Dạy và học trực tuyến: Nơi hào hứng, nơi còn bộn bề khó khăn

06/09/2021 18:10 GMT+7

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 , nhiều tỉnh thành trên cả nước buộc phải tổ chức dạy và học trực tuyến . Tuy nhiên khi triển khai học đã bộc lộ không ít khó khăn kể cả khu vực thành thị lẫn nông thôn.

Hào hứng khi học trực tuyến

Khu vực các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đều đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều địa phương ở các tỉnh này phải tổ chức dạy và học trực tuyến cho học sinh (HS).
Tại Hà Tĩnh, ngày 6.9, hơn 121.000 HS ở 192 trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Tĩnh bước vào buổi học đầu tiên của năm học mới theo hình thức trực tuyến. Để thuận tiện cho HS, ngành giáo dục Hà Tĩnh chỉ đạo các trường cho HS khối THPT học vào buổi sáng, còn khối THCS học buổi chiều.
Việc giảng bài cho HS được các thầy cô của các trường thực hiện qua những đường truyền và các ứng dụng trực tuyến như: Zoom, Google meet, K12online…. Mặc dù việc dạy và học gián tiếp nhưng những giờ học đầu năm vẫn diễn ra hào hứng, sôi nổi.
Chia sẻ cảm xúc về tiết dạy học đầu tiên cho lớp 11A1 bằng hình thức trực tuyến, cô giáo Phan Thị Hồng Cẩm, giáo viên dạy môn văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (H.Đức Thọ, Hà Tĩnh), cho biết trước khi buổi học diễn ra, giáo viên chủ nhiệm đã lập một nhóm kín trên mạng xã hội facebook để thông báo lịch học cho HS và đọc tác phẩm văn học trước.
“Việc học trực tuyến thì tôi cũng chuẩn bị giáo án bằng các câu hỏi ngắn gọn, tạo tính tương tác giữa cô và trò. Quá trình dạy tập trung vào các nội dung cơ bản của tác phẩm để các em nắm rõ và nhớ lâu hơn. Mặc dù cả cô và trò còn chút bỡ ngỡ nhưng buổi học diễn ra với không khí cởi mở, vui vẻ”, cô Cẩm nói.

Một học sinh ở tỉnh Hà Tĩnh tỏ ra hào hứng khi học trực tuyến

PHẠM ĐỨC

Em Nguyễn Viết Duy Bảo, HS lớp 11A7 Trường THPT Cẩm Bình (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), nói rằng để chuẩn bị cho buổi học đầu tiên, em đã đọc kỹ các nội dung bài học. Vì thế, trong quá trình học tập, em đã tăng cường tương tác với các bạn, với cô giáo và lĩnh hội được những kiến thức cơ bản.
“Mặc dù có những lúc mạng internet không ổn định, đường truyền không tốt, nhưng rất may cô giáo bộ môn khắc phục được bằng cách hệ thống lại kiến thức buổi học gửi vào nhóm kín của lớp cho chúng em”, em Bảo chia sẻ.
Chiều nay, 147 trường THCS trên địa Hà Tĩnh bước vào những giờ học đầu tiên của năm học mới. Việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn, giữ vững chất lượng giáo dục đã được các trường THCS thể hiện qua những nỗ lực mua sắm, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cho các phòng dạy học trực tuyến.
Em Phan Hà Linh, học sinh lớp 6A Trường THCS Nguyễn Du (TP.Hà Tĩnh) ngồi ngay ngắn, mắt chăm chú vào chiếc máy tính để nghe giáo viên môn âm nhạc giảng bài. Bài hát “Em yêu giờ học hát” được cô giáo cất giọng khiến em Linh rất hứng thú.
“Bài hát đầu tiên được cô giáo dạy khiến chúng em rất thích thú. Mặc dù không được đồng ca trực tiếp với các bạn nhưng qua máy tính, chúng em vẫn có thể học và hát cho nhau nghe”, em Linh tâm sự.

Bộn bề khó khăn

Tại tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, việc dạy và học trực tuyến còn nhiều khó khăn, và rất khó để đảm bảo 100% HS có thể tham gia học trực tuyến.
Ngày 6.9, là ngày học đầu tiên, nhưng HS ở các huyện: Nông Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc, Mường Lát, TP.Thanh Hóa và một số địa phương khác không thể đến trường vì đang phải giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh lây lan.
Ở những địa phương (trừ H.Mường Lát) này, các trường đã tổ chức dạy và học trực tuyến, nhưng phát sinh không ít khó khăn về điều kiện học tập, nên nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến không đồng tình với cách học trực tuyến, đặc biệt là đối với HS tiểu học.

Những nơi có điều kiện kinh tế, nhưng lại khó khăn trong việc bố trí người theo dõi, hướng dẫn con học trực tuyến

