Nữ đạo diễn 92 tuổi khuyên người trẻ: 'Không sân si, sống bao dung sẽ hạnh phúc'

Lê Nam
Lê Nam
27/02/2021 16:30 GMT+7

Ở tuổi ngoài 90, nữ đạo diễn Xuân Phượng vẫn hằng ngày điều hành phòng tranh, viết sách, cập nhật thông tin trên mạng xã hội . Bà chia sẻ bí quyết để tâm an và sống thọ, làm việc tốt như vậy là nhờ học cách bao dung.

Ngồi trước mặt chúng tôi, nữ đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, năm nay đã 92 tuổi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Mái tóc bạc trắng phủ lên khuôn mặt hồng hào, có chút đồi mồi toát lên đầy vẻ nghệ sĩ. Nói về bí quyết sống khỏe, làm việc hăng say ở tuổi xưa nay hiếm, nữ đạo diễn vui vẻ nói: Rất nhiều người trẻ hỏi tôi “sao bà này đã ngoài 90 tuổi rồi mà ngồi được mấy tiếng đồng hồ không đau lưng?”. Rồi là “trí óc vẫn không bị ảnh hưởng nhiều?”. Cái chính của mình là mình bao dung dần dần. Tập thở, tập dần dần, người mình tự nhiên “ngoan” lại.

Nữ đạo diễn U100: Không sân si, sống bao dung sẽ hạnh phúc

Bí quyết sống hạnh phúc

Để duy trì sức khỏe, đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ có được nhờ thói quen tập hít thở, tập yoga mà bà tự rèn cho mình từ năm 35 tuổi. Nhưng quan trọng hơn hết, để tâm trí nhẹ nhõm, bà khuyên nhủ các bạn trẻ hãy tập cách sống bao dung hơn mỗi ngày.
“Ngày nào tôi cũng tập yoga, massage. Mà cái chính của mình là mình tập bao dung. Lúc đầu tôi cũng sân si lắm, gặp ai tôi cáu là cáu, rồi hằn học, ghét bỏ mọi người như người bình thường khác. Nhưng tự nhiên mình tập yoga, mình tập thở dần dần cái người mình “ngoan” lại. Có cái bao dung tự dung người nó bớt nặng nề lại. Ví dụ như mình ghét ai mình thấy họ là mình ghét rồi. Mà người kia họ có biết đâu, thế là mình nhận cái “quả” từ cái “nhân” mình làm đấy, trong lúc mình hằn học. Tập dần dần rồi sự buông thả nó đến với mình và mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Người già thường khó ngủ mà mình tập an được thì ngủ được là tự nhiên khỏe ra”, cụ bà cười tươi tắn.

"Không sân si, sống bao dung tự khắc sẽ hạnh phúc"

Lê Nam

Hơn 30 năm qua, sau khi về hưu, đạo diễn Xuân Phượng tìm cho mình sở thích mới là làm phòng tranh. Không chỉ để tạo thêm thu nhập mà quan trọng hơn, bà muốn dùng nghệ thuật làm phương tiện giới thiệu một Việt Nam năng động, phát triển với bề dày lịch sử nghìn năm đến bạn bè quốc tế.
“Giới thiệu về tranh ảnh của Việt Nam ra nước ngoài để họ thấy rằng Việt Nam có một nền văn hóa rất đáng kính trọng. Và tôi chọn những họa sĩ trẻ, những người chưa ai biết đến, những người chưa có nhiều tên tuổi nhưng mà tôi biết rằng, dưới mắt tôi, họ có triển vọng nên tôi mạnh dạn đưa họ ra nước ngoài. Nói thật là năm nay đã 92 tuổi rồi, nhưng mà mỗi lần bước vào phòng tranh, tôi vẫn cảm thấy rất là hồi hộp, rất là vui vẻ...”.

"Cuộc đời phi thường của một người phụ nữ bình thường"

Nữ đạo diễn, nhà văn, nhà sưu tập tranh Xuân Phượng là cái tên không còn xa lạ trong giới nghệ thuật trong nước lẫn quốc tế. Ở tuổi ngoài 90, bà vẫn hằng ngày điều