Ép học sinh học yếu không thi vào lớp 10: Chuyện năm nào, ở đâu cũng có?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
20/04/2022 16:14 GMT+7

Xung quanh việc phụ huynh học sinh lớp 9 có lực học không tốt “tố” bị một số trường ở Hà Nội ép không đăng ký dự thi vào lớp 10, nhiều ý kiến phản hồi cho hay chuyện này đã có từ nhiều năm và ở nhiều địa phương.

Dưới bài báo “Ép học sinh học yếu không thi vào lớp 10: Bộ GD-ĐT xử lý nghiêm nếu có”, nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên bình luận đều có chung một nội dung: “Chuyện xảy ra từ nhiều năm qua, ở đâu cũng có”, thậm chí có người gọi đây là "căn bệnh trầm kha" của ngành GD-ĐT.

Chuyện ép học sinh "yếu" không được thi vào lớp 10 xảy ra từ nhiều năm qua, ở đâu cũng có

Đậu tiến đạt

Cần bỏ tiêu chí đánh giá

Một bạn đọc nhưng cũng đồng thời kể về sự trải nghiệm của chính bản thân: "Là một giáo viên đang dạy lớp 9 ở TP.HCM, tôi có một số đồng cảm với nhà trường. Bệnh thành tích rất nặng nề. Trong quận luôn đưa ra chỉ tiêu trên 85% học sinh có đi thi lớp 10 trong quận để có thành tích so với các quận khác. Nếu trường nào có số học sinh đậu ít thì năm sau phòng giáo dục sẽ về dự giờ các giáo viên trường đó".

Cũng theo bạn đọc này, giáo viên chủ nhiệm luôn biết năng lực của từng em, có những em học yếu khi đi thi biết chắc không thể nào làm bài trên trung bình, sẽ ảnh hướng đến tỷ lệ của lớp và trường (và giáo viên đó sẽ được hỏi thăm). Chính vì vậy, giáo viên chủ nhiệm thường hướng những em đó đi học dân lập hoặc học nghề để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của trường và lớp.

Ngay cả kỳ thi học sinh giỏi trong trong thành phố cũng vậy, các quận luôn so kè thành tích với nhau để khi báo cáo tổng kết đọc ra quận mình trong top những quận có học sinh giỏi cấp thành phố nhiều nhất.

Do vậy, bạn đọc này đề nghị: sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT cần bỏ tiêu chí đánh giá các quận qua số học sinh đậu lớp 10 công lập, bỏ xếp hạng các quận mỗi lần đi họp (còn xếp hạng thì còn chỉ tiêu). Em nào muốn thử sức thì cứ thi, thi không đậu thì đi theo con đường khác vì có nhiều con đường để thành công. Bỏ việc đánh giá giáo viên chủ nhiệm qua số lượng học sinh đậu lớp 10 công lập, qua tỷ lệ từng bộ môn trên trung bình khi làm bài thi lớp 10 (vì là giáo viên dạy lớp 9 biết rõ có những em chắc chắn khi làm bài không thể nào trên trung bình)…

Theo một bạn đọc: "Bệnh thành tích" trong ngành giáo dục vốn đã thâm căn cố đế rồi. Lý do là thế này. Bởi ông sở Giáo dục cần có thành tích cuối năm để "báo cáo" thành phố. Tại sao cần có thành tích thì khỏi nói ra ai cũng hiểu. Ông sở bèn "dội chỉ tiêu" xuống ông quận (huyện). Ông trưởng phòng Giáo dục quận cũng vì "cái ghế" nên bèn "dội chỉ tiêu" xuống hiệu trưởng các trường trong địa bàn quản lý. Đến phiên ông hiệu trưởng cũng cần "thành tích" cho "cái ghế" của mình nên "dội chỉ tiêu" cho giáo viên chủ nhiệm. Đến phiên giáo viên chủ nhiệm vì "bệnh thành tích" bèn làm việc với phụ huynh. Cuối cùng nạn nhân là các em học sinh... Cái vòng luẩn quẩn này có từ lúc tôi còn làm việc... Không ngờ tới giờ vẫn "vũ như cẩn".

Bởi vì bệnh thành tích, cách tính là tỷ lệ thi đỗ vào lớp 10 công lập trên tổng số học sinh dự thi vào công lập, nếu đăng ký vào lớp 10 tư thục thì không tính. Hoặc tính tỷ lệ thi đỗ lớp 10 công lập trên toàn học sinh lớp 9 của cả trường thì khác. Chuyện tính thành tích kiểu này hình như là ở đâu cũng vậy.

Một phụ huynh có con học lớp 9 ở Hà Nội cho biết, đợt này con về bảo các cô kiểm tra "thi thử" vào lớp 10 liên tục. Đề của giáo viên tự ra theo hướng nâng cao quá khó so với đề thi, các con làm bài kém, tạo sức ép cho các con căng thẳng.

Phụ huynh chia sẻ chuyện con em bị "ép" không đăng ký thi vào lớp 10

chụp màn hình

Sau đó, dựa trên các kết quả này, giáo viên chủ nhiệm nói kết quả như vậy là “rất tệ” không thể đỗ vào trường công lập, tốt nhất là không thi, chọn một trường ngoài công lập xét tuyển hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên.

“Các con đã phải học trực tuyến cả gần năm học, chất lượng giáo dục không tốt, lẽ ra khi trở lại trường phải nhận được sự quan tâm, động viên của giáo viên để các con tiến bộ thì lại bị “dội nước lạnh” khiến các con rất tâm tư”, vị phụ huynh này cho hay.

Bộ GD-ĐT cần lập đường dây nóng thay vì nghe báo cáo

Một hiệu trưởng trường tư thục ở Hà Nội từng có “thâm niên” gắn bó với GD-ĐT, cũng chia sẻ với Thanh Niên: “Hiện tượng trên là có thật nhiều năm nay ở Hà Nội. Đó là “biểu hiện lâm sàng” của “bệnh thành tích”, nhất là các trường công lập. Hằng năm, Phòng GD-ĐT quận, huyện thống kê số học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 trường công (tương tự đỗ đại học công lập) để đánh giá “thành tích” của trường.

Phòng GD-ĐT đã “thống kê” thì trường THCS phải có “giải pháp thiết thực” để con số thống kê đó của trường mình được “đẹp”.

Do vậy, nhà giáo đề nghị nếu Bộ GD-ĐT thực sự muốn chấn chỉnh thì cần lập “đường dây nóng” để phụ huynh có con ở tình trạng đó phản ánh cụ thể. Giáo viên vì sức ép của nhà trường hoặc phòng GD-ĐT cũng có kênh để chia sẻ, nhờ trợ giúp và yêu cầu nhà trường chấn chỉnh. Có như vậy mới mong nhận được thông tin thật thay vì nghe báo cáo từ cơ sở.

Trước đó, Thanh Niên đã thông tin, tối 19.4, trên mạng xã hội lan truyền thông tin được cho là của dư luận phụ huynh học sinh và cả giáo viên THCS, phản ánh việc một số trường THCS có hình thức “hướng nghiệp” thô bạo, vi phạm quyền học tập của học sinh.

Cụ thể, một số trường THCS được cho là ở Hà Nội đã yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không thật tốt phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10 để không ảnh hưởng tới thành tích thi đua của nhà trường.

Thậm chí, theo phản ánh này, ban giám hiệu một trường THCS ở Q.Cầu Giấy gọi từng phụ huynh tới, dặn mang cả con theo để “họp”, có những lớp đến nửa sĩ số bị gọi đi “họp” để đưa ra yêu cầu này.

Sáng 20.4, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết: "Nhận được thông tin về việc một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.