Khoa hiện là sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mặc dù không học chuyên ngành liên quan đến sức khỏe nhưng do niềm đam mê nghiên cứu nên Khoa hay tìm tòi tài liệu để đọc và thiết kế.
Chuyển cử động mắt thành ngôn ngữ để giao tiếp
Khi tìm hiểu về bệnh nhân sống đời sống thực vật, Khoa thấy một số tài liệu chứng minh rằng người sống thực vật vẫn như người bình thường, chỉ là không thể giao tiếp được. Thế là anh chàng đặt mình vào vị trí của bệnh nhân và cảm nhận được họ sẽ rất khó chịu khi phải sống như vậy, nên từ đó trong đầu đã nghĩ phải làm một sản phẩm gì đó để có thể giúp người bại liệt giao tiếp. Tuy nhiên vì lịch học còn nhiều nên Khoa chưa phát triển được dự án.
“Nhưng cho đến một lần, em gặp được 2 đứa nhỏ có mẹ là người sống thực vật, thấy rằng mơ ước của 2 em nhỏ thật đơn giản đó là biết được mẹ có đang lạnh không, có đang đói không nhưng vẫn không thể được. Điều này khiến em không thể chậm trễ hơn được nữa mà lập tức bắt tay vào làm dự án”, Khoa nhớ lại.
|
Khoa cho biết hệ thống giúp người bệnh có thể giao tiếp cơ bản với người nhà như trả lời những câu hỏi có hoặc không, yêu cầu người nhà đi vệ sinh hoặc gọi người nhà đến bên cạnh. Ngoài ra, hệ thống giúp người nhà có thể theo dõi tình trạng bệnh nhân như nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ qua điện thoại, cũng như lấy những tín hiệu này để phục vụ cho chức năng dự đoán sức khỏe bệnh nhân bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.
“Nhiều người nghĩ khi sử dụng chắc phải đeo gắn thiết bị cồng kềnh và gây phiền phức, nhưng thiết bị của mình thì tách biệt hoàn toàn, tức là không chạm vào người dùng. Theo đó, hệ thống được thiết kế gồm một màn hình giao diện, kích cỡ của màn hình sẽ tùy vào vị trí chăm sóc bệnh nhân, tương đương với màn hình máy tính bảng hoặc máy tính bàn. Người bệnh chỉ cần nhìn vào giao diện, camera sẽ ghi lại, và chuyển thành câu trả lời”, Khoa lý giải về nguyên lý hoạt động của hệ thống.
Hiện nay dự án chỉ mới thử nghiệm đã người bình thường, vì mắt của bệnh nhân cũng như mắt người thường và kết quả cho thấy việc chọn thao tác, giao tiếp rất dễ dàng, đơn giản.
“Dự án tin tưởng có thể hỗ trợ giúp người bệnh có thể giải tỏa những suy nghĩ của mình. Giúp cho người nhà có thể chăm sóc bệnh nhân một cách dễ dàng hơn, nhất là trong vấn đề vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, dự án có thể giúp khả năng hồi phục của bệnh nhân cao hơn”, Khoa tâm đắc.
Nghiên cứu để giúp ích cho cuộc sống
Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, nhưng với đề tài này Khoa cũng gặp rất nhiều khó khăn.
“Vấn đề lớn nhất của một sinh viên khi làm dự án đó là thời gian. Đề tài này đã được em suy nghĩ rất lâu, nhưng vì thời gian học ở trường khiến em không thể triển khai nhanh chóng được. Ngoài ra vấn đề kinh phí cũng khiến em gặp khó khăn trong quá trình thử nghiệm”, Khoa bày tỏ.
Đặc biệt hơn, đây là dự án về con người, Khoa lại là sinh viên kỹ thuật, không có chuyên môn y học nên phải tự tìm hiểu về lĩnh vực Y. Khi đi đến bệnh viện để xin quan sát bệnh nhân cũng gặp khó khăn vì không phải trình độ chuyên môn nên không được phép tiếp xúc…
“Trong quá trình thực nghiệm, em đã đến Bệnh viện Gò Vấp để tìm kiếm bệnh nhân nhưng vẫn chưa tìm được bệnh nhân phù hợp để có thể thực nghiệm thiết bị của mình một cách chính xác. Nên tới đây, dự án mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan để có thể tìm kiếm bệnh nhân tại nhiều bệnh viện hơn”, Khoa chia sẻ.
|
Đặc biệt hơn, đây không phải là dự án đầu tiên mà Khoa nghiên cứu vì Khoa đã bắt đầu nghiên cứu từ lúc còn là học sinh. “Đặc điểm chung của các dự án em nghiên cứu là đều hướng về cộng đồng, muốn bảo vệ tính mạng cho mọi người. Đó là mục tiêu của em từ lúc bắt đầu vào con đường nghiên cứu khoa học, vì em luôn mong muốn sử dụng khoa học, công nghệ để giúp ích cho xã hội, cho cuộc sống”, Khoa gửi gắm.
Mới đây Hệ thống giúp người bệnh nhân bại liệt giao tiếp đã đạt giải đồng của giải thưởng Thiết kế, chế tạo, ứng dụng 2019 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức. Ngày 21.11 tới đây, Khoa này sẽ tiếp tục tranh tài tại vòng chung kết cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2019.
Bình luận (0)