Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Khởi nghiệp không phải để tạo ra nhiều tỉ phú

05/10/2019 18:52 GMT+7

Phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, khởi nghiệp không phải để tạo ra nhiều tỉ phú mà quan trọng là khơi dậy sự sáng tạo của các em.

 Sáng 5.10, tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019 (SV-Startup 2019). Tới dự sự kiện có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng…
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau 2 năm triển khai, Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong mỗi nhà trường và có sự lan toả sâu rộng trong học sinh, sinh viên. Số lượng dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao.
“Nếu năm ngoái chúng ta có khoảng gần 200 dự án khởi nghiệp thì năm nay con số đó đã là 300. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp cũng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao hơn, kết nối tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho phong trào khởi nghiệp quốc gia. Đây là tín hiệu tốt”, ông Nhạ cho hay.

Các đại biểu nghe học sinh, sinh viên thuyết trình về dự án khởi nghiệp của mình

Ảnh BỘ GD-ĐT cung cấp

Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Nhạ, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 1665, trong đó chú trọng xây dựng các bộ tài liệu mang tính thực tiễn cao để nhân rộng kinh nghiệm khởi nghiệp của sinh viên; đồng thời, nhân rộng các tài liệu, đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa để nhiều người cùng được chia sẻ, đóng góp kinh nghiệm và kết nối với nhau tốt hơn.

Trường đại học cần có không gian làm việc sáng tạo

Tại ngày hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, triển khai Đề án 1665 không phải để tạo ra nhiều startup hay tỉ phú mà để trang bị kiến thức cho học sinh, sinh viên về khởi nghiệp, cao hơn nữa là tạo kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Cao nhất là rèn luyện tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, hun đúc và nhân lên tinh thần ấy.
Phó thủ tướng lưu ý: “Một trong những đổi mới rất căn bản là phương pháp dạy và học. Trường đại học bây giờ là nơi sáng tạo tri thức mới. Giáo dục phổ thông không phải truyền thụ một chiều mà khơi dậy sự sáng tạo, đầu tiên từ giáo viên rồi tới học sinh, để hình thành một lớp người không thụ động mà sáng tạo, dám nghĩ khác, làm khác trong khoa học. Và vì thế, chúng ta quyết tâm làm đề án này”.
Để tiếp tục triển khai Đề án 1665 cũng như thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đạo tất cả các trường đại học phải có ít nhất một không gian làm việc chung. Hiện nay đã có 70 điểm làm việc sáng tạo trong trường đại học nhưng con số này vẫn còn nhỏ so với số lượng các trường đại học.
Cho rằng việc kết nối giữa các trường với nhau, giữa nhà trường với doanh nghiệp, kết nối giữa các bộ, ngành để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đã có kết quả bước đầu, tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, vẫn còn nhiều việc phải làm để kết nối đó hiệu quả hơn. Hiện nay, chúng ta đã có nền tảng là Hệ tri thức Việt số hóa, những người đã tốt nghiệp đại học, những người có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài có thể cùng tham gia chia sẻ. 
"Chúng ta cần chăm chỉ, cần quyết tâm nhưng chưa đủ; sáng tạo là của cá nhân nhưng kết nối lại với nhau thì sáng tạo đó sẽ mang tới hiệu quả chung, tốt hơn, càng cổ vũ chúng ra sáng tạo được thêm những cái mới”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Gần 300 "dự án khởi nghiệp" của học sinh sinh viên
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên 2019 được tổ chức trong 2 ngày 4 và 5.10 tại Trường đại học Bách Khoa Hà Nội. Điểm nhấn của ngày hội là vòng chung kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2019.
Cuộc thi SV-Startup 2019 dành cho học sinh, sinh viên từ 16-24 tuổi, được tổ chức trên toàn quốc, với sự tham gia của hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT.
Cuộc thi được phát động từ tháng 6, đến nay đã nhận được gần 300 bài dự thi. Các bài thi gửi về khá chất lượng, đa dạng, tập trung vào tất cả các lĩnh vực: công nghệ, giáo dục, y tế, xã hội... Có 68 dự án xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.