'Dựa vào nhau mà sống' thời Covid-19

Đình Sơn
Đình Sơn
06/06/2021 11:21 GMT+7

Để thích ứng và tiếp tục chống chọi, phát triển trong giai đoạn khó khăn chung do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã áp dụng một số mô hình mới.

Tận dụng lợi thế của nhau

Thương vụ Masan mua 20% cổ phần của Công ty Phúc Long Heritage, cùng hợp tác phát triển mô hình ki-ốt Phúc Long tại VinMart+ mới đây là một ví dụ tiêu biểu của việc áp dụng mô hình này.
Theo đó, phía Phúc Long sẽ tiết kiệm được các chi phí thuê mặt bằng, nhanh chóng mở rộng được chuỗi hệ thống theo các điểm bán có sẵn của Vinmart+. Từ đó, Phúc Long có thêm thế mạnh để chiếm lĩnh thị phần, cạnh tranh hữu hiệu hơn với các đối thủ chính yếu.
Sự hợp tác này cũng có thể giúp VinMart+ thu hút thêm khách hàng từ nhiều phân khúc khác nhau, bao gồm cả giới trẻ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng của mình.
Mô hình này giúp các doanh nghiệp dùng các lợi thế của chính mình để bổ khuyết cho điểm bất lợi của đối tác và ngược lại. Trong trường hợp các cửa hàng Phúc Long không thể đón khách tại chỗ vì giãn cách xã hội, họ vẫn có thêm kênh tiêu thụ khác nhờ sự “chắp cánh” của hệ thống VinMart+. Trong khi đó, VinMart+ lại ghi thêm điểm cộng trong mắt các bạn trẻ, những người đóng vai trò quan trọng trong tệp khách hàng của Phúc Long. Do vậy, đây là mô hình mang lại lợi ích cho các bên tham gia.

Masan mua 20% cổ phần của Công ty Phúc Long Heritage

Ảnh: C.T.V

Tương tự, việc PNJ phân phối các sản phẩm của thương hiệu trang sức quốc tế Pandora trong hệ thống cửa hàng của mình sẽ giúp PNJ tối ưu hóa mặt bằng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao trải nghiệm khách hàng, tiết kiệm được nhiều chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận. Trong khi đó, sản phẩm của Pandora sẽ được “địa phương hóa” tốt hơn xét về mặt tiếp cận khách hàng Việt Nam, nhờ vào kinh nghiệm lâu năm của PNJ tại thị trường bản địa. Đây là những yếu tố mà các doanh nghiệp đều mong muốn có được trong thời điểm đầy khó khăn do đại dịch Covid-19 hiện nay.
Hay việc Thế Giới Di Động thử nghiệm bán xe đạp từ các thương hiệu RoyalBaby, Giant hay Fornix tại một số cửa hàng Điện Máy Xanh là "lai" giữa 2 mô hình nói trên. Mô hình này đang trở thành lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Để tương tác với khách hàng tiềm năng mọi lúc, mọi nơi có thể, trên mọi nền tảng, doanh nghiệp tích hợp đồng bộ các kênh “cửa hàng bán lẻ - trang web e-commerce - trung tâm chăm sóc khách hàng - mạng xã hội” vào một hệ thống quản trị chung.

"Đi chợ hộ" để duy trì doanh thu

Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Công ty Colliers Việt Nam, trong bối cảnh giãn cách xã hội ở một vài tỉnh thành như hiện nay, dịch vụ “đi chợ hộ” mà nhiều thương hiệu bán lẻ áp dụng đã đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Khách hàng đặt hàng qua ứng dụng, sản phẩm sau đó được vận chuyển đến tận cửa. Bằng cách này, các doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục duy trì doanh thu, thậm chí là tăng trưởng trong bối cảnh doanh nghiệp ở nhiều ngành kinh tế khác gặp vô vàn khó khăn.
Ông David Jackson, cho rằng đây là mô hình sẽ được áp dụng mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp trong thời gian tới đây do các ưu điểm vượt trội đến từ việc áp dụng công nghệ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không khó khăn để áp dụng mô hình này nếu hiểu biết quá trình cơ bản. Hiện các dịch vụ lưu trữ dữ liệu, xây dựng website, ứng dụng (app), trang đích (landing page) hay chatbot được rất nhiều bên thứ ba cung cấp với các tính năng tiện lợi và chi phí phù hợp.

Mô hình kinh doanh bán lẻ truyền thống đã có sự thay đổi để thích nghi và phát triển

Ảnh: Đình Sơn

Khi mà hành vi người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ, mua sắm online dần phổ biến, việc thay đổi các mô hình bán lẻ cùng với việc chú trọng các kênh “digital” sẽ giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng tốt hơn, tiếp cận và chăm sóc khách hàng hiệu quả hơn.
Đây đều là những bước đi phù hợp và sáng tạo của các doanh nghiệp để ứng phó với bài toán tiết giảm chi phí, duy trì doanh thu và thậm chí là vẫn có thể tăng trưởng trong đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.