Giải pháp bảo vệ người bệnh khi thuốc được bán online

27/06/2024 06:02 GMT+7

Chiều 26.6, thảo luận về luật Dược (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn chất lượng thuốc liệu có đảm bảo khi dự thảo cho phép kinh doanh thuốc bằng hình thức thương mại điện tử, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính trong quảng cáo thuốc.

Kiểm soát chặt chất lượng

Ngoài các loại hình truyền thống như hiện hành, dự thảo luật Dược (sửa đổi) cho phép kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) không đồng tình với đề xuất này, vì hiện nay "quản nhà thuốc truyền thống chưa nổi mà tính bán online" sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nhất là thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Vấn đề này cũng rất khó phát hiện và xử lý trên không gian mạng.

Giải pháp bảo vệ người bệnh khi thuốc được bán online- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí

Gia Hân

Theo bà Phong Lan, các quy định tại dự thảo luật về bán thuốc theo hình thức thương mại điện tử còn rất đơn giản, rời rạc, chưa đủ tính khả thi. Việc này chỉ nên cân nhắc khi nền pháp lý đã đủ chặt chẽ, được tổ chức trong khuôn khổ an toàn và trật tự hơn; còn như hiện nay là chưa chín muồi, công tác chuẩn bị chưa đầy đủ.

ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng việc mua hàng trực tuyến ở VN hiện "rất chưa ổn", người tiêu dùng thường xuyên mua phải hàng kém chất lượng. "Nếu là thuốc men điều trị, uống vào người thì quá nguy hiểm", ông Trí nói. Dù vậy, ông nhìn nhận đây là xu hướng lớn trên thế giới, rất khó cấm đoán. Ông kiến nghị chỉ cho phép bán thuốc trực tuyến đối với các nhà thuốc có uy tín, có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng; đồng thời có chuyên gia tư vấn, đội ngũ shipper phải được đăng ký, khi cần có thể liên hệ ngay…

Giải trình trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói thuốc là loại hàng đặc biệt, vì thế bên cạnh việc cho phép kinh doanh qua hình thức thương mại điện tử, dự thảo luật kèm theo nhiều điều kiện chặt chẽ khác. Quy định này chỉ áp dụng với các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống, tức là vẫn kiểm soát về điều kiện, cơ sở vật chất. Việc bán trực tuyến cũng chỉ cho phép đối với thuốc không kê đơn, chứ không phải tất cả các loại thuốc, nhằm kiểm soát chất lượng.

Đề nghị tiếp tục tiền kiểm quảng cáo thuốc

Vẫn theo dự thảo luật, các nội dung quảng cáo thuốc không cần được Bộ Y tế xác nhận như hiện nay, đồng thời thay đổi cơ chế kiểm soát từ tiền kiểm sang hậu kiểm. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị "rất nên cân nhắc" vấn đề này. Theo bà Nga, hiện dù đang duy trì cơ chế tiền kiểm nhưng hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng vẫn còn nhiều bất cập, nhiều quảng cáo phóng đại, gây nhầm lẫn, thậm chí lừa dối người tiêu dùng. ĐB đặt vấn đề nếu chuyển sang hậu kiểm, liệu chúng ta có quản lý được không.

Giải pháp bảo vệ người bệnh khi thuốc được bán online- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Gia Hân

Đồng quan điểm, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức (đoàn TP.HCM) đề nghị duy trì chế độ tiền kiểm, các nội dung quảng cáo thuốc phải được các sở y tế, Bộ Y tế cho phép hoặc xem trước, kiểm nghiệm trước khi được phát trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Giải trình về nội dung trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay theo quy định hiện hành, việc quảng cáo chỉ áp dụng với thuốc không kê đơn, nội dung quảng cáo phải đúng với giấy phép đã được Bộ Y tế cấp. Quy trình như vậy dẫn tới có thêm hoạt động xác nhận nội dung quảng cáo, đồng nghĩa phát sinh thêm thủ tục hành chính. Trong khi đó, tại Quyết định 1661/QĐ-TTg năm 2021, Thủ tướng đã có yêu cầu cắt giảm đối với thủ tục hành chính này. Dù cắt giảm, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định việc quảng cáo thuốc vẫn phải đúng nội dung đã được cấp phép, đảm bảo theo quy định, "chứ không phải không có xác nhận thì muốn đưa nội dung gì lên cũng được".

Bà Nguyễn Thanh Hải làm Trưởng ban Công tác đại biểu

Ngày 25.6, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành Nghị quyết về việc bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đối với bà Nguyễn Thanh Hải.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, giữ chức vụ Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Trước đó, cũng trong chiều 25.6, với 449/450 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết bầu bà Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.