Dứt khoát không để xảy ra trường hợp như vụ Việt Á trong ngành giáo dục TP.HCM

Bích Thanh
Bích Thanh
25/08/2022 16:38 GMT+7

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, lãnh đạo TP.HCM đã có những chỉ đạo về việc thực hiện chương trình và SGK.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM trao bằng khen cho các tập thể ngành Giáo dục

ĐẠI DŨNG

Ngày 25.8, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2021- 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2022- 2023.

Tại hội nghị, UBND TP.HCM đã trao tặng bằng khen “Tập thể lao động xuất sắc năm học 2021-2022” cho 125 tập thể là các trường THPT, trường ngoài công lập có nhiều cấp học, trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDTX… đã có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của giáo dục thành phố.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Tạo môi trường trung thực trong giáo dục

Nhấn mạnh điều này trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 của ngành GD-ĐT TP.HCM sáng 25.8.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cần thẳng thắn nhìn thấy rằng kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đáp ứng với lòng mong mỏi của người dân và Thành phố này. Cứ mỗi năm trôi qua thì lại để lại một số nuối tiếc vì chúng chưa phát huy tiềm năng, điều kiện, thậm chí có lúc, có nơi còn bỏ lỡ những thời cơ có thể tận dụng để giảm bớt và khắc phục những khó khăn vốn có của Thành phố.

Bí thư Thành ủy đề nghị ngành giáo dục Thành phố quan tâm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ thị của Bộ GD-ĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022-2023 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và mục tiêu củng cố, đổi mới và nâng chất lượng đào tạo" thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT trong bối cảnh và thực trạng của Thành phố một cách linh hoạt, sáng tạo, chủ động ứng phó với dịch bệnh; phối hợp với các ngành, nhất là ngành y tế để chuẩn bị các phương án, kịch bản khi có dịch bệnh, không để bị động bất ngờ.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Thành ủy Thành phố cũng đề nghị cần quan tâm hơn nữa giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đến vấn đề quá tải tại các trường, lớp; vấn đề sách giáo khoa phải đảm bảo công bằng, khách quan, tạo điều kiện cho học sinh được nghiên cứu và học tập nhiều loại sách khác nhau, tránh tình trạng độc quyền; vấn đề học phí phải đảm bảo các khoản thu đúng pháp luật…

Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh các vấn đề chăm lo cho đội ngũ nhà giáo và xây dựng văn hóa học đường; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường cải cách hành chính trong ngành giáo dục; xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống gắn với chiến lược xây dựng văn hóa học đường …

Một vấn đề quan trọng, theo ông Nên, đó là tính trung thực của việc học. Chúng ta đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới tuy duy, đổi mới phương pháp tiếp cận và thậm chí cũng phải thay đổi mình. Sở GD&ĐT Thành phố nên có những tọa đàm, đối thoại, tính toán lại để tạo môi trường lành mạnh, trung thực trong giáo dục, tránh thành tích ảo.

"Đề nghị ngành giáo dục Thành phố xây dựng hệ thống tiêu chí gắn với công tác thi đua, khen thưởng. Thi đua phải thực chất, trung thực, nói thật, làm thật và chấm điểm thật thì phải có tiêu chí thật, có những thước đo thành tích đúng cho từng cấp, từng lớp, từng môn, từng tiết, từng học sinh, cụ thể thì chúng ta sẽ gạn được những giả dối, chọn lại được những trung thực để có sự thi đua đúng nghĩa", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM cho biết năm học 2022 - 2023, thành phố tiếp tục triển khai chương trình GDPT 2018, SGK mới theo lộ trình. Ngành giáo dục chủ động, tích cực thực hiện chuyển sang trạng thái bình thường mới theo phương châm “Đoàn kết kỷ cương, chủ động – sáng tạo, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục”; đồng thời trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 cụ thể như:

Tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.

Triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; tham mưu lựa chọn SGK đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; xây dựng và thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện tốt nhất chương trình như chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường…

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị

DŨNG ĐẠI

Lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo điều gì?

Tham dự hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá năm học vừa qua ngành giáo dục thể hiện sự năng động, sáng tạo, thích ứng trong hoàn cảnh đặc biệt. Và ông Mãi cho rằng không nên dừng lại ở đó, ngành giáo dục coi đó là thành tựu lịch sử, gắn với văn hóa, khi có thiên tai, địch họa thì mọi lực lượng cùng có sự đoàn kết rất mạnh mẽ để phát huy sức mạnh trong thời gian tới.

Cũng trong năm học 2021-2022, ngành Giáo dục đã ứng dụng công nghệ thông tin thì trong năm học mới cũng như trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để tiến tới Giáo dục số, Giáo dục thông minh, toàn diện.

Cũng qua đại dịch Covid-19, người đứng đầu chính quyền TP cho rằng các lĩnh vực nói chung, Giáo dục nói riêng thể hiện rõ điểm mạnh, điểm yếu. Vì vậy cần nhìn nhận, rà soát bổ sung ngay những điểm còn khuyết để phát triển toàn diện.

Đặc biệt, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, riêng về việc thực hiện lộ trình thay đổi SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Phan Văn Mãi lưu ý Sở GD-ĐT, cũng như phòng Giáo dục TP.Thủ Đức và các quận, huyện cùng các trường học phải thực hiện một cách minh bạch, dứt khoát không vì lợi ích nhóm, cá nhân để xảy ra trường hợp tương tự như vụ Việt Á xảy ra trong ngành giáo dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.