Đông Nam Á đón đầu làn sóng đầu tư

06/10/2019 09:00 GMT+7

Nhiều nước Đông Nam Á và khu vực lân cận đang cạnh tranh gắt gao nhằm lôi kéo nguồn đầu tư đang rời khỏi Trung Quốc do tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Nhiều ưu đãi, cải cách

Đứng trước thời cơ về làn sóng dịch chuyển của các công ty nhằm tránh tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều nước Đông Nam Á đã có những biện pháp cạnh tranh để thu hút đầu tư. Indonesia hồi đầu tháng 9 thông báo kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp từ 25% xuống 20% từ năm 2021 cùng nhiều kế hoạch cải cách thuế khác. Tại Thái Lan, mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là 20% và nước này có chính sách miễn thuế trong 13 năm cho các doanh nghiệp mới tại Hành lang kinh tế phía đông và giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, chính phủ nước này hồi tháng 9 thông qua gói hỗ trợ giảm 50% thuế thêm 5 năm nữa đối với những dự án đầu tư từ 1 tỉ baht (762 tỉ đồng) trở lên với điều kiện khoản đầu tư được giải ngân trước tháng 12.2021, đồng thời cam kết đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động.
Theo Reuters, Malaysia cũng mới thành lập Ủy ban Quốc gia về đầu tư (NCI) do các bộ trưởng tài chính, thương mại và công nghiệp lãnh đạo nhằm đẩy nhanh thủ tục xem xét và phê chuẩn các dự án đầu tư từ nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia Ong Kian Ming giải thích: “Trước đây, việc thông qua các dự án đầu tư mất 3 tháng thì nay chỉ cần 1 tháng. Chỉ trong buổi họp đầu tiên, NCI đã bật đèn xanh cho các dự án đầu tư có tổng trị giá 2,2 tỉ ringgit (12.198 tỉ đồng)”. Ông Ong cho biết thêm nguồn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Malaysia trong nửa đầu năm 2019 đạt 50 tỉ ringgit, gần gấp đôi so với cùng giai đoạn năm ngoái và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa trong nửa cuối năm.
Ngoài ra, Đài Loan hay Ấn Độ cũng có các chính sách ưu đãi về thuế, giá cho thuê đất, điện, nước nhằm thu hút đầu tư. Trong khi đó, một số nước khác như Bangladesh, Myanmar hay Campuchia cạnh tranh bằng nguồn nhân công giá rẻ để bù cho những bất lợi về cơ sở hạ tầng.

Vẫn còn hạn chế

Giới chuyên gia cảnh báo cuộc chiến thương mại còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho các nước muốn thu hút chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc, theo chuyên san The Diplomat. Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn với những nước đang hưởng thặng dư lớn trong quan hệ thương mại với Mỹ. Mặt khác, giới chuyên gia cũng báo động tình trạng một số công ty chuyển hàng ra khỏi Trung Quốc và dán nhãn là sản phẩm của nước thứ ba trước khi xuất sang Mỹ để né thuế. Chính quyền Mỹ được cho là đã phạt nhiều công ty ở Campuchia vì hoạt động trái phép này và tuyên bố sẽ xử phạt nặng nếu phát hiện ở những nơi khác
Theo một số nhà quan sát, sự dịch chuyển hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Đông Nam Á đã diễn ra từ nhiều năm trước, do chi phí nhân công ở Trung Quốc ngày càng tăng trong khi quy định về môi trường bị siết chặt. Dù xu hướng này được đẩy nhanh do tác động từ chiến tranh thương mại gần đây, nhưng giới quan sát nhận định các nước Đông Nam Á có thể chưa hoàn toàn sẵn sàng để tiếp đón hoạt động sản xuất từ Trung Quốc đổ sang.
Theo đó, các công ty đa quốc gia ngày càng lo ngại về hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém và mạng lưới hậu cần chưa phát triển ở một số nước, khiến chi phí kinh doanh lên cao. Bên cạnh đó, để gia tăng năng suất một cách đột ngột trong ngắn hạn còn là điều khó khăn đối với một vài nước đã hoạt động gần hết công suất, đánh rơi cơ hội vào tay những nước khác, theo chuyên san The Diplomat. Để có thể thật sự hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, các nước được cho là cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện năng suất người lao động thông qua các hoạt động tập huấn, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư về lâu dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.