Đủ kiểu khuyến khích người dân tiêm vắc xin

31/07/2021 07:17 GMT+7

Nhiều nước trên thế giới đang tăng cường khuyến khích lẫn ép buộc để người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19, từ thưởng nóng đến nguy cơ bị ngưng chức nếu từ chối tiêm.

Đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 do biến thể Delta, các quốc gia phương Tây tìm mọi cách để thuyết phục người dân tiêm vắc xin. Điển hình, Đài MSNBC dẫn lời Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain tuyên bố: “Chúng tôi đang triển khai đầy đủ chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”, để đưa người dân Mỹ đến phòng tiêm”.

Trả tiền để dân tiêm vắc xin

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 29.7, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi chính quyền các tiểu bang và địa phương hãy thưởng nóng 100 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) cho mỗi người dân đi tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

Sốt ruột trước dịch Covid-19, Tổng thống Mỹ muốn tặng 100 USD cho mỗi người tiêm vắc xin đầy đủ

Theo Đài CBS, số tiền này lấy từ quỹ ứng phó dịch Covid-19 trị giá 1.900 tỉ USD được quốc hội thông qua vào tháng 3. Bên cạnh đó, viên chức và nhân viên đang làm việc tại các cơ quan liên bang phải cung cấp giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin. Những người chưa tiêm sẽ buộc phải xét nghiệm sàng lọc 1 hoặc 2 lần/tuần, mang khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội tại nơi làm việc và không được phép đi công tác.
Tổng thống Biden cũng chỉ đạo Lầu Năm Góc phải quyết định “cách thức và thời điểm” bắt buộc tiêm vắc xin cho toàn bộ quân nhân. Bộ Quốc phòng không thể buộc tiêm vắc xin được phê chuẩn sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, nhưng tổng thống trên cương vị tổng tư lệnh quân đội có thẩm quyền dỡ bỏ giới hạn này. “Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ bắt đầu tham vấn giới chuyên gia y tế và tham mưu trưởng các lực lượng”, để thi hành mệnh lệnh của tổng thống, theo người phát ngôn Lầu Năm Góc.
Theo báo USA Today, bang California và bang New York công bố quy định bắt buộc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đối với viên chức và nhân viên làm việc cho các cơ quan của hai tiểu bang này. Ai từ chối sẽ phải xét nghiệm sàng lọc hằng tuần và cung cấp kết quả âm tính với vi rút gây bệnh Covid-19. Lĩnh vực tư nhân cũng vào cuộc. Các đại gia công nghệ Google, Facebook và dịch vụ phim ảnh trực tuyến Netflix cho biết sẽ bắt buộc nhân viên tiêm phòng nếu muốn quay lại nơi làm việc.

Đại gia công nghệ Mỹ yêu cầu nhân viên tiêm vắc xin Covid-19 để đi làm

Tiêm vắc xin là giấy thông hành

Đầu tháng 7, Liên minh Châu Âu (EU) đưa vào sử dụng cơ chế “hộ chiếu vắc xin”, cho phép bất kỳ ai tiêm đủ một trong 5 loại được khối phê chuẩn sẽ được phép di chuyển tự do trên địa bàn EU. Các thành viên cũng áp dụng những biện pháp nội bộ để khuyến khích lẫn bắt buộc công dân tiêm vắc xin. Pháp vừa thông qua luật buộc mọi nhân viên y tế phải tiêm vắc xin. Đến ngày 15.9, những người không thi hành có thể đối mặt nguy cơ tạm ngừng việc, theo Đài NPR.
Dân Pháp cần cung cấp “giấy chứng nhận sức khỏe” (chứng tỏ đã tiêm vắc xin, mới xét nghiệm âm tính hoặc vừa khỏi bệnh Covid-19) khi muốn lui tới nơi công cộng, từ nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng và sân vận động. Hiện giấy chứng nhận chỉ áp dụng cho người trưởng thành tại Pháp, nhưng đến ngày 30.9 sẽ mở rộng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên.
Hy Lạp yêu cầu giấy xác nhận đã tiêm vắc xin tại nhà hàng, quán bar, trong khi Hungary bắt buộc tiêm vắc xin đối với các nhân viên y tế. Trong tháng 7, Malta trở thành quốc gia đầu tiên thuộc EU cấm nhập cảnh bất kỳ du khách nào từ 12 tuổi trở lên nếu chưa tiêm vắc xin. Còn Anh vừa thông báo, từ ngày 2.8, những người tiêm đủ vắc xin đến từ Mỹ và châu Âu không cần phải cách ly.

Với chủng Delta, các triệu chứng thường gặp khi mắc Covid-19 là gì?

Israel, một trong những quốc gia thực hiện tiêm chủng thành công nhất thế giới, vừa quay lại áp dụng giấy thông hành sức khỏe trong bối cảnh dịch lây lan mạnh vì biến thể Delta. Hôm 29.7, Thủ tướng Naftali Bennett thông báo từ ngày 1.8, Israel sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ ba vắc xin ngừa Covid-19 cho người trên 60 tuổi, theo Reuters.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin vẫn chưa áp dụng bất kỳ biện pháp nào để buộc người phải tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, một số vùng đã đi trước về vấn đề này. Ví dụ, người chưa tiêm
vắc xin sẽ bị từ chối đặt phòng ở các khu resort của Sochi, bắt đầu từ tháng 8. Trong khi đó, từ giữa tháng 9, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là yêu cầu bắt buộc cho những nhân viên làm việc tại các trung tâm dưỡng lão của Úc. Bang Nam Úc cũng đang thí điểm cho phép cách ly tại nhà đối với công dân Úc tiêm đủ liều vào thời điểm quay về nước.
Số ca tử vong vì Covid-19 tăng mạnh
Số ca tử vong vì Covid-19 tăng mạnh1

Hỏa táng nạn nhân Covid-19 tại Jakarta, Indonesia

ẢNH: REUTERS

NHK ngày 30.7 dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa tin số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu trong tuần trước là hơn 69.000 ca, tăng 21% so với một tuần trước đó. Số ca nhiễm mới là 3,8 triệu, tăng 8%. Mỹ là nước có số ca nhiễm mới cao nhất với hơn 500.000 ca, theo sau là Brazil, Indonesia, Anh và Ấn Độ. WHO cảnh báo nếu vi rút duy trì tốc độ lây lan đó, tổng số ca nhiễm có thể vượt mốc 200 triệu ca trong 2 tuần nữa. Biến chủng Delta đến nay đã lây lan ra thêm 8 nước, nâng tổng số nước phát hiện biến chủng này lên thành 132.
Mặt khác, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo rằng tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều trên toàn cầu có thể tác động đến khả năng phục hồi kinh tế của thế giới. Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho biết năng suất thương mại giữa các vùng có sự khác biệt lớn và nguyên nhân chính là do khả năng tiếp cận với nguồn vắc xin Covid-19.
“Điều này đặc biệt đúng với các nước thu nhập thấp, nơi chỉ có hơn 1% dân số được tiêm ít nhất một liều”, bà Okonjo-Iweala nói và cảnh báo sự chênh lệch này đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu, sức khỏe của người dân. Trước đó, Quỹ tiền tệ quốc tế cũng khẳng định khả năng tiếp cận vắc xin là yếu tố chia thế giới ra hai nhóm với tốc độ phục hồi khác nhau. Về tổng thể, WTO dự báo khối lượng hàng hóa giao dịch toàn cầu tăng 8% trong năm 2021 và 4% trong năm 2022.
Vi Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.