Nữ Chủ tịch lý giải chuyện 5 giờ sáng 'gõ cửa' nhà dân ‘giành lại vỉa hè’

29/03/2017 13:50 GMT+7

Bà Lê Thị Ngọc Dung – Chủ tịch UBND P. An Lạc A (quận Bình Tân, TP.HCM) xuống đường thật sớm, có khi là 5 giờ sáng vận động, thuyết phục bà con để 'giành lại vỉa hè' thông thoáng.

Tại sao là 5 giờ sáng, vị nữ Chủ tịch phường tâm huyết này cởi mở trao đổi với Thanh Niên
Bà Lê Thị Ngọc Dung có thể được xem là nữ lãnh đạo trẻ bậc nhất ở phường An Lạc A. Trong công tác lập lại trật tự đô thị thời gian vừa qua, bà cũng đích thân xuống đường vận động người dân không vi phạm lấn chiếm. Vừa qua, bà Dung cũng đã chia sẻ với Thanh Niên nhiều câu chuyện thú vị xung quanh vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. 
VIDEO: Nữ Chủ tịch phường sáng sớm đến nhà dân nhắc nhở chuyện vỉa hè
Xin chào bà, bà có thể cho biết những điểm nóng về việc lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn phường là những điểm nào thưa bà?
- Bà Lê Thị Ngọc Dung – Chủ tịch UBND P. An Lạc A: Đường Nguyễn Thiết Tự, Nguyễn Thiết Đường, Đỗ Năng Tế, Khiếu Năng Tĩnh là những điểm nóng của phường. Các con đường này đa phần đều có tình trạng lấn chiếm vỉa hè với nhiều hình thức khác nhau. Những điểm này chúng tôi sẽ thực hiện từ từ, nếu làm hết một lần sẽ làm không xuể. Chúng tôi cũng xác định từ giờ đến hết tháng 5 sẽ làm xong tất cả các điểm nóng này.
Còn về những người bán hàng rong, bà có hướng giải quyết nào cho họ không?
- Bà Lê Thị Ngọc Dung: Hiện nay chúng tôi đã làm việc với những nhà trước đây không cho người bán hàng rong vào nhà và chỉ cho bán trên vỉa hè. Chúng tôi đã và đang cố gắng vận động các chủ nhà đó cho người bán hàng rong thuê để vào bên trong bán.
Đặc điểm chung của những trường hợp bán hàng rong ở phường An Lạc A như thế nào?
- Bà Lê Thị Ngọc Dung: Những trường hợp bán hàng rong ở phường chúng tôi đa phần là ở nơi khác đến, người dân trên địa bàn cũng có, nói chung có rất nhiều trường hợp khác nhau.
Trong những lần xuống đường như vậy, phường đã có xử phạt hoặc phá dỡ ở những nơi lấn chiếm không thưa bà?
- Bà Lê Thị Ngọc Dung: Thật sự mà nói là chúng tôi chủ yếu làm công tác vận động nhắc nhở là chính, hạn chế việc cưỡng chế. Sau những ngày xuống đường vừa qua, phường nhận thấy các trường hợp người dân tự động tháo dỡ rất nhiều. Chúng tôi cũng có đi kiểm tra qua thì thấy nhiều nhà đang cho khoan cắt, tháo dỡ các bục lấn chiếm vỉa hè. Đặc biệt ở tuyến đường Nguyễn Thiết Đường có nhiều hộ cán bộ công chức, Đảng viên, và còn có cơ quan như Ngân hàng Chính sách, trụ sở Hội người cao tuổi, các trường thì chúng tôi vận động, cũng đều tự tháo dỡ hết.
Khi đi vận động như vậy, có trường hợp nào phản đối hay có những hành động quá khích?
Bà Lê Thị Ngọc Dung: Cũng có một số trường hợp phản đối từ một số hộ dân bức xúc, họ la lối không đồng ý vì lý do vỉa hè hiện nay rộng rồi không cần phải làm gì hết để trả lại. Hay có một bà cụ cũng khoảng 80 tuổi phản đối việc này, không chấp nhận tháo dỡ. Nếu địa phương có cưỡng chế cụ bà này dọa sẽ chết trước cửa nhà. Những trường hợp này chúng tôi không đôi co với người dân. Sau đó chúng tôi sẽ tác động bằng cách gặp riêng giải thích cho bà cụ đó. Ngày hôm sau chúng tôi đi lại tuyến đường đó, chính bà cụ lại chặn đường xin lỗi và hứa sẽ tự tháo dỡ. Còn các hộ kế bên cũng phản đối sau đó cũng tự tháo luôn. Còn các trường hợp bán hàng rong, khi chúng tôi sắp xếp lại họ cũng phản đối chuyện đó.

