Lễ 30.4-1.5: Cả ngàn du khách tham quan miễn phí ở Huế, du lịch 'hồi sinh'

Đình Toàn
Đình Toàn
01/05/2020 13:01 GMT+7

Sau gần 50 ngày đóng cửa để giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 , dịp lễ 30.4, các điểm di tích tại Huế đã mở cửa trở lại bằng chương trình tham quan miễn phí 1 tuần.

Ngày 30.4 hàng ngàn người dân đã đến tham các điểm di tích, danh thắng tại cố đô Huế sau một thời gian cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, yêu cầu đeo khẩu trang được yêu cầu thực hiện nghiêm ở đại nội Huế và các điểm tham quan khác

ĐÌNH TOÀN

Tại hầu hết các điểm tham quan, việc đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, bắt buộc đeo khẩu trang được các ban quản lý di tích yêu cầu khách thực hiện nghiêm túc.

Đại nội Huế tấp nập khách thuộc tham quan dịp lễ 30.4, 1.5 khi được tham quan miễn vé

ĐÌNH TOÀN

Điểm tham quan đông nhất là đại nội Huế. Hàng ngàn người dân, trong đó phần đông là người Huế đã đến tham quan di tích này khi UBND tỉnh có chính sách miễn vé vào cổng cho tất cả các điểm tham quan di tích từ ngày 30.4 đến 7.5. Người dân tỏ ra rất hào hứng, nhất là các bạn trẻ khi thỏa sức tham quan, khám phá, dạo chơi sau thời gian dài ở nhà. 

Ông và cháu cùng đi dạo trong đại nội Huế

ĐÌNH TOÀN

“Sáng nay mình tới tham quan một vòng xung quanh đại nội sau đó chọn địa điểm này để ký họa”, Trương Quang Đức, sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế tâm sự.
Còn Nguyễn Thị Lụa, sinh viên Trường ĐH Nghệ thuật Huế thì chia sẻ: “Đại nội Huế mở cửa trở lại rất là vui. Tụi mình vào đây không hiểu vì sao các nghệ nhân ngày xưa có thể làm được công trình rất hoành tráng, các hoạt tiết rất tinh xảo, có thể lưu giữ lại rất lâu”.

Bạn trẻ tham quan đại nội Huế

ĐÌNH TOÀN

Đáng chú ý, không chỉ người dân Huế đến tham quan đại nội Huế trong dịp lễ 30.4 và 1.5 này mà du khách tham quan còn đến từ TP.HCM, Hà Nội cùng một số tỉnh, thành phố ở miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Phần nhiều người dân đi du lịch theo gia đình.

Tranh thủ lưu lại những hình ảnh đẹp

ĐÌNH TOÀN

Trở về quê hương cùng với gia đình từ TP.HCM, Phạm Thủy Tiên, HS lớp 6, Trường THCS Phan Bội Châu, Q.Tân Phú. TP.HCM cho biết, em sinh ra ở Huế nhưng lớn lên ở TP.HCM. Dịp này được nghỉ học nên trở về quê chơi cùng ông bà, bố mẹ.
“Từ lớp 4, lớp 5 em được học về lịch sử và về các vua triều Nguyễn. Nay có dịp đi thăm Đại nội, em thấy nhiều nét văn hóa riêng của Huế độc lạ khó có nơi nào được như vậy hết", Tiên nói.
Còn chị Lâm Thị Thúy Hằng, người vừa xuống trải qua hành trình dài bằng xe giường nằm từ Hà Nội vào Huế tham quan cho biết, sau dịp nghỉ lễ này, công việc và “guồng quay” của chị trở lại bình thường, sẽ là những ngày đầy áp lực nên chị tranh thủ thời gian này cùng người bạn thân đến Huế tham quan, tận hưởng không khí trong lành để chuẩn bị cho những kế hoạch sắp đến.

Một trong ít vị khách nước ngoài tham quan cung Trường Sanh, hoàng cung Huế sau khi di tích mở cửa trở lại

ĐÌNH TOÀN

Với anh Ngọc Ấn, ở TP.Huế thì đây cũng là dịp thể hiện niềm tin của người dân Việt Nam vì Chính phủ đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh Covid-19: Người dân rất phấn khởi khi mở cổng lại các điểm di tích và được tham quan miễn phí.  

Phương tiện, nhân lực đều tái khởi động trở lại trong các điểm tham quan di tích Huế để phục vụ du khách

ĐÌNH TOÀN

Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 4 tháng đầu năm 2020, lượng khách đến Huế ước đạt 940 nghìn lượt, giảm 60% so với cùng kỳ. Khách lưu trú ước đạt 426 nghìn lượt, giảm 44,95%. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 2.079 tỉ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ. Tổng thiệt hại về doanh thu từ du lịch 4 tháng đầu năm 2020 ước khoảng 2.250 tỉ đồng.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế (ở giữa) cùng với lãnh đạo một số đơn vị thăm đại nội Huế dịp mở cửa trở lại

ĐÌNH TOÀN

Việc mở cửa các di tích trở lại cùng với chính sách miễn vé tham quan di tích song hành với  các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 sau cách ly xã hội, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang hi vọng sẽ kích cầu phát triển du lịch trở lại, trước mắt là thu hút khách nội địa, để dần đưa ngành kinh tế không khói, thế mạnh của Huế dần hồi sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.