Đội tuyển nữ Việt Nam chuyển giao, lứa Thanh Nhã sẵn sàng nhận trọng trách

07/08/2023 16:22 GMT+7

Đội tuyển nữ Việt Nam đang bước vào quá trình chuyển giao, khi các cầu thủ trẻ (chủ yếu sinh sau năm 2000) bắt đầu nhận trọng trách lớn hơn.

World Cup 2023, các tài năng trẻ của đội tuyển nữ Việt Nam được sử dụng với tần suất dày. Trung vệ trẻ Lương Thị Thu Thương (sinh năm 2000) đá chính đủ 3 trận, là trụ cột trong hàng phòng ngự 5 người. Tiền vệ Trần Thị Hải Linh (sinh năm 2001) đá chính 2 trận, vào sân từ ghế dự bị 1 trận, đá tổng cộng 204 phút. Tiền vệ Nguyễn Thị Thanh Nhã (sinh năm 2001) đá chính 2 trận, chơi trọn vẹn 180 phút. Nếu không bị sốt dẫn tới phải nghỉ trận đầu, có lẽ Thanh Nhã sẽ chơi đủ 3 trận ở World Cup 2023.

Câu chuyện của Hải Linh, Thanh Nhã hay Thu Thương cho thấy đội tuyển nữ Việt Nam đang hái "quả ngọt" sau quá trình trẻ hóa tiến hành từ đầu năm 2020 đến nay. Tuy nhiên còn quá sớm để nói đội tuyển nữ Việt Nam đã chuyển giao thế hệ thành công.

Đội tuyển nữ Việt Nam chuyển giao, lứa Thanh Nhã sẵn sàng nhận trọng trách - Ảnh 1.

Thanh Nhã đá chính 2 trận ở World Cup 2023

AFP

Đội tuyển nữ Việt Nam chuyển giao, lứa Thanh Nhã sẵn sàng nhận trọng trách - Ảnh 2.

Thanh Nhã là đại diện tiêu biểu cho lứa "gen Z" ở đội tuyển nữ Việt Nam

FIFA

Bởi những vị trí trọng yếu, cốt lõi nhất của đội tuyển nữ Việt Nam vẫn được giao cho những cầu thủ trên 29 tuổi. Có tới 8 đến 9 vị trí trong đội hình xuất phát do HLV Mai Đức Chung lựa chọn ở World Cup 2023 ưu tiên kinh nghiệm hơn sức trẻ, đó là lựa chọn dễ hiểu. Dù vậy, để đội tuyển nữ Việt Nam chuyển giao lực lượng sau World Cup 2023, làn sóng trẻ cần được thể hiện rõ ràng hơn.

Đó không chỉ thuần túy là đôn cầu thủ trẻ lên đội nữ để tập luyện, mà còn là trao cơ hội, để các tài năng trẻ có được vị trí chính thức ở đội 1 như Thu Thương, Hải Linh hay Thanh Nhã làm được.

Bóng đá nữ Việt Nam từng có giai đoạn bế tắc khi chuyển giao, bởi thế hệ sinh năm 1996 - 1999 gần như không có cầu thủ giỏi. Sự thiếu hụt nhân tài ở dải tuổi rất rộng nói trên khiến lứa của Trần Thị Thùy Trang (1988), Huỳnh Như, Trần Thị Thu, Trần Thị Thu Thảo, Trần Thị Kim Thanh, Nguyễn Thị Tuyết Dung (1991 - 1993) phải liên tục cày ải trong nhiều năm mà không tìm cho ra người kế cận.

Không ra sân ở World Cup, Thùy Trang tiếc nuối: 'Tôi buồn nhưng tôn trọng quyết định của bác Chung'

Đơn cử ở vị trí tiền đạo, Huỳnh Như và Phạm Hải Yến là những gương mặt đẳng cấp hiếm hoi. Ở vòng loại thứ nhất Olympic Paris 2024, đội tuyển nữ Việt Nam dù chỉ gặp Nepal, nhưng cũng đã phải triệu tập Huỳnh Như bay từ Bồ Đào Nha sang Nepal thi đấu, bởi HLV Mai Đức Chung không tìm được gương mặt nào thế chỗ đàn chị cho trận đấu gặp đối thủ yếu. Phải đến khi Vũ Thị Hoa nổi lên ở giải bóng đá nữ vô địch quốc gia 2022 với 9 bàn cho CLB nữ Hà Nội I, đội tuyển nữ Việt Nam mới có một chân sút đủ tiềm năng để trông đợi.

Đội tuyển nữ Việt Nam chuyển giao, lứa Thanh Nhã sẵn sàng nhận trọng trách - Ảnh 3.

Đội tuyển nữ Việt Nam chuyển giao, lứa Thanh Nhã sẵn sàng nhận trọng trách - Ảnh 4.

Những cựu binh như Kim Thanh, Huỳnh Như vẫn đóng vai trò nòng cốt

REUTERS

Khoảng trống thế hệ 1996 - 1999 tạo ra hệ lụy: lứa đàn chị ở đội tuyển nữ Việt Nam đã đến ngưỡng, nhiều gương mặt không còn theo kịp cường độ thi đấu hiện đại, nhưng lớp trẻ mới chỉ có vài ba cái tên thay thế. Nếu tính thêm Vũ Thị Hoa (2003) và Ngân Thị Vạn Sự (2001), đội tuyển nữ Việt Nam mới chỉ có 4, 5 cầu thủ trẻ để tính toán đường dài trong ít nhất 5 đến 7 năm tới.

Khi thời gian sự nghiệp bắt đầu đếm ngược với những cầu thủ nữ trên 30 tuổi, HLV Mai Đức Chung cần đẩy nhanh quá trình trẻ hóa. Không chỉ là đôn cầu thủ trẻ lên, mà còn sử dụng thường xuyên hơn, đặt niềm tin lớn hơn.

Thời gian đầu, ông Chung để lứa trẻ ngồi dự bị, rồi tung các tài năng trẻ vào sân trong hiệp 2 để giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, đây là khi lứa đàn chị ở đội tuyển nữ Việt Nam sung sức.

Còn hiện tại, các cầu thủ trẻ cần đá chính thường xuyên hơn. Hiển nhiên chính những tài năng trẻ cũng cần khẳng định năng lực để đá chính. Nhưng trong bối cảnh hệ thống bóng đá nữ quốc nội chưa có nhiều trận cho lớp trẻ, các cầu thủ lớn tuổi cũng chỉ đá ở CLB tập trung trong khoảng 2 đến 3 tháng mỗi năm, thì đội tuyển quốc gia vẫn là cái nôi rèn trẻ tốt nhất. Ở đợt tập trung tới, những tài năng của U.20 Việt Nam như Bảo Trâm, Nhật Lan, Thanh Thảo, Minh Chuyên, Hồng Yêu hay lứa Nguyễn Thị Hoa, Lan Anh nên được trao cơ hội nhiều hơn.

Về đến quê nhà, thủ môn Kim Thanh thổ lộ: 'Khoảnh khắc Quốc ca vang lên, tất cả vỡ òa'

Ở ASIAD 19 và vòng loại Olympic Paris 2024, hay xa hơn là các giải đấu trong những năm tới, đội tuyển nữ Việt Nam có lẽ cần mạnh dạn trẻ hóa, giảm sự phụ thuộc vào đàn chị. Dùng cầu thủ trẻ đồng nghĩa đổi lấy rủi ro thành tích, nhưng chuyển giao thế hệ là bắt buộc để phát triển đường dài, thay vì tỏa sáng một lần với kỳ tích World Cup rồi vụt tắt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.