Miền núi phía bắc chìm vào giá rét nhưng khung cảnh tuyết trắng khiến cư dân mạng chia nửa buồn vui: người háo hức chia sẻ ảnh đẹp, người thì lo lắng cho bà con địa phương thêm khó khăn khi tết gần về.
Đặt sẵn phòng để săn tuyết
Chia sẻ với Thanh Niên, một vài người dân sinh sống ở thôn Mò Phú Chải (xã Y Tý) cho biết tuyết bắt đầu rơi vào đêm khuya. Đến sáng 11.1, tuyết rơi dày hơn và phủ một lớp trắng xóa. Chị Thùy (24 tuổi) một người kinh doanh nhà nghỉ thôn Mò Phù Chải cho biết vào năm ngoái xã không có tuyết. Lần có tuyết gần nhất là năm 2015. “Mình không biết chính xác tuyết rơi từ lúc nào, sáng thức dậy thì đã thấy tuyết rơi đầy sân rồi, hồi sáng mình đo được là âm 4 độ C”. Gia đình kinh doanh homestay cho khách du lịch nên chị Thùy cho biết đã nhận khách đặt phòng từ nhiều hôm trước và hôm nay cũng có lượng khách du lịch mới đến đăng ký thuê phòng để "săn tuyết".
|
Tương tự, khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa thuộc các xã Tà Xùa, Háng Đồng, Xím Vàng, Hang Chú (H.Bắc Yên, tỉnh Sơn La) nằm ở độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển xuất hiện băng tuyết vài ngày qua. Theo anh Y Xoa - một chủ homestay ở xã Háng Đồng: “Hôm 10.1 chỗ mình cũng vừa đón đoàn khách hơn chục người từ dưới xuôi lên để đi ngắm băng, tuyết. Hôm nay và mấy ngày tới nếu còn băng tuyết chắc chắn sẽ còn nhiều du khách lên hơn”. Một số nhà nghỉ, homestay khác cũng tấp nập đón nhiều đoàn du khách.
Ảnh check in giữa trời tuyết rơi được cư dân mạng chia sẻ mạnh. Nhiều tài khoản ví von “năm nay do Covid không du lịch châu Âu được thì trải nghiệm cái lạnh, đứng giữa trời tuyết thì có khác gì việc vi vu trời Tây”. Nhiều người cũng mạnh dạn đề xuất, chính quyền các địa phương ngoài việc chăm lo đời sống bà con giữa giá rét nên kết hợp biến thành một lợi thế khai thác điểm đến săn băng tuyết. “Đâu phải địa phương nào cũng có tuyết rơi, năm nào cũng có? Nếu dự báo trước, có cách khai thác hợp lý thì sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch giữa mùa đông miền Bắc vừa an toàn, vừa có thêm nguồn thu”, các cư dân mạng góp ý.
Lo lắng bà con thiệt hại
Đi cùng niềm vui hào hứng là sự lo lắng bà con địa phương sẽ khó khăn giữa rét đậm, rét hại. Nhiều cư dân mạng đã gửi lời cầu mong bà con bình an, gia súc không bị chết.
Chia sẻ nỗi lo lắng này, chị Thùy cho biết vì phải sống chung với thời tiết khắc nghiệt hằng năm nên người dân ở đây đã quen và có sự chuẩn bị trước. Dịp sắp tết, người dân ở Y Tý thường trồng bắp cải, rau cải và đang ươm giống cây đương quy, cũng là mùa hoa đào, hoa mận nở nhưng tuyết phủ xuống dễ làm hoa màu bị hỏng. Ông Tạ Công Huy, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, cho biết một số xã ở H.Bát Xát có tuyết rơi, có nơi lớp tuyết dày đến 10 - 20 cm. Tỉnh bắt đầu ghi nhận những thiệt hại đầu tiên khi có 34 gia súc bị chết rét tập trung tại TX.Sa Pa.
Anh Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho biết: những vườn cải, rừng cây táo mèo mà bà con trồng ở vườn, hay trên nương, rừng cũng bị ảnh hưởng do giá rét. Về gia súc, Hội Nông dân xã cũng hướng dẫn bà con nhốt ở lều, chuồng và đốt lửa sưởi ấm. Khoảng 2 - 3 hôm vừa qua vì nhiệt độ xuống quá thấp, nên cũng đã có vài trường hợp trâu, bò của người dân bị chết.
“Thăm” băng, tuyết cần giữ ấmVới người đi “thăm” băng tuyết, bác sĩ Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) lưu ý, việc giữ ấm hai bàn chân vô cùng quan trọng, vì lòng bàn chân có nhiều mạch máu, nếu để lạnh, thì cơ thể cũng dễ bị lạnh. Giữ ấm phần đầu bằng khăn, mũ đủ ấm cũng cần chú trọng.
Chuyên gia Cục Y tế dự phòng lưu ý, cần giữ ấm bằng trang phục phù hợp và đảm bảo đầy đủ thực phẩm, nước uống, cần đeo khẩu trang, quàng khăn ấm giúp hạn chế nhiễm lạnh đường hô hấp; giữ ấm thân mình bằng các lớp áo. Theo một chuyên gia tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai, khi đi đến vùng băng tuyết, giữ ấm cơ thể chính là điều kiện trước tiên để an toàn cho sức khỏe, quan trọng giữ cho huyết áp ổn định, tránh các nguy cơ mạch co thắt khiến tăng huyết áp đột ngột, có thể gây biến cố tim mạch.
Liên Châu
|
Bình luận (0)