Bà Lê Thị Ngọc Dung – Chủ tịch UBND P. An Lạc A xuống đường “giành lại vỉa hè” từ lúc 5 giờ sáng Ảnh: Thanh Hương
Hiện nay trên các phương tiện truyền thông đang lên án việc “bảo kê” vỉa hè. Lấy ví dụ nếu trên địa bàn phường An Lạc A có xuất hiện tình trạng trên thì bà sẽ xử lý như thế nào?
- Bà Lê Thị Ngọc Dung: Thực sự hiện nay trên địa bàn phường chúng tôi chưa phát hiện ra những sự việc “bảo kê” như vậy. Trong các cuộc họp chúng tôi đều nhắc nhở, nhất là bên các anh công an không có chuyện này. Nếu có chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý bởi vì với vai trò người đứng đầu địa phương thì tôi phải làm mạnh việc đó. Nói gì thì nói, tình hình buôn bán của phường An Lạc A không phức tạp lắm như những phường khác.
Là một lãnh đạo trẻ và lại là phụ nữ, bà có gặp phải áp lực khi chỉ đạo công tác lập lại trật tự vỉa hè đối với những anh em lớn tuổi hơn không?
-  Bà Lê Thị Ngọc Dung: Việc này được cái là tôi vừa kiêm nhiệm vai trò Bí thư vừa là Chủ tịch phường nên công tác chỉ đạo điều hành được thuận lợi hơn. Trong tập thể Đảng ủy, thành viên Ủy ban trước khi đưa ra quyết định vấn đề gì đó chúng tôi đều đưa ra trong cuộc họp trao đổi trước để đi đến thống nhất. Thành ra khi vào họp, anh em rất thoải mái, đồng thuận không có vấn đề gì.

tin liên quan

Ông Năm Hấp lấy đất nhà lập chợ, 'mời' bà con hàng rong Sài Gòn vào bán
Chứng kiến cảnh bà con buôn bán dọc bờ kè kênh 19 tháng 5 khó khăn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, không cho buôn bán trên vỉa hè, ông Năm Hấp quyết định bỏ vốn sửa sang mảnh đất hương hỏa của gia đình thành khu chợ để bà con bán hàng rong có chỗ buôn bán ổn định. 
Ở những địa phương khác, việc xuống đường thường được giao cho cấp phó. Tại sao bà lại đích thân đi mà không để cấp phó đi?
- Bà Lê Thị Ngọc Dung: Bởi vì cái gì cũng không thể giao cho cấp phó, tôi phải đi cùng anh em. Chứ để anh em đi như vậy tôi ngồi cũng không yên. Tôi phải có một phần trách nhiệm trong đây. Hiện nay trách nhiệm luôn là người đứng đầu nên tôi phải có trách nhiệm với anh em. Dĩ nhiên không phải ngày nào tôi cũng đi, mà ngày nào lịch trống tôi mới đi.
Tại sao bà chọn xuống đường lập lại trật tự vỉa hè vào lúc 5 giờ sáng mà không phải thời gian khác?
- Bà Lê Thị Ngọc Dung: Bởi vì đặc thù của các tuyến đường này là người dân thường bán đồ ăn sáng, dọn hàng buôn bán vào buổi sáng và nhóm họp đến khoảng 8 – 9 giờ đã dọn dẹp. Nên chúng tôi phải đi sớm để vận động cho họ dẹp vô, không bày ra nữa. Nếu đợi người dân bày ra rồi mà mình đi vận động sẽ khó hơn lúc người dân chưa bày ra ngoài. Chỉ những ngày đầu chúng tôi đi sớm như vậy, còn những ngày sau đã vào nền nếp rồi chúng tôi sẽ đi trễ hơn chút.
Là một phụ nữ thì việc xuống đường thường xuyên như vậy có làm bà cảm thấy mệt mỏi không?
- Bà Lê Thị Ngọc Dung: Trước đây tôi xuất thân từ công tác Đoàn Thanh niên nên thật ra việc đi sớm về trễ đối với tôi cũng bình thường. Không phải liên tục đi như vậy, mà một hai ngày cần thiết đi sớm thì tôi mới đi. Tôi thì không sao nhưng còn phải cho anh em nghỉ ngơi nữa.
Bà Dung đề cao sự vận độngg hơn là cưỡng chế người dân khi lập lại trật tự đô thị Thanh Hương
Xin cho hỏi về cá nhân bà một chút, khi còn trẻ, bà có thường đi ăn uống ở những quán ăn, hàng rong vỉa hè không? Cảm xúc của bà khi giờ đây phải đi xử lý những hàng quán vỉa hè đó?
- Bà Lê Thị Ngọc Dung: Có, việc đó là thường xuyên (cười). Nói chung là đời sống của người dân thành phố mình gắn liền với vỉa hè và những gánh hàng rong. Đa số anh em trong nhà tôi cũng thường ăn ở những gánh hàng rong đó. Tuy nhiên hiện nay thực hiện chủ trương chung thì việc đó tôi cũng phải vận động thôi, chưa kể về vệ sinh an toàn thực phẩm nữa. Chúng tôi cũng vận động người dân thay đổi thói quen mua sắm ở những cửa hàng tiện ích có trên địa bàn phường.
Công việc bận rộn như vậy thì việc sắp xếp thời gian cho gia đình bà như thế nào?
-  Bà Lê Thị Ngọc Dung: Tôi cũng thuận lợi ở chỗ là hai vợ chồng đều làm nhà nước. Con được gửi sang nhà ngoại nên cũng đỡ phần nào. Nói thiệt bữa cơm gia đình hầu như tôi chỉ ăn được buổi sáng. Được cái nhờ chồng chia sẻ, thông cảm cũng đã quen với chuyện này rồi. Là người phụ nữ mà, vừa lo việc nước phải vừa lo việc nhà, việc nhà có ổn mới có thể an tâm lo việc nước được.
Xin cảm ơn bà rất nhiều!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.