Để trở nên nổi tiếng trên TikTok nhiều người trẻ đã không ngừng sáng tạo, đổi mới nội dung. Một bộ phận mong muốn tạo nên độ nhận diện bằng cách bỏ thời gian, công sức để quay những video chất lượng thể hiện tài năng hay truyền tải những thông điệp tích cực. Ngược lại, có một vài cá nhân mưu cầu sự nổi tiếng đã bất chấp dư luận để tạo ra những việc làm gây tranh cãi, phát ngôn gây sốc. Điển hình cho việc làm này là kênh TikTok có tên “Food Hắc Ám” đã cho ra những video nấu ăn không giống ai.
Nhiều người cho rằng việc nấu: "chè bắp lòng gà", "sinh tố hột vịt lộn"...sẽ gây nên việc lãng phí thực phẩm vì chủ đích của người làm video là "câu view". |
CHỤP MÀN HÌNH |
Cố ý gây tranh cãi để nổi tiếng?
Mở đầu video nấu món “Chè bắp lòng gà” chủ kênh TikTok “chào hàng” câu nói “Chè bắp lòng gà nhà nhà điều thích” như một lời khẳng định đây là một món ngon. Với những nguyên liệu như lòng gà, hành tây, cà chua kết hợp với bắp, nước cốt dừa... chủ kênh TikTok “Food Hắc Ám” đã cho ra một món ăn khiến nhiều người khiếp sợ. Video nhanh chóng đạt hơn 270.000 lượt xem và hàng trăm bình luận tỏ ra phẫn nộ. Khi được tài khoản Huỳnh Như đặt câu hỏi: “Thế Food Hắc Ám có thấy phí không ạ?” thì chủ kênh đã để lại câu trả lời: “không nè, rửa đi rồi xào ăn với cơm ngon lắm”.
Món 'chè bắp lòng gà" khiến nhiều người rợn người được tài khoản "Food hắc ám" thực hiện. |
Chụp màn hình |
Chưa dừng lại ở đó kênh “Food Hắc Ám” còn liên tục cho ra các video làm những món ăn tăng dần mức độ kinh dị như: “kem tim gà”, “sinh tố hột vịt lộn”. Tuy không mang lại giá trị trong việc đóng góp, làm mới nền ẩm thực nhưng kênh TikTok này lại thành công trong việc thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem và vô số bình luận phẫn nộ.
Nguyễn Hoàng Khiêm, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Người xem nên tẩy chay những kênh có nội dung phản cảm như thế này. Rõ ràng mục đích của kênh TikTok này là gây tranh cãi, dậy sóng dư luận để nổi tiếng mà mọi người lại tương tác góp phần giúp tài khoản này đạt được mục đích. Mình nghĩ không nên lên án, hay vào những video ấy góp ý mà hãy bấm nút “chặn” là cách thể hiện quan điểm hiệu quả nhất ngay lúc này”.
Đồng quan điểm với Hoàng Khiêm, Châu Thúy Truyền (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM) bày tỏ những video của kênh “Food Hắc Ám” thật sự phản cảm và gây lãng phí thực phẩm. Truyền cho biết những món ăn như: “chè bắp lòng gà” hay “sinh tố hột vịt lộn” gần như không ăn được và sẽ bị bỏ đi sau khi quay video.
“Nếu chủ kênh có thật sự mong muốn nhận được sự chú ý, yêu quý từ cộng đồng mạng thì hãy suy nghĩ đến những nội dung văn minh và ý nghĩa hơn. Còn cách nấu ăn của bạn thật sự gây cảm giác như đang xem phim kinh dị”, Truyền chia sẻ.
Cần có kiến thức về ẩm thực trước khi sáng tạo ra món ăn mới
Đầu bếp Vũ Nhất Thông, Giám đốc Trung tâm Eric Vũ Cooking class, cho biết những video như vậy đa số được tạo ra để câu lượt tương tác, tạo sự tò mò chứ không có ý nghĩa tôn vinh hay sáng tạo ẩm thực. Ẩm thực truyền thống với sự sáng tạo đổi mới là không giới hạn, tuy nhiên phải đảm bảo phù hợp với văn hóa, tính dinh dưỡng, cân bằng yếu tố âm dương, thẩm mỹ. Ví dụ như rau răm là nóng (dương) được ăn với trứng lộn là mát (âm) thì ngon miệng, dễ tiêu hóa. Hoặc gừng là thứ gia vị nhiệt (dương) có tác dụng thanh hàn, giải cảm, khi nấu kèm với các loại thực phẩm như: cá, rau cải (kho cá, canh rau cải) là thực phẩm có tính hàn thì ăn rất thơm, ngon.
Theo đầu bếp Nhất Thông để sáng tạo ra một món ăn mỗi người cần tìm hiểu nguyên lý căn bản trong việc cắt thái, sơ chế nguyên liệu để đảm bảo về chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Cần lưu ý về thời gian và nhiệt độ nấu phù hợp cho từng loại thực phẩm, ví dụ như có những món ăn không được nấu quá lâu như rau xanh sẽ mất hết các vitamin (hòa tan trong nước).
Một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua, theo đầu bếp Nhất Thông là thuyết cân bằng âm dương trong thực phẩm được hiểu nôm na là những cái ở trong nước, trong đất là âm, những loại thực phẩm dễ thấy và được nuôi trồng trên mặt đất là dương. Ngoài ra, còn liên quan đến hệ phản quang mặt trời, nguyên tố âm là những loại thực phẩm có màu lạnh như xanh… còn nguyên tố dương là màu nóng như đỏ, cam… Một số loại thực phẩm sẽ không thuộc phạm trù này được xem là dạng trung tính, như cá hồi sống dưới nước nhưng thịt màu đỏ, trái ớt màu xanh nhưng có vị cay, nóng.
“Việc một số bạn trẻ nấu ăn để tạo trend trên TikTok mà không có sự nghiên cứu về nguyên liệu, dinh dưỡng sẽ làm ảnh hưởng đến văn hóa ẩm thực, gây nên sự tranh cãi, hiểu lầm và ấn tượng không tốt với bạn bè quốc tế khi trải nghiệm. Một món ăn được tạo ra không phải vì ngẫu hứng hay do sở thích cá nhân mà đó là sự cân bằng của nhiều yếu tố, đòi hỏi người làm bếp phải có kiến thức", anh Nhất Thông chia sẻ và ví dụ cụ thể như người ta lại chọn cá hồi, cá ngừ đại dương để ăn sống vì môi trường sống của cá dưới nước (âm) nhưng thịt màu cam, màu đỏ (sắc tố dương) có sự cân bằng âm dương nên có thể ăn sống được.
Bình luận (0)