Sáng 20.11, Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 8 tỉnh Đông Bắc, gồm: Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh với chủ đề “Kết nối tinh hoa” diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) với sự chứng kiến của 350 đại biểu, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các hãng hàng không để phục hồi ngành du lịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; các Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch 8 tỉnh, thành phố Đông Bắc cùng tham dự.
Cơ hội vàng để du lịch nội địa đơm trái ngọt
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, dưới tác động của đại dịch Covid-19 có hơn 1.500 doanh nghiệp lữ hành của TP.HCM và gần 200 doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh Đông Bắc bị tác động, phần lớn bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa.
|
Điều này đã cho thấy tác động của đại dịch Covid-19 là rất lớn, đòi hỏi các địa phương phải hành động ngay để đưa ngành du lịch sớm phục hồi. Trong đó, liên kết phát triển du lịch được xem là một trong những giải pháp cốt lõi, bền vững để từng bước khắc phục các khó khăn hiện nay.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, TP.HCM đã chủ động nâng tầm liên kết phát triển du lịch lên cấp địa phương, tháng 12 năm 2019 đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành Đồng bằng Sông Cửu Long; tháng 6 năm 2020 đã ký kết với 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ, và ngày 14.11 năm 2020 ký kết với 8 tỉnh Tây Bắc.
“TP.HCM với dân số hơn 9 triệu người, là đô thị hiện đại - sống động với hơn 300 năm tuổi, là một nơi mà mọi du khách đều mong muốn khám phá khi du lịch tại miền Nam. Sản phẩm du lịch chủ lực của TP.HCM là du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện, mua sắm, giải trí sẽ mở ra những cơ hội đầu tư tuyệt vời cho doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Khẳng định việc liên minh giữa các địa phương để kích cầu du lịch là biện pháp tối ưu nhất hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký mong muốn việc hợp tác giữa các địa phương phải đi vào thực chất và có hiệu quả.
“Ngay sau hội nghị này, các địa phương, doanh nghiệp cần tìm ra những cơ chế bền vững, có trách nhiệm, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh vì sự phát triển chung của đất nước để có các liên minh kích cầu, bổ sung cho nhau, cạnh tranh lành mạnh, khai thác từng sự khác biệt của địa phương”, ông Ký nói.
Trong khi đó, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, khu vực Đông Bắc cần liên kết với những trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam, trong đó có TP.HCM để nâng cao năng lực, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Và ngược lại, về phía TP.HCM, việc kết nối với các tỉnh thành có nguồn tài nguyên đặc sắc về văn hoá, tâm linh, ẩm thực và di sản như khu vực Đông Bắc cũng sẽ giúp đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tạo ra những trải nghiệm ngày càng chất lượng hơn, bên cạnh những thế mạnh mà TP.HCM đang khai thác rất tốt là du lịch hội thảo, ẩm thực, mua sắm và giải trí.
Muốn kích cầu du lịch cộng đồng phải an toàn
Sau khi nghe các ý kiến, tham luận của nhiều đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh sáng kiến của TP.HCM khi liên kết với các vùng, các địa phương. Đặc biệt Phó Thủ tướng nhận xét điểm yếu lâu nay của ngành du lịch là không phối hợp với nhau. Bản thân ngành du lịch đã là ngành tổng hợp, phối hợp với nhau giữa các khâu cần chặt chẽ.
“Quảng Ninh vừa phối hợp nội vùng với nhau, nay lại phối hợp với TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc, chúng ta sẽ chờ kết quả xem có tạo sức bật mạnh mẽ thế nào. Sự phối hợp này cần duy trì và các địa phương, các vùng cần đánh giá nhìn nhận lại. Nhắc lại Tây bắc muốn phát triển gì thì vẫn phải gìn giữ những giá trị văn hóa bền vững, lâu đời của du lịch. Chúng ta cần cố gắng khắc phục những gì ảnh hưởng đến thiên nhiên di sản” Phó thủ tướng nói.
|
Gởi mở cho các địa phương kích cầu du lịch Phó thủ tướng cho rằng công nghệ số hóa hiện nay là quan trọng và ngành du lịch nên quan trọng nhất là cần tận dụng tối đa công nghệ vào du lịch, làm sao để du khách "du lịch bằng "smart phone". Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, việc ứng dụng công nghệ vào du lịch sẽ có rất nhiều việc và khối lượng rất lớn nhưng cần phải: "làm ngay". "Ngành du lịch và vùng này chúng ta làm điểm nhấn ứng dụng công nghệ vào ngành du lịch. Số hóa toàn bộ sản phẩm du lịch, từ di sản, các điểm tham quan, nhà hàng khách sạn làm sao để khách đi du lịch có thể chủ động biết trước hết các thông tin về tour tuyến, các điểm du lịch, di sản".
“Trên đây là việc chúng ta phải làm thật nhanh để khi thị trường quốc tế trở lại thì đáp ứng được nhu cầu của du khách quốc tế", Phó Thủ tướng đề nghị.
Nhắc lại cảnh báo tại Hội nghị liên kết với Tây Bắc, Phó Thủ tướng yêu cầu: kích cầu, phát triển du lịch thế nào đi nữa phải gắng liền với an toàn. "Có lẽ hiếm khi đi xúc tiến du lịch mà các đại biểu thấy có Bộ Y tế. Chúng ta phải an toàn, không có cách nào khác”, Phó thủ tướng tái khẳng định.
Bên lề hội nghị, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh cho biết cũng kỳ vọng hội nghị liên kết lần này sẽ có mục tiêu kép: phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển KTXH để đảm bảo cuộc sống ổn định cho nhân dân tại địa phương với tiêu chí đảm bảo phòng chống dịch là quan trọng nhất. Là địa phương tuyến đầu trong phòng chống dịch Covid-19 vì có đường biên giới với Trung Quốc và cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, hàng ngày vẫn đón các chuyến bay đưa công dân về nước nên mục tiêu của Quảng Ninh là an toàn quan trọng nhất vì tính mạng, sức khỏe của nhân dân, du khách. Cơ sở du lịch, khách sạn, nhà hàng vẫn luôn tuân thủ 5K: khẩu trang, nước sát khuẩn, giữ khoảng cách, cách ly đảm bảo an toàn cho du khách và việc này vẫn được làm thường xuyên, liên tục.
Trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa Hiệp hội Du lịch TPHCM, Hiệp hội Du lịch các tỉnh Đông Bắc với các hãng hàng không; ký kết Thỏa thuận hợp tác du lịch giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch TPHCM và các tỉnh Đông Bắc.
Theo UBND TP.HCM, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo các tỉnh, thành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch của các vùng, tập trung vào các nội dung chính: công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch..., tất cả đều mong muốn và tin rằng ngành du lịch sẽ hồi phục thành công.
Bình luận (0)