PHÚC NGƯ

Đa phần ý kiến phụ huynh cho rằng không thể sắp xếp thời gian hỗ trợ con học do phải đi làm, đường truyền (mạng internet) yếu, thiết bị không đầy đủ, lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khi phải tiếp xúc nhiều giờ với máy tính, điện thoại hoặc tivi…
Một phụ huynh có con học lớp 1 ở TP.Thanh Hóa, cho hay: "Cháu chưa thể tự sử dụng thiết bị học, khi nào cô giáo dạy thì đều phải có bố hoặc mẹ bên cạnh, nên rất khó thu xếp thời gian vì còn phải đi làm".
Một phụ huynh khác có con học cấp 2 ở TP.Thanh Hóa cũng tỏ ra lo lắng dù con đã biết sử dụng thiết bị học trực tuyến: "Con nhà tôi cháu đã học cấp 2, đã biết cách mở máy tính để vào học. Nhưng khi cháu học vẫn cần người bên cạnh nhắc nhở, vì nếu không có bố, hoặc mẹ bên cạnh là cháu không tập trung lắm, thậm chí nhiều lúc cháu ngồi trước màn hình như kiểu đối phó”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc học trực tuyến chủ yếu do các trường chủ động xây dựng phương án, lựa chọn phần mềm học và tổ chức chương trình học. Do đó, có trường còn tổ chức học quá nhiều tiết (4 - 5 tiết học trong buổi sáng), tổ chức dạy nhiều môn khiến cho phụ huynh lo lắng con em họ sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, vì nhiều giờ liên tục ngồi trước máy tính, điện thoại, hoặc ti vi để học.
Ngoài các vấn đề trên, ở các địa phương khác nhau như khu vực đô thị, nông thôn, miền núi lại có những khó khăn rất khó để khắc phục.
Ông Lê Thành Đồng, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Thanh Hóa, cho biết TP.Thanh Hóa dù có điều kiện nhất trong tất cả các huyện, thị ở Thanh Hóa, nhưng đến nay số trường tiểu học trên địa bàn tổ chức dạy trực tuyến được cũng chỉ đạt 51%, THCS là 70%.
"Thành phố đang vận động mạnh thường quân giúp đỡ để hỗ trợ các cháu có máy móc học. Còn HS chưa thể học được thì giáo viên có thể in bài đưa đến cho các cháu học. Hôm sau, khi học trực tiếp sẽ phân loại HS không tham gia học trực tuyến được để bổ sung kiến thức cho các cháu. Còn về chất lượng giáo viên, thì thành phố đảm bảo 100% giáo viên đều sử dụng được các hệ thống công nghệ học trực tuyến. Và tất nhiên, khi học trực tuyến thì chương trình học cũng phải giảm xuống, vì sự tương tác của HS với giáo viên chậm hơn so với học trực tiếp", ông Đồng nói.
Tại H.Nông Cống (Thanh Hóa), là địa phương đang phải giãn cách xã hội, nên HS không thể đến trường. Từ ngày 6.9, HS (trừ bậc học mầm non) trên địa bàn huyện này đã được học trực tuyến, nhưng cũng chỉ có khoảng 70% (HS cấp tiểu học và THCS) HS có đủ điều kiện theo học, còn khoảng 6.000 HS chưa có đủ điều kiện.
"Khoảng 6.000 HS chưa đủ điều kiện học, tập trung vào những gia đình kinh tế khó khăn, hoặc gia đình có từ 2 - 3 con đi học, không thể một lúc có tiền đầu tư mua 2 - 3 máy tính được. Đó cũng là vấn đề nan giải nếu phải học trực tuyến kéo dài", ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng phòng GD-ĐT H.Nông Cống cho hay.

Không thể dạy trực tuyến ở huyện miền núi đặc biệt khó khăn

Riêng tại huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), là huyện khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, vẫn chưa thể tổ chức cho hơn 12.000 HS học trực tiếp (do ảnh hưởng của dịch bệnh) và cả trực tuyến. Theo ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mường Lát, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài phải giãn cách xã hội thì huyện này cũng không có điều kiện để tổ chức dạy trực tuyến, vì điều kiện kinh tế người dân đều khó khăn, và nhiều nơi không có mạng internet.

Không phải nơi nào cũng có điều kiện để dạy và học trực tuyến

PHÚC NGƯ

Còn tại tỉnh Nghệ An, ngày 6.9, các huyện miền núi của tỉnh này được nới giãn cách xã hội xuống Chỉ thị 19, đã bắt đầu tổ chức cho học sinh đến trường học trực tiếp. Các huyện, thị đang thực hiện Chỉ thị 15 và 16 học sinh bắt đầu vào năm học mới bằng hình thức dạy, học trực tuyến.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, việc học trực tuyến vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi nhiều gia đình không có máy tính, phải dùng điện thoại cho con học trong điều kiện mạng không ổn định, không có wifi.
Thầy giáo Lương Văn Bá, giáo viên Trường THCS Nghĩa Dũng (H.Tân Kỳ), cho biết buổi học trực tuyến đầu tiên của trường có khoảng 80% học sinh theo học. Dù đã được chuẩn bị từ trước nhưng nhiều phụ huynh vẫn loay hoay vì mạng 3G, 4G không ổn định. “Buổi học sáng nay, hầu hết chỉ có tiếng, mất hình vì mạng yếu. Việc kiểm soát học sinh vì thế cũng rất khó khăn”, thầy Bá nói.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT Nghệ An) cho biết, ngày đầu tiên dạy trực tuyến, sở nhận được một số trường hợp phản ánh bị nghẽn mạng. Điều này có thể từng bước khắc phục được. Cụ thể, trên hệ thống LMS hiện có 3 phòng học để sử dụng gồm Zoom, Google, Microsoft Team nhưng hiện nay đa phần giáo viên chỉ dùng phòng học Zoom nên dẫn đến hiện tượng nghẽn mạng là không tránh khỏi. Vì thế, Sở đề nghị các giáo viên nên chuyển sang nền tảng phòng học khác để việc học diễn ra thuận lợi.
Ngoài ra, có thể nghẽn mạng vì đường truyền mạng wifi không ổn định. Vì thế, khuyến cáo các giáo viên nên dùng đường mạng trực tiếp để giữ ổn định, đảm bảo cho việc giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh.
Cũng theo ông Dũng, tại các huyện miền núi Nghệ An, từ sáng nay đã được chuyển xuống giãn cách theo Chỉ thị 19 nên nhiều trường đã tổ chức cho học sinh đến trường trong điều kiện phải ngồi giãn cách. Dự kiến trong một vài ngày tới, các trường còn lại cũng sẽ mở cửa đón học sinh đến trường.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.