'Chung cư không chồng': Những người mẹ khổ chờ từng bữa ăn vì 'bão' dịch Covid-19

Huy Đạt
Huy Đạt
28/08/2020 19:01 GMT+7

Dịch bệnh khiến góa phụ ở 'chung cư không chồng' tại Đà Nẵng rơi vào bi kịch chờ từng bữa ăn cứu trợ. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước cùng nỗi lo miếng cơm, manh áo cho con khiến những 'thân cò' oằn mình trong bão Covid-19 .

Những người 'cùng khổ' đợi thực phẩm cứu trợ từng bữa

Người ta gọi chung cư Hòa Phú 5A (đường Kinh Dương Vương, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) là “chung cư không chồng” bởi lẽ, những người sống ở đây đều là góa phụ. Ở đó, những mảnh đời "cùng khổ" mưu sinh, nuôi con bằng nghề nhặt ve chai, bán vé số, rửa chén thuê… qua ngày.

Những thân cò lay lắt ở “chung cư không chồng” giữa đại dịch Covid-19

Đã 1 tháng qua, TP.Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cuộc sống người dân ở tâm dịch Covid-19 bị đảo lộn. Cuộc sống những góa phụ tại “chung cư không chồng” càng trở nên khó khăn muôn phần.
Ông Phạm Trung Khảm (Bí thư Chi bộ khu Hòa Phú 5A, P.Hòa Minh) cho biết do không được đi làm để mưu sinh, không được tập trung đông người khiến việc trang trải cuộc sống của các góa phụ chỉ chờ vào thực phẩm địa phương hỗ trợ, từ các nhóm từ thiện xã hội.

Trong thời gian giãn cách xã hội, những người phụ nữ sống ở "chung cư không chồng" chỉ biết chờ đợi những đoàn từ thiện đến cho thực phẩm để ăn qua ngày

ẢNH: HUY ĐẠT

Một buổi chiều cuối tháng 8.2020, tôi đến "chung cư không chồng". Khác với mọi khi, không khí nhộn nhịp không còn, dưới sân chung cư có vài người phụ nữ ngồi hướng ánh mắt nhìn xa xăm, gương mặt đầy âu lo. Hỏi ra mới biết, những người phụ nữ này đang ngồi chờ các đoàn từ thiện đến cho thực phẩm để xoay xở cho bữa ăn tối.
Bà Hồ Thị Quang Em (47 tuổi, chung cư Hòa Phú 5A) cho biết những ngày qua nhờ sự hỗ trợ của địa phương cũng như các mạnh thường quân nên những người ở “chung cư không chồng” có thực phẩm cứu trợ ăn qua ngày. Tuy nhiên, do các quán ăn, nhà hàng đóng cửa nên họ không thể đi làm, ngày nào cũng chỉ còn biết trông chờ vào thực phẩm cấp phát.

Bà Em cho biết, thường ngày mọi người nơi đây mưu sinh bằng nghề bán vé số, nhặt ve chai, rửa chén thuê... nhưng dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến họ gặp rất nhiều khó khăn

ẢNH: HUY ĐẠT

“Xin được gạo, mắm ăn rồi ăn đỡ chờ hết dịch chứ các gia đình ở đây không có của ăn của để nên rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi khỏe mạnh ai cho gì ăn nấy chứ những người bị ung thư hay nhưng bà mẹ nuôi con ung thư thì vô cùng khó khăn”, bà Em tâm sự.

Tổng hợp Covid 19 ngày 28/8: Thêm 2 ca mắc mới, bệnh nhân tái dương tính phức tạp

Khó khăn bủa vây những mảnh đời bất hạnh khiến họ trở nên già hơn, nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt đầy khắc khổ. Cũng đứng chờ đợi mọi người đến giúp đỡ, mong có được một ít thực phẩm để về chuẩn bị cho con cháu, bà Lê Thị Thanh (54 tuổi) cho biết, thường ngày bà làm nghề vàng mã để kiếm tiền sống qua ngày. Tuy nhiên, dịch bệnh ập đến quá bất ngờ khiến các chủ cơ sở vàng mã không kịp nhập nguyên liệu để sản xuất, từ đó bà thất nghiệp.

Bà Thanh làm nghề hàng mã, tháng này nếu không có dịch bệnh thì sẽ là tháng tất bật nhất trong năm, tuy nhiên dịch bệnh khiến bà không làm được sản phẩm nào

ẢNH: HUY ĐẠT

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi ngày bà Thanh nhận hàng mã về nhà dán thành phẩm thu nhập từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày.
“Nếu không có dịch bệnh, thì tháng 7 âm lịch này các con tôi sẽ được ăn ngon hơn vì tháng này tụi nhỏ dán hàng mã cùng tôi kiếm thêm thu nhập. Có tiền thì được ăn ngon, giờ đây chiều nào cũng xuống sân chờ cứu trợ để ăn qua bữa. Sắp tới nếu được đi học trở lại chắc không có tiền sắm đồ mới cho con đến lớp rồi”, bà Thanh nghẹn ngào.

Tiền nhà, tiền điện, tiền nước... 'bủa vây'

Những người mẹ đơn thân tại đây đều chung nỗi lo lớn là tiền nhà, tiền điện và tiền mua cho mấy đứa nhỏ bộ áo mới khi chúng được đi học trở lại. Nỗi lo lắng, sự nghèo khổ, khó khăn cứ đeo bám những “thân cò”, nếu "dịch bệnh kéo dài chắc chúng tôi chết…”.
Với thân hình gầy ốm vì mắc bệnh huyết áp và xương cột sống, bà Nguyễn Thị Hiền (55 tuổi, trú chung cư Hòa Phú 5A) cầm trên tay bó rau muống vừa được một người tốt bụng cho. Bà Hiền vừa nặng nhọc bước lên từng bậc thang hướng về tầng 3 chung cư vừa kể một thân bà nuôi 2 đứa con. Trong đó, bé Nguyễn Phước Sang (7 tuổi) mắc bệnh động kinh, lúc tỉnh lúc mê. Những lúc đi xuống xin hàng cứu trợ, bà phải khóa trái cửa để con trai trong nhà.

Ra khỏi nhà xin gạo không thể dắt con trai đi cùng, bà Hiền đành khóa cửa "nhốt" con trong nhà

ẢNH: HUY ĐẠT

Trước dịch, hằng ngày bà Hiền tần tảo lội bộ khắp nơi để bán vé số. Những ngày dịch bệnh bà không thể đi bán khiến hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.

Người bán vé số vị xa lánh trong dịch Covid-19

“Lúc tỉnh táo Sang rất thông minh, nhưng bệnh động kinh, co giật bất ngờ nên đi xin gạo tôi phải đóng cửa để cháu một mình ở nhà, xin được thứ gì thì tôi vội chạy về ngay, sợ cháu có chuyện. Lúc đi bán vé số, do thời gian đi cả buổi nên tôi phải dắt con theo, lăn lộn mọi ngóc ngách để kiếm sống”, bà Hiền nghẹn ngào.

Người Đà Nẵng đi chợ bằng phiếu màu trắng thay cho phiếu hồng, phiếu xanh

"Mọi người có điện thoại thông minh, có thể đăng ký nhận quà từ các đoàn từ thiện qua mạng, tôi có cái điện thoại "cục gạch" nên không đăng ký được. Chiều nào cũng xuống xuống sân đứng xin, người ta thương tình thì cho gì ăn nấy..."

Bà Nguyễn Thị Hiền

Không được chơi đùa, đá bóng, đánh cầu lông như bạn cùng lứa, khi mẹ Sang mở cửa, tôi thấy Sang nằm lăn dưới nền nhà để xem hoạt hình, chiếc ti vi cũ là bạn của Sang mỗi khi mẹ vắng nhà.
Thấy mẹ trở về, nụ cười ngây ngô của Sang khiến tôi càng nặng lòng hơn. Cậu bé 7 tuổi ngây thơ không biết gì đến dịch bệnh bên ngoài đang khiến mẹ cậu phải chạy đôn chạy đáo xin từng ký gạo sống qua ngày.
Sang cho biết cậu thấy vui vì những ngày qua được ở bên mẹ nhiều hơn. “Con ở nhà xem hoạt hình chờ mẹ về, những ngày nắng quá đi bán vé số với mẹ, con khát nước mẹ mua nước ngọt cho con uống. Có ngày mẹ dậy sớm nên không dắt con theo, con ở nhà. Chừ mẹ ở nhà nhiều con thấy vui”, Sang ngập ngừng kể.

Căn bệnh về huyết áp, đau cột sống khiến sức khỏe bà Hiền ngày càng yếu đi

ẢNH: HUY ĐẠT

Bà Hiền cho biết, vì cơn động kinh của Sang ngày càng dày hơn khiến các nữ tu công giáo không dám nhận Sang vì sợ sẽ xảy ra điều đáng tiếc, từ đó Sang không đi học nữa. Nỗi lo cho sức khỏe đứa con nhỏ giờ đây không nặng nề bằng miếng ăn hằng ngày, hằng tháng. Rồi bà Hiền không biết lấy tiền đâu để đóng tiền nhà, tiền điện rồi tiền nước.
“Được sống ở chung cư này là điều may mắn mà chính quyền giúp đỡ mẹ con tôi, giờ dịch bệnh chúng tôi xin từ thiện ăn qua ngày, mẹ con tôi ăn rau với gạo cũng không đói. Điều khiến tôi lo nhất là nợ tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Cầu mong Đà Nẵng hết dịch, tôi đi bán vé số trở lại để trả nợ”, bà Hiền rưng rưng.

Chiếc tivi cũ làm bạn cùng Sang mỗi khi mẹ xuống sân chung cư để xin gạo, thực phẩm từ các đoàn từ thiện

ẢNH: HUY ĐẠT

Mỗi số phận ở "chung cư không chồng” chắc hẳn cũng giống như những người ở tâm dịch Đà Nẵng mong chờ những tin vui từ cuộc chiến với Covid-19 để cuộc sống được quay về những ngày bình thường, để họ có thể bán sức mưu sinh.
Chung cư Hòa Phú 5A do Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng làm chủ đầu tư gồm 4 block, với 36 căn hộ được bố trí đầy đủ tiện nghi, khang trang, sạch sẽ, chi phí thuê nhà mỗi tháng chỉ 100.000 đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.