Hãy để cho các cháu mỗi ngày đến trường là niềm vui chứ đừng để đó là sự sợ hãi.
Như Thanh Niên thông tin, một số giáo viên, cha mẹ học sinh phản ánh chương trình, sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1 mới còn gặp một số khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học. Trước thực tế này, Bộ GD-ĐT và các sở liên tiếp đưa ra các văn bản chỉ đạo nhằm không gây quá tải. Tuy nhiên, còn rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này.
Cải cách hay thách đố?
Nhiều bạn đọc (BĐ) đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét, điều chỉnh lại chương trình học, đừng gây khó khăn cho cả thầy và trò. “Thực tế các cháu còn khá nhỏ, mới vừa chập chững đến lớp mà phải tiếp thu một lượng kiến thức lớn sẽ dễ bị “ngộp”. Nhìn các nước phương Tây kìa, sách vở hay lý thuyết được hạn chế và chủ yếu là để các bé thực hành, trải nghiệm... Nếu dung nạp một lượng kiến thức lớn thì chẳng khác nào đang gây áp lực cho các bé. Thử hỏi đó có phải là điều kiện tốt để các bé phát triển không?”, BĐ Tất Bình ý kiến.
BĐ Đình Long phân tích: “Theo nguyên tắc vô lớp 1 là chưa biết đọc mà tuần 2 - 3 đã phải đọc được câu dài, đúng là đánh đố những bé chưa được học đọc trước khi vô lớp 1. Cải cách hay thách đố?”. Đồng quan điểm, BĐ Van Kim cho rằng: “Những người có trách nhiệm vẫn luẩn quẩn với việc làm sao để biết đọc, biết viết thật nhanh mà lại quên một điều não bộ trẻ lớp 1 không thể tiếp thu được nó, nếu không học trước (tức là phải trải qua một khoảng thời gian dài từ mầm non) thì các em không thể theo kịp”.
“Mới lớp 1 mà đi học quẩy cái ba lô tập sách đi muốn không nổi. Môn nào cũng có sách bài tập, giá thì quá cao, tôi không hiểu khuyến học ở chỗ nào”, BĐ Hoàng Khải bức xúc.
Hãy để trẻ vui thích đến trường
Nhiều ý kiến cho rằng trẻ em cần được dành nhiều thời gian cho hoạt động vui chơi bên cạnh việc học, vì chỉ có vừa vui chơi vừa học mới kích thích trẻ phát triển tư duy sáng tạo. Việc học luôn là cần thiết, nhưng nếu học quá nhiều khi còn quá nhỏ, trẻ sẽ bị khờ, giảm khả năng tư duy sáng tạo, chỉ biết làm theo chỉ dẫn... Học như vậy là hại trẻ.
“Học vội làm gì tiếp thu không kịp các cháu mau chán. Học chậm mà chắc. Để biết đọc biết viết không khó. Chính phương pháp học làm khó mình, đừng ép các cháu, mà học nhẹ nhàng sẽ tiếp thu nhanh không áp lực”, BĐ Văn Trung góp ý.
Trong khi đó, BĐ Trần Hải nêu ra vấn đề mà hiện nay không ít trẻ gặp phải: “Nhiều cháu không được học mẫu giáo thì sẽ làm sao với đống kiến thức “khổng lồ” này. Nếu không điều chỉnh kịp thời, môi trường học đường sẽ trở thành nỗi ám ảnh của các bé. Thử hỏi lúc đó trẻ có vui vẻ đến trường nữa hay không?”.
“Tôi không hiểu sao năm nào cũng thay đổi về vấn đề giáo dục, các nước trên thế giới đâu có vậy. Các em còn nhỏ lắm, đừng gây áp lực về vấn đề học tập. Phải để các em nhỏ vừa học vừa chơi và cũng để thầy cô có thời gian nghỉ ngơi nữa...”, BĐ Trúc Linh ý kiến.
Trời đất, trẻ con lớp 1 cần biết đọc biết viết đơn giản mà sao các ông soạn chương trình cho các cháu trở thành bác học sớm vậy?
Xuan Dien
Phải để những ngày đến trường của các bé là những ngày vui, có tinh thần sảng khoái thì mới học tốt chứ. Đâu thể bắt các bé “nạp” lượng kiến thức khổng lồ mà người lớn nghĩ là tốt cho các bé được.
Thành Long
Chương trình mới bắt đầu thực hiện trong năm học này đã có những vấn đề bất cập, Bộ GD-ĐT nên công khai kết quả thực nghiệm chương trình cho xã hội biết để giáo viên, nhân dân tin tưởng và yên tâm.
Trần Bình Luận
Bộ GD-ĐT cần lắng nghe tâm tư nguyện vọng của phụ huynh, thầy cô.
Văn Sang
|
Bình luận (0)