Chỉ tư nhân mới có thể tạo nên đại học tinh hoa?

Quý Hiên
Quý Hiên
04/11/2019 23:28 GMT+7

Trong cuộc tọa đàm về chủ đề đại học tinh hoa , TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng có lẽ chỉ có tư nhân mới "làm được đại học tinh hoa".

Ngày 4.11, tại Hà Nội, Dự án Trường đại học VinUni tổ chức cuộc trò chuyện với một số khách mời về chủ đề “Vì sao các quốc gia muốn phát triển cần có đại học tinh hoa”.
Tại tọa đàm, bà Lê Mai Lan, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup và GS Rohit Verma, Hiệu trưởng VinUni, chia sẻ về ước vọng đưa VinUni (dự kiến tuyển sinh từ năm 2020) trở thành một đại học tinh hoa, đào tạo ra những nhân tài của tương lai.
Theo bà Lê Mai Lan, mặc dù chúng ta đang sống trong bối cảnh robot thay thế dần cho con người trong lao động sản xuất nhưng thực tế cho thấy cả thế giới đang khát nhân tài. Bởi lẽ, nhân tài chính là những người có năng lực dẫn dắt, thậm chí có khả năng thay đổi vận mệnh cả quốc gia. Vì thế, không phải tự nhiên mà người ta nói rằng, cạnh tranh giữa các quốc gia hiện nay chính là cạnh tranh về nhân tài.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ước vọng xây dựng một đại học kiểu Harvard tại Việt Nam đã từng xuất hiện cách đây từ mười mấy năm, nhưng rồi trầy trật cả chục năm thì mới ra được hình hài một trường đại học theo mô hình đó (là trường Fulbright). Tuy nhiên, hành trình đó vẫn khó khăn vô cùng về mọi mặt mà một trường đại học tinh hoa cần phải có.
TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định, có lẽ chỉ có tư nhân mới làm được trường đại học tinh hoa, chứ khó mà đòi hỏi điều này ở nhà nước. Bởi nhà nước là nhà nước công nông, là phải chịu trách nhiệm cho tất cả mọi công dân Việt Nam nên không thể đòi hỏi nhà nước thúc đẩy xây dựng đại học tinh hoa, tập trung đầu tư cho giới tinh hoa. Nên việc xây dựng một đại học tinh hoa của Vingroup là một cố gắng rất to lớn.
Vấn đề ở chỗ là có thể đào tạo ra người tài, nhưng người tài chỉ phát huy được trong một môi trường văn hóa, một mô hình tổ chức xã hội nào đó. “Những người tài được đào tạo theo mô hình Mỹ có phát huy được trong môi trường văn hóa, mô hình tổ chức xã hội của Việt Nam hay không!”, TS Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi. 
Và ông tự trả lời: “Nếu người tài không có được một cái gắn kết với văn hóa, với môi trường xã hội ở Việt Nam, thì chưa chắc đã thành công. Làm thế nào để có sự gắn kết đó là nhiệm vụ của trường đại học. Tài là một chuyện, thúc đẩy nó vượt qua muôn vàn thủ tục, các thách thức, các chuyện tế nhị - không tế nhị, của hệ thống này thành công, là rất khó khăn”.
TS Dũng tỏ ý lấy làm tiếc vì VinUni chỉ hướng tới việc phát triển đào tạo 3 lĩnh vực trọng điểm là kinh doanh, công nghệ và khoa học sức khỏe. Trong khi đó, hiện nay chúng ta rất thiếu người tài trong lĩnh vực khoa học xã hội, mà đây lại là lĩnh vực rất quan trọng bởi nó thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Về vấn đế này, GS Rohit Verma nói: “Chúng tôi xác định 3 lĩnh vực mà Việt Nam rất cần rồi tập trung làm theo hướng đó. Sau khi thành công, chúng tôi sẽ phát triển ra các lĩnh vực khác mà khoa học xã hội sẽ là một ưu tiên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.