Hợp tác văn hóa giữa UNESCO với Việt Nam là mẫu mực

06/09/2022 14:40 GMT+7

Bà Audrey Azoulay , Tổng giám đốc UNESCO cho rằng Việt Nam và UNESCO đã xác lập được tầm nhìn, thực hiện các cam kết về lĩnh vực văn hóa đã và đang rất thành công, thậm chí có thể gọi là mẫu mực.

Sáng 6.9, tại Quần thể di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình), Bộ VH-TT-DL phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Bình, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (1972 - 2022), với chủ đề “50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo”.

Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO phát biểu tại lễ kỷ niệm

Minh Hải

Tham dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc.

Phía UNESCO có bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO tham dự, cùng đoàn cấp cao của UNESCO.

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho hay: "Đến nay Việt Nam đã có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực, đóng góp các kinh nghiệm, sáng kiến để phát huy các giá trị của các di sản. Quá trình tham gia, Việt Nam đã xây dựng, ban hành các quy định về bảo vệ, phát huy các di sản, điều đó cho thấy Việt Nam rất chú trọng bảo vệ. Giai đoạn 2021-2025, UNESCO và Việt Nam ký kết bản ghi nhớ về bảo vệ di sản. Trải qua 35 năm thực hiện Công ước, công tác xây dựng, bảo vệ, quy hoạch, đầu tư để các di sản được bảo tồn, phát huy hiệu quả. Việt Nam cam kết sẽ thực hiện tốt các quy định của UNESCO về bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thế giới”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (thứ 3 từ trái sang) cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự lễ kỷ niệm

Minh Hải

Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO cho hay: “Kỷ niệm lần thứ 50 của Công ước di sản thế giới, có mục đích xác định và gìn giữ các di sản tự nhiên và di sản văn hóa đại diện cho các di sản chung của nhân loại. Lễ kỷ niệm chính là dịp để chúng ta cùng nhau đánh dấu mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa UNESCO và Việt Nam. Là một sự kiện có ý nghĩa biểu tượng, Việt Nam đã gia nhập UNESCO năm 1976, một năm trước khi Việt Nam trở thành một thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc”.

Bà Audrey Azoulay đánh giá, Việt Nam đã coi giáo dục là một ưu tiên và là một trong những động lực cho sự phát triển vượt bậc của quốc gia, và UNESCO sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để triển khai chiến lược giáo dục mới trong 10 năm tới.

Nói về quan hệ trong lĩnh vực văn hóa giữa UNESCO với Việt Nam, bà Audrey Azoulay cho rằng UNESCO và Việt Nam đã xác lập được tầm nhìn và cam kết tương tự trong lĩnh vực văn hóa - một lĩnh vực mà hợp tác giữa hai bên đã và đang rất thành công, thậm chí có thể gọi là mẫu mực.

Bà Audrey Azoulay cũng nêu những thách thức của Công ước 1972 với Việt Nam hiện nay đó là làm sao để dung hòa giữa du lịch và phát triển bền vững trong các di sản; và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng bà Audrey Azoulay tại lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Minh Hải

“Thách thức về biến đổi khí hậu đòi hỏi tất cả các quốc gia đều phải nỗ lực vượt qua, và Việt Nam đã quyết định đương đầu bằng cách áp dụng một chiến lược mới. Sự gián đoạn của biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học không chỉ là mối đe dọa với môi trường sống trên trái đất mà còn đối với cả văn hóa. Theo nghiên cứu mới nhất của IUCN, cứ mỗi 5 khu di sản thế giới thì đã có một khu mà rủi ro về biến đổi khí hậu là thực tế. Tất cả chúng ta phải hành động, và phải hành động nhanh. Chúng ta phải tăng cường nỗ lực nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu chung là bảo vệ 30% hành tinh của chúng ta vào năm 2030", bà Audrey Azoulay nói.

Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia công ước 1972 từ ngày 19.10.1987. Đến nay, Việt Nam có 8 di sản thế giới, gồm: Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình); Di sản văn hóa quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế), Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.