'Lỗi tại tôi hết. Con hư tại mẹ...'
Dưới cái nắng trưa đổ lửa, bà Mẫn luýnh quýnh chạy theo con trai đang bị áp giải ra xe. Nước mắt ròng rã chảy dài theo từng bước chân.
Phiên tòa tạm nghỉ, hết một buổi sáng, vẫn chưa xong phần xét hỏi. Bởi bản cáo trạng dài dằng dặc với 11 vụ cướp khá táo tợn trong các cửa hàng tiện lợi. Điều đáng nói, tất cả 8 thành viên tham gia cướp này đều ở độ tuổi vị thành niên. Đáng nói hơn nữa, con trai bà Mẫn chính là kẻ đứng đầu băng cướp nhí gây xôn xao dư luận này.
Chiếc xe nhanh chóng đóng cửa bít bùng rồi đi khuất khỏi tòa, bỏ bà đứng lại, lùi vào một tán cây vì mệt mỏi. Tay bà vẫn còn nắm chặt đòn bánh tét và chai nước suối. Bà thều thào: “Tôi mang cho nó ăn lấy sức, mà không có được đưa…”
Gia đình bà trở nên khốn đốn, không phải từ lúc Lành (con trai bà) bị bắt, mà ngay từ cái sự nghèo và cái sự thiếu một người đàn ông tử tế làm trụ cột gia đình.
“Tôi có 2 đứa con, con gái lớn và thằng Lành. Nghèo khổ đã đành, đằng này, cha tụi nó còn say xỉn triền miên, chẳng phụ tôi nuôi dạy. Rồi con gái lấy chồng, tôi có thêm 2 đứa cháu ngoaị. Có cháu ẵm bồng đáng ra là chuyện vui, nhưng chẳng thấy đâu… Chỉ thấy thêm miệng ăn vì ba mẹ chúng ly hôn, chẳng lo làm lụng, đoái hoài gì con. Mẹ chúng theo chồng khác, bỏ lại 2 đứa. Còn tôi làm sao đành lòng bỏ, nên nuôi từ lúc còn đỏ hỏn tới giờ”, bà Mẫn kể.
Một mình bà đi phụ bán cà phê, gồng gánh mấy miệng ăn. Còn gia đình bà, gồng gánh những trận đòn, đập phá đồ đạc từ người đàn ông chìm trong men rượu. Lành nhiều lần bị đánh đến nỗi đi học xong chẳng dám về nhà, cứ tụ tập bạn bè, lê la hàng quán. Cắm mặt vào game thâu đêm suốt sáng, Lành sớm bỏ học khi chỉ vừa lớp 8. Cách đây 3 năm, bà Mẫn ly dị chồng. Không có tiền trang trải, bà đi mượn nợ gần 20 triệu đồng. Đến lúc người ta đòi, bà trốn ra nhà người quen ở xa, bỏ lại những đứa trẻ cho mẹ mình chăm sóc.
|
Chuyện gì đến cũng đến, Lành vướng vòng lao lý khi tuổi đời chưa đủ trưởng thành. Ngày Lành nói với bà: “Mẹ ơi, con sai rồi, mẹ dắt con ra công an đi”, trở thành ngày đen tối nhất. Bà đổ gục, nói trong tuyệt vọng: “Mẹ cũng sai, vì đẻ mày ra mà không nuôi dạy mày đàng hoàng”…
“Lỗi tại tôi hết, tôi biết. Con hư tại mẹ! Chỉ mong pháp luật khoan hồng cho nó về làm lại cuộc đời, tương lai nó còn dài…”, bà gào khóc giữa sân tòa, mặc những ánh nhìn.
Rùng mình vấn nạn 'trẻ hóa tội phạm'
Phiên tòa vạch rõ tội danh của băng cướp nhí (7 thành viên sinh năm 2002 tức là 17 tuổi) khiến ai cũng phải bàng hoàng. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ 11.5 – 25.6.2018), Lành cùng các đồng phạm đã bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức cướp tài sản ở các cửa hàng tiện lợi vào ban đêm ít người quản lý để chiếm đoạt tài sản. 11 vụ cướp liên tiếp xảy ra tại khắp các cửa hàng tiện lợi ở Q.3, Q.5, Q.6, Q.11, Q.Tân Bình (TP.HCM).
Một vài người được phân công cảnh giới, một vài tên vào cửa hàng lấy hàng hóa và đi thẳng ra cửa. Vấp phải sự phản đối của nhân viên, băng này sẵn sàng móc tua vít, dao, kéo, cầm chai thủy tinh đe đọa. Nếu bị chống cự thì sẵn sàng chống trả để thoát thân. Tất cả những hành vi này đều được camera an ninh ghi lại.
Các hàng hóa mà nhóm này nhắm đến là bia vì dễ bán cùng nhiều loại thực phẩm, nước uống đóng chai khác. Sau mỗi vụ, bia sẽ được đem bán để chia tiền, còn thực phẩm thì chia nhau ăn uống. Mỗi vụ cướp gây thiệt hại từ vài trăm cho đến hơn 1 triệu đồng. Các vụ cướp còn hủy hoại nhiều tài sản và làm bị thương một số nhân viên cửa hàng.
Vụ việc gióng lên một hồi chuông báo động về vấn nạn “trẻ hóa tội phạm” trong xã hội, với rất nhiều nguyên do, một trong số đó là mặt giáo dục của gia đình. Chỉ đơn cử trường hợp của “thủ lĩnh” băng cướp nhí nói trên, đã thấy một môi trường sống không lành mạnh từ chính người cha, người mẹ, người chị của mình. Nó kéo dài và tác động dần đến sự phát triển tâm sinh lý của một đứa trẻ.
Thời gian qua, rất nhiều những vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, gây chấn động dư luận. Tính chất côn đồ, hung hãn, manh động đã đáng sợ, nhưng đáng lo ngại nhất, chính là tình trạng tội phạm ngày càng “trẻ hóa”. Điểm qua những vụ như Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, thảm sát tại Bình Phước, hay vụ học sinh lớp 10 dùng dao đâm chết bạn vì một mâu thuẫn nhỏ trong quán karaoke… khiến ai cũng không khỏi rùng mình.
|
Theo Th.S Trần Thanh Thảo - Giảng viên Khoa Luật Hình sự, trường Đại học Luật TP.HCM, tình trạng “trẻ hóa tội phạm” xuất phát từ nhiều yếu tố. Đầu tiên phải kể đến sự bất ổn từ gia đình, như trường hợp đã đề cập ở trên. Bên cạnh đó, xã hội phát triển nhanh chóng khiến nhiều bậc cha mẹ mãi chạy theo công việc, từ đó quản lý và nuôi dạy con cái rất lỏng lẻo.
"Không thể không đề cập đến ảnh hưởng từ sự phát triển của công nghệ, mặt trái là các hình ảnh bạo lực, sa đọa, giết chóc xuất hiện tràn lan trên mạng, dễ dàng tiếp cận với trẻ em. Từ đó định hình nhân cách theo một hướng tiêu cực rất khó thoát ra”, Th.S Thảo phân tích.
Bình luận (0)