nào nó cũng xin lỗi, cũng khóc, cũng nói sẽ cố cải tạo tốt để sớm về với mẹ. Tôi biết trách nó sao nữa bây giờ, chỉ biết động viên nó giữ sức khỏe…”, bà Mẫn vẫn tự nhắc về Lành khi kể với tôi về câu chuyện đời mình.
Lành chỉ học hết lớp 7 rồi nghỉ, sa chân vào game online cùng bè bạn. Lành cũng đi làm bảo vệ, nhưng chẳng được bao lâu. Mỗi ngày bà Mẫn cho con 20 nghìn. Chẳng đủ, thế là nhóm Lành rủ nhau đi cướp.
Những gánh nặng đè lên đôi vai người mẹ. Trước kia bà Mẫn còn rong ruổi bán vé số, nhưng rồi xương cốt rệu rã, bà chỉ còn bám víu vào xe nước đầu hẻm, gần đây thì bán thêm bánh mì. Căn nhà lụp xụp bố mẹ bà để lại đang có đến 4 - 5 người thân ở, lại thêm 2 đứa cháu, nên bà phải thuê phòng trọ gần đó để tối về ngủ, mỗi tháng ngốn thêm 800 nghìn đồng.
“Tết năm rồi, tôi vẫn cặm cụi làm đến tận trưa 30 Tết, rồi đi chùa cầu nguyện cho thằng Lành rồi về. Sáng mùng 1 trở đi, tôi lại lấy vé số đi bán, để có mà trả tiền vay với đi thăm nuôi con. 26 Tết năm ngoái, tôi mang vào cho nó 3 kg thịt, nó mừng lắm”, bà tâm sự.
|
Cái Tết của người ta là xúng xính áo quần đi thăm ông bà, là đi chợ hoa, đi du lịch. Còn Tết buồn của bà, là thăm nuôi con, là vé số, là bánh mì, là mưu sinh.
“Tết năm nay, tôi cũng bán đến chiều 30 thì nghỉ. Sang mùng, tôi đi phụ bán bưng các hàng quán của người ta, vì sẽ được tiền nhiều hơn. Còn ước mong năm mới, chỉ là thằng Lành sớm được khoan hồng, trở về làm lại cuộc đời”, bà bộc bạch.
*Tên nhân vật đã được thay đổi vì lý do riêng tư
Bình luận (0)