Văn bản được đăng trên trang web của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch giải thích lý do vì sao hồ sơ đăng đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh của đạo diễn Trần Văn Thủy với cụm tác phẩm phim tài liệu: Những người dân quê tôi, Phản bội, Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế và Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai lại bị trượt.
Theo đó, lý do duy nhất được đưa ra là hồ sơ “không đạt đủ số phiếu đồng ý 80% của tổng số thành viên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước có mặt tại cuộc họp nên không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 133/2018 - CP của Chính phủ”.
Không ít người thấy buồn và thương cho Chuyện tử tế và Hà Nội trong mắt ai, những bộ phim có số phận vô cùng long đong của đạo diễn Trần Văn Thủy, nhưng lại là những hiện tượng của điện ảnh Việt những năm 80 của thế kỷ trước.
Hà Nội trong mắt ai từng được ví như phát nổ lớn, gây chấn động không chỉ với giới làm phim trong nước mà cả ngoài nước. Thực tình, đó không phải là một bộ phim xuất sắc về mặt đạo diễn, hay kỹ thuật làm phim. Ngay chính đạo diễn Trần Văn Thủy còn bảo, ông thấy ngượng khi xem lại. Nhưng Hà Nội trong mắt ai lại là bộ phim được đánh giá cao về mặt tư tưởng khi dám vạch ra những “khuyết tật” của xã hội đương thời, điều chưa có tiền lệ ở những bộ phim tài liệu nào được thực hiện trước đó.
Hoàn thành vào năm 1982, Hà Nội trong mắt ai sau đó bị cấm chiếu, còn Trần Văn Thủy bị theo dõi vì bị nghi ngờ có ý đồ xấu. Sau đó vài năm, Trần Văn Thủy lại tiếp tục làm Chuyện tử tế dù biết trước có thể sẽ gặp không ít điêu đứng. Chuyện tử tế là bộ phim về những mâu thuẫn nội tại trong xã hội qua những câu chuyện về thân phận của những con người nghèo khổ, bất hạnh.
Thế rồi, “nỗi oan” của Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế đã được hóa giải. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi xem Hà Nội trong mắt ai đã ngay lập tức ủng hộ bộ phim và đạo diễn. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là người đã ủng hộ đạo diễn Trần Văn Thủy làm bộ phim Chuyện tử tế, được coi như phần 2 của Hà Nội trong mắt ai. Năm 1987, cả 2 bộ phim được công chiếu và được khán giả đón nhận nồng nhiệt.
Hà Nội trong mắt ai đã nhận giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1988. Trước đó năm 1985, Chuyện tử tế đã nhận giải Bồ câu bạc tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig (Đức). Cùng với Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế, những bộ phim trong hồ sơ xét tặng của đạo diễn Trần Văn Thủy cũng nhận được giải thưởng điện ảnh lớn trong nước và quốc tế: Những người dân quê tôi giành giải Bồ câu bạc tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig (Đức), Phản bội đoạt giải vàng tại Liên hoan phim VN 1980, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai đoạt giải vàng tại Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 43.
Nhìn về danh sách hồ sơ xét giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm nay, nhạc sĩ Phú Quang là 1 trong 37 tác giả vượt qua vòng xét của Hội đồng cấp nhà nước. Năm 2011, ông từng bị trượt giải thưởng này vì cũng không đủ số phiểu bầu. Vợ nhạc sĩ Phú Quang là người đã làm hồ sơ xét giải thưởng cho nhạc sĩ trong năm nay khi ông đang trên giường bệnh.
Bà nói, nếu ông khỏe chưa chắc ông đã đồng ý với việc này. Và với ông bây giờ, mọi thứ không còn quan trọng nữa. Bà làm hồ sơ chỉ vì nhận thấy ông quá xứng đáng và muốn chồng mình được nhà nước ghi nhận. Bà tiếc rằng, giải thưởng nếu được trao lúc ông còn khỏe thì nhạc sĩ đã có nhiều động lực cống hiến hơn.
Qua thời gian, những tác phẩm của các nghệ sĩ đã được công chúng ghi nhận. Nhưng công chúng ở đây không còn là những người có quyền xét tặng, mà các hội đồng mới chính là những người nắm quyền “sinh sát” trong tay. Vậy nhưng, lý do bị "trượt" thường đơn giản chỉ là “không đủ phiếu bầu” của hội đồng.
Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã có văn bản trả lời thắc mắc của bạn đọc công khai. Nhưng tiếc rằng đó lại là sự công khai nửa vời, bởi vẫn còn quá nhiều những thắc mắc chưa có câu trả lời. Lâu nay, vẫn có chuyện không ít nghệ sĩ tên tuổi, tài năng, có nhiều cống hiến vẫn bị đánh "trượt".
Lý do bỏ phiếu hay không bỏ phiếu của hội đồng cũng cần minh bạch, rõ ràng mới phải!
Bình luận (0)