Giẫm đạp chết người ở Hàn Quốc: Phải học kỹ năng thoát khỏi đám đông hoảng loạn

31/10/2022 10:09 GMT+7

Sau vụ giẫm đạp làm hơn 150 người thiệt mạng ở Hàn Quốc , phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Tony Coffey là chuyên gia sơ cấp cứu làm việc tại TP.Sydney (Úc) và ông đã cho những lời khuyên cần thiết.

Đó là mọi người cần học để trang bị cho mình về kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sơ cấp cứu để bảo vệ bản thân khi gặp sự cố trong đám đông hoảng loạn.

Có người nói “Chưa từng học kỹ năng thoát hiểm”

Từng tham gia các sự kiện lễ hội đông người như: đón giao năm mới ở Phố đi bộ Nguyễn Huệ, đêm đại nhạc hội ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM... nhưng Hà Thị Xuân Hường, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết hầu như không để ý đến thông tin hướng dẫn thoát hiểm khi gặp sự cố.

Tương tự Lê Võ Duy Khiêm, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM nói: “Mình đã từng tham gia một sự kiện âm nhạc lớn có sự gia của hàng ngàn người do một hãng xe nổi tiếng tổ chức. Tại chương trình, mình không có nghe ban tổ chức hướng dẫn gì liên quan đến các kỹ năng thoát hiểm trước khi tham gia”.

Du học sinh Việt ở Hàn Quốc: “Mình thoát chết khi đến Itaewon chơi trễ giờ”

Còn Nguyễn Kim Bảo Trân, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho hay gần đây Trân có tham gia một sự kiện về quyền bình đẳng giới. Sự kiện có sự tham gia hơn 1.000 người được tổ chức tại một khách sạn, số lượng tham gia rất đồng nhưng không được ban tổ chức hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm, thậm chí còn không được chỉ dẫn cầu thang thoát hiểm ở đâu. Theo Trân, với sự kiện có số lượng người tham gia quá đông như thế thì những công tác liên quan đến thoát hiểm cần phải được chú trọng nhiều hơn và kỹ hơn.

Khi xảy ra sự cố đám đông hoảng loạn ở các nơi công cộng, đại nhạc hội về âm nhạc, lễ hội, nhiều bạn trẻ chưa biết cách thức thoát hiểm, bảo vệ bản thân.

Ảnh: Phúc Kha

Khi được hỏi rằng: "Bạn đã từng học các kỹ năng về thoát khỏi khi kẹt giữa đám đông hoảng loạn chưa"? Xuân Hường cho biết: “Mình chưa từng học kỹ năng thoát hiểm giữa đám đông. Trường hợp gặp sự cố hoảng loạn trong một chương trình, mình nghĩ bản thân cố gắng đứng vững và tìm cách thoát ra khỏi đó, không để mình bị té vì té sẽ dễ bị mọi người vô ý dẫm đạp lên”.

Giống với Xuân Hường, Duy Khiêm cho biết cũng chưa từng học tập thực tế kỹ năng thoát hiểm. Khiêm biết đến một số kỹ năng thoát hiểm thông qua các mạng xã hội chứ chưa được học tập thực tế.

Thừa nhận mình từng được học về kỹ năng phòng cháy chữa cháy hay đuối nước nhưng về kỹ năng thoát khỏi đám đông thì Bảo Trân chưa từng học. “Trước đây, mình từng nghĩ kỹ năng thoát khỏi đám đông là một kỹ năng không cần thiết, vì mình thấy rất ít trường hợp xảy ra. Nhưng sau vụ việc giẫm đạp ở Hàn Quốc, mình thấy kỹ năng này thật sự rất để đưa vào các buổi học kỹ năng ở trường”, Trân bày tỏ.

Người Việt Nam trở về từ thảm kịch Itaewon: Bàng hoàng, ám ảnh

Những "bí kíp" vô cùng hữu ích để bản thân an toàn trong hoảng loạn

Chuyên gia Tony Coffey, đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội kỹ năng sinh tồn SSVN (TP.HCM), nhìn nhận từ vụ giẫm đạp ở Hàn Quốc, khi bạn rơi vào tình huống đám đông hoảng loạn, việc bảo vệ bản thân trở nên rất khó khăn và đặc biệt khó hơn nếu bạn cũng đang cố gắng bảo vệ người khác.

“Trong tình huống người trẻ rơi vào đám đông hoảng loạn, hãy cố gắng làm chậm nhịp thở của chính bạn”, chuyên gia Tony Coffey nói.

