Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, các tổ chức quốc tế và đông đảo người dân Ninh Bình đã tham dự lễ khai mạc.
Tỉnh Ninh Bình hi vọng Festival Tràng An kết nối di sản sẽ trở thành một thương hiệu văn hóa và là một sản phẩm du lịch mới của tỉnh này |
Ái Châu |
Nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, di sản văn hóa Ninh Bình nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế, tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival Tràng An kết nối di sản lần thứ nhất nhằm kết nối các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có di sản văn hóa tiêu biểu cùng tham gia với tinh thần giao lưu, chia sẻ và quảng bá đến đông đảo nhân dân cùng du khách trong và ngoài nước; mang di sản văn hóa ở mọi vùng miền, mọi quốc gia tiếp cận gần hơn với người dân và du khách; tạo mối liên hệ khăng khít, cộng cảm giữa các vùng, miền có di sản trong việc chung tay giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh các di sản văn hóa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ |
Ái Châu |
Tham dự Festival Tràng An kết nối di sản có 14 tỉnh, thành phố trong cả nước và tỉnh Udomxay (CHDCND Lào) cùng sự góp mặt của các hoa hậu là đại diện của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia Cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới tổ chức tại Việt Nam. Festival lần này bao gồm nhiều hoạt động mang tính kết nối và lan tỏa cao.
Thông qua việc tổ chức Festival Tràng An kết nối di sản, tỉnh Ninh Bình mong muốn đưa sự kiện này thành hoạt động văn hóa du lịch quy mô lớn, có tính chất thường niên, hướng tới xây dựng một sản phẩm văn hóa, một thương hiệu mới cho văn hóa Ninh Bình nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, tạo sự đoàn kết, gắn bó và hợp tác phát triển trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Các hoa hậu, người đẹp của nhiều nước đã tham dự lễ khai mạc |
Ái Châu |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tỉnh Ninh Bình được thiên nhiên và con người dành tặng nhiều di sản văn hóa giá trị tiêu biểu. Nói tới Tràng An, người Việt Nam đều tự hào với thời kỳ lịch sử rất đỗi hào hùng và đậm nét văn hóa của dân tộc. Núi là thành lũy, sông là chiến hào, hang động là nơi đồn trú. Tại nơi đây, vào thế kỷ thứ X, Đinh Tiên Hoàng Đế, vị Hoàng đế cờ lau đã khẳng định nền độc lập của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, ghi dấu mốc chói sáng về tinh thần độc lập, thống nhất tự chủ, tự cường của dân tộc ta.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival di sản Ninh Bình lần thứ nhất với tên gọi Tràng An kết nối di sản nhằm từng bước xây dựng thương hiệu văn hóa đặc sắc, sáng tạo trên nền tảng các giá trị văn hóa căn cốt của dân tộc thể hiện sức lưu truyền, lan tỏa tinh hoa văn hóa và tiếp thu văn hóa của thế giới, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước và các nước láng giềng anh em.
Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc đại diện cho các miền di sản đã được trình diễn tại lễ khai mạc |
Ái Châu |
Hi vọng, thông qua hoạt động và khuôn khổ của Festival này, Ninh Bình tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên xây dựng văn hóa con người, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và của vùng Cố đô Ninh Bình nói riêng. Đặc biệt, chú trọng các giải pháp để nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tham gia công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Sau phần lễ, khán giả đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Hoa Lư vang mãi ngàn năm". Chương trình nghệ thuật gồm 4 chương: Tinh hoa di sản Ninh Bình; Di sản văn hóa Bắc bộ; Di sản văn hóa Trung bộ và Tây Nguyên và Di sản văn hóa Nam bộ.
Các tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại lễ khai mạc có sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân dân gian chuyên nghiệp và không chuyên ở trong nước và quốc tế.
Từ thành công của Festival lần đầu tiên được tổ chức, Ninh Bình dự kiến sẽ tổ chức định kỳ 2 năm một lần theo quy mô quốc gia và vươn tầm quốc tế, trở thành thương hiệu văn hóa, di sản của vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử.
Bình luận (0)