Hết điện, xăng… lại đến nước tăng giá
UBND TP.HCM vừa công bố quyết định tăng giá nước sạch từ ngày 15.11.2019. Theo đó, mức giá nước trên địa bàn TP.HCM sẽ tăng trung bình 5 - 7% đều đặn từ năm 2019 - 2022. Thông tin này được đông đảo người dân quan tâm bởi nước sạch là nhu cầu thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt. Nhiều gia đình tỏ ra hoang mang khi điện, xăng, nước, thực phẩm,… tăng liên tục.
Ông Trần Văn Nhân (ngụ Q.Tân Bình) chia sẻ mới biết được giá nước tăng và đang cảm thấy lo lắng. Ông Nhân là chủ một xưởng nhuộm vải ở Q.Tân Bình (TP.HCM). Mỗi tháng, cơ sở của ông tiêu tốn từ khoảng 20 triệu đồng tiền nước. “Hết điện, xăng tăng giờ lại đến nước, tiền lo trả công nhân, máy móc nữa… chẳng lời lãi được bao nhiêu”, ông Nhân lắc đầu nói.
Bảng giá nước mới từ năm 2019 - 2022
|
Nước là nguyên liệu quan trọng trong quá trình nhuộm vải, chính vì vậy ông Nhân không thể tiết kiệm bằng cách giảm nước. “Ở các đợt tăng trước, tôi định dùng nước mưa hoặc nước giếng để sử dụng cho đỡ tốn nhưng lại bị cấm. Còn giờ xử lý nước để dùng lại thì không có kinh phí đầu tư máy móc. Nói chung giờ nghe tăng là chóng mặt, nhưng đành chịu, đến đâu hay đến đó”, ông Nhân thở dài.
Nhắc đến chuyện nước tăng, ông Nguyễn Văn Hoàng (65 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) nhăn mặt: “Hôm qua người ta đến thông báo tiền điện giá cũ để nửa tháng còn lại tính theo giá mới rồi. 15 giờ chiều 5.11 xăng cũng vừa tăng giá trong khi đến tháng 1.7.2020 lương mới tăng. Nhà giàu thì đỡ chứ dân nghèo thuê trọ thì sao?”.
Ông Hoàng cho biết, 5 người trong gia đình mỗi tháng sử dụng khoảng 30m3 nước, tương đương hơn 300.000 đồng/tháng. Nếu tính theo giá mới thì tiền nước tăng thêm khoảng 20.000 đồng. “Nhìn thì ít chứ nhiều tháng cộng lại, thêm các khoản khác nữa chứ đâu phải chỉ mỗi giá nước”, ông Nhân phân trần.
Bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết mỗi tháng hai mẹ con bà Thanh dùng hết khoảng 100.000 đồng tiền nước. “Tính theo giá mới nhà tôi phải trả thêm khoảng 6 ngàn đồng cũng không đáng là bao. Nói chung tăng giá thì không ai thích cả nhưng phải trả thôi”, bà Thanh nói.
Tăng mấy năm liên tục là ‘chưa hợp lý’
Để chi phí sinh hoạt không bị đội lên, người dân không còn cách nào ngoài tiết kiệm. Bà Nguyễn Thị Hoa (51 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết không chỉ nước, gia đình bà còn tiết kiệm cả xăng, điện,…
“Lương không tăng nhưng vật giá cứ leo thang thì sống tiết kiệm thôi. Ví dụ như rửa rau xong thì lấy tưới cây hoặc dùng để rửa sơ qua chén đũa rồi tráng lại bằng nước sạch. Không để vòi nước chảy… Điện thì tắt bớt đèn, đi ngủ sớm, dùng quạt thay máy lạnh…”, bà Hoa kể.
Tuy nhiên bà Hoa cho rằng có tiết kiệm cũng chỉ ở một mức độ nhất định. Đối với những thời điểm thời tiết ở TP.HCM quá nắng nóng, việc tắm hoặc giặt giũ nhiều lần là không thể tránh khỏi. Chính vì vậy tăng giá nước phải hợp lí để đời sống người dân được đảm bảo. “Tôi thấy tăng một năm thì được chứ tăng nhiều quá sao tiết kiệm được. Năm nào cũng tăng 5 - 7% có nghĩa năm 2022 cao hơn gần 20% so với năm nay rồi còn gì. Như vậy là quá cao, chưa hợp lý”, bà Hoa thẳng thắn nói.
Bên cạnh đó, anh Thanh Bình (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bày tỏ băn khoăn đối với vấn đề chất lượng nước, dịch vụ cấp nước... có tăng theo giá cả hay không. “Yêu cầu đơn vị cấp nước phải có cam kết cụ thể bởi những năm vừa qua, thỉnh thoảng có một số trường hợp chất lượng nước không tốt, đục, có màu lạ... Hơn nữa, thực tế hiện nay, như tôi là một người ở trọ có hợp đồng thuê từ 1 năm trở lên nhưng hầu như không được giá bán nước theo quy định. Cụ thể, người thuê khi ký hợp đồng với chủ nhà, nhưng phía cho thuê hầu như không chủ động đi xác nhận với chính quyền địa phương, dẫn đến người thuê trọ không được hưởng giá nước sạch theo quy định”, anh Bình bức xúc.
Đã từng ở trọ nhiều năm nên anh Bình tỏ ra có kinh nghiệm, anh cũng cho biết giá nước ở các khu trọ biến thiên vô chừng và cao hơn nhiều quy định. Đa số các phòng trọ sẽ khoán luôn cho người thuê mỗi tháng một khoản tiền nhất định.
“Đối với những phòng trọ tôi từng thuê giá nước từ 80.000 - 100.000 đồng/người. Thậm chí có trường hợp chủ nhà tính giá nước 40.000 đồng/m3. Vấn đề đó gây thiệt thòi đối với sinh viên, người lao động ở thuê, trong khi đối tượng này chiếm tỉ lệ không nhỏ ở TP.HCM. Vì vậy, giá nước tăng lên đồng nghĩa việc không ít trường hợp càng chịu thiệt thòi hơn nên việc quản lý cần thực hiện thế nào để kiểm soát vấn đề đó", anh Bình nói.
Bình luận (0)