Khi xảy ra sự cố đám đông hoảng loạn ở các nơi công cộng, đại nhạc hội về âm nhạc, lễ hội, nhiều bạn trẻ chưa biết cách thức thoát hiểm, bảo vệ bản thân.

Ảnh: Phúc Kha

Theo chuyên gia, nguyên nhân chính của cái chết trong các vụ giẫm đạp trong đám đông bao gồm ngạt thở, chảy máu, chấn thương và ngừng tim... Để bảo vệ bản thân, người trẻ cần bảo vệ ngực bằng cách sử dụng cánh tay của bạn, gập cánh tay lên trước ngực hướng về người phía trước cũng có thể có ích.

“Nếu bạn có thể tìm cách nương theo đám đông đến khu vực ít tắc nghẽn hơn cũng có thể hữu ích nhưng đẩy để đi lùi lại thường khó khả thi. Khi đám đông đang xô đẩy từ phía sau, điều quan trọng là bạn phải đứng thẳng và cố gắng hết sức để không ngã. Vì khi bị ngã trong đám đông thì hầu như không thể đứng dậy được và bạn có thể xảy ra đa chấn thương và chảy máu trong”, ông Tony Coffey hướng dẫn.

Ông Tony Coffey mong muốn các bạn trẻ nên tìm học về kỹ năng sơ cấp cứu để giúp bản thân và người khác khi cần thiết. Ông gợi ý: “Kỹ năng kiểm soát chảy máu và xử trí chấn thương cho bản thân và những nạn nhân khác trước khi xe cứu thương và sự trợ giúp y tế có mặt tại hiện trường có thể cứu sống bạn và những người khác. Trong trường hợp ngừng tim, bạn biết được kỹ năng hồi sinh tim phổi chắc chắn là hữu ích nếu không có chấn thương nặng nào khác có thể gây ra ngừng tim”.

Chuyên gia Tony Coffey chia sẻ kỹ năng bảo vệ bản thân khi chẳng may rơi vào sự cố giẫm đạp.

Ảnh: NVCC

Cũng theo ông Tony Coffey, những thảm kịch tương tự đã xảy ra nhiều trong quá khứ ở nhiều nơi khác nhau bao gồm sự kiện bóng đá tại Indonesia vừa qua. Tuy nhiên, loại thảm kịch này có thể được dự báo trước.

Ông Tony Coffey nói: “Điều quan trọng là các nhà tổ chức và cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành đánh giá rủi ro và xác định mối nguy trước khi sự kiện diễn ra và đưa ra các kế hoạch khả thi để loại bỏ rủi ro đó. Chúng ta không thể và cũng không nên để cho từng người trong đám đông tự nghĩ ra một kế hoạch thoát hiểm riêng khi sự cố xảy ra”.

Ông Tony Coffey khuyên người trẻ nên dành thời gian, có thể là khoảng 1 ngày, để học những chương trình đào tạo sơ cấp cứu mà bạn có cơ hội được thực hành. Tuy nhiên, nếu chưa có điều kiện học thực hành thì người trẻ có thể tìm hiểu ngay trước những kiến thức trên qua sách và internet. Khi tìm kiếm thông tin qua internet, cần chú ý chọn lọc thông tin từ những nguồn uy tín có trích dẫn nguồn có thể kiểm chứng rõ ràng, cẩn trọng với các thông tin với mục đích thương mại, 'câu' tương tác.

Ông Tony Coffey là chuyên gia sơ cấp cứu làm việc tại thành phố Sydney, Úc, ông phụ trách chuyên môn sơ cấp cứu cho vùng nội thành, vùng biển và 2 bệnh viện lớn tại Sydney. Ông trực tiếp tham gia công tác sơ cấp cứu, cứu hộ bờ biển và đào tạo về sơ cấp cứu, cứu hộ từ năm 1991 với vai trò là một chuyên gia cứu hộ chuyên nghiệp trong 10 năm qua và ông cũng là một tình nguyện viên cứu hộ hơn 20 năm qua.

Từ năm 2014, ông Tony Coffey cùng Bà Trang Jena Nguyễn cùng thành lập dự án Survival Skills Vietnam thuộc Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe cộng đồng (CCHS) với mục tiêu giảm tỉ lệ thương vong có thể phòng tránh tại Việt Nam thông qua giáo dục sơ cấp cứu. Từ năm 2018, dự án Survival Skills Vietnam chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội kỹ năng sinh tồn SSVN, ông Tony Coffey đóng vai trò cố vấn chuyên môn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.