Giám sát môi trường thông minh

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
08/11/2021 08:33 GMT+7

Đầu tư các hệ thống quan trắc môi trường tự động, truy vết ô nhiễm… là một bước trong lộ trình để TP. Đà Nẵng tiến đến việc giám sát môi trường và việc chấp hành pháp luật về môi trường từ xa.

Theo Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, trong lộ trình xây dựng “thành phố thông minh” ở lĩnh vực môi trường, TP hiện đã triển khai, kết nối hệ thống dữ liệu quan trắc của hơn 30 trạm quan trắc môi trường nước mặt, nước thải, khí thải của các đối tượng liên quan. Tất cả tích hợp về Nền tảng dịch vụ quan trắc môi trường của Sở TN-MT để theo dõi, giám sát tập trung, đồng thời lắp đặt thiết bị giám sát hành trình xe rác và hệ thống camera trên xe rác để theo dõi, giám sát chất lượng hoạt động thu gom rác.

Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.Đà Nẵng, cho biết để đồng hành cùng “thành phố thông minh”, một số doanh nghiệp đã sớm hưởng ứng lắp đặt các trạm quan trắc tự động thay cho quan trắc định kỳ thông thường, nhiều nhà máy lớn đã phát huy tính hiệu quả.

Hệ thống giám sát quan trắc tự động tại Trạm xử lý nước rỉ rác Khánh Sơn

N.T

Truy vết ô nhiễm

Từ năm 2019, Trạm xử lý nước rỉ rác bãi rác Khánh Sơn (Q.Liên Chiểu) đã được UBND TP.Đà Nẵng đầu tư 2 tỉ đồng, khi vận hành vào năm 2020 đã cho thấy tiến triển rõ rệt. Ông Hoàng Văn Tùng, đại diện Công ty CP Kỹ thuật Seen (đơn vị thiết kế thi công, quản lý vận hành trạm xử lý nước rỉ rác) cho biết trước đây việc kiểm soát chất lượng nước đầu ra rất khó. Khi người dân phản ánh kênh thoát nước có mùi, màu bất thường thì cơ quan chức năng mới lập đoàn kiểm tra; việc giám sát phải thực hiện định kỳ, lấy mẫu hằng tháng, liên tục, tốn kém chi phí nhưng hiệu quả không cao.

“Mức đầu tư 2 tỉ đồng không cao nhưng hiệu quả rất rõ rệt, các dữ liệu chỉ số quan trắc về độ pH, COD, độ màu, amoniac, lưu lượng, nhiệt độ cùng hình ảnh xả thải được truyền về Trung tâm CNTT Sở TN-MT. Lãnh đạo sở cũng giám sát trực tiếp qua thiết bị di động, rất thuận tiện quản lý, nâng cao công tác bảo vệ môi trường”, ông Hoàng Văn Tùng nói. Hệ thống quan trắc thông minh và camera giám sát còn giúp cơ quan chức năng loại trừ các nguồn xả thải khi xuất hiện dấu hiệu sự cố môi trường trên các kênh thoát nước, từ đó truy vết ô nhiễm hiệu quả.

Phó giám đốc Sở TN-MT Võ Nguyên Chương đánh giá, trong những năm qua, công tác quan trắc môi trường đã được đẩy mạnh từ các cấp, nhất là hệ thống quan trắc tự động, liên tục các yếu tố môi trường ngày càng được tăng cường, nhằm kiểm soát ô nhiễm, giám sát các hoạt động phát thải, cung cấp cơ sở dữ liệu để lập bản đồ dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường. Tuy nhiên, các nguy cơ gia tăng nguồn thải gây ô nhiễm không khí, nước, đất có xu hướng ngày càng gia tăng trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Tình trạng này đặt ra yêu cầu cần có các hệ thống giám sát, cảnh báo sớm (hiện trạng, diễn biến, mức độ ô nhiễm) để cơ quan quản lý có dữ liệu xử lý kịp thời; đặc biệt là từng bước công khai minh bạch chất lượng môi trường đến cộng đồng, người dân.

“Với chủ trương tiếp tục triển khai Đề án xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường giai đoạn 2021 – 2030, thành phố xác định tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc môi trường với các kỹ thuật công nghệ hiện đại, là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021-2025”, ông Võ Nguyên Chương nói.

Trong năm 2021 và 2022, TP mở rộng thêm 6 trạm quan trắc không khí, 4 trạm quan trắc nước biển, 5 trạm quan trắc nước sông, triển khai lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc tự động, liên tục tại 6/11 trạm xử lý nước thải (4/6 KCN và 2/5 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, các trạm còn lại đang đầu tư, hoàn thiện hệ thống quan trắc) và một số đơn vị hoạt động sản xuất có công suất xả nước thải >500 m3/ngày đêm. TP cũng thí điểm triển khai hệ thống giám sát môi trường nước tự động tại 4 hồ, theo dõi một số chỉ số chất lượng nước để phát hiện và cảnh báo sớm, xử lý kịp thời. Các trạm quan trắc này chuyển về nền tảng dữ liệu quan trắc tại địa chỉ quantracnuoc.centic.vn để người dân theo dõi giám sát.

N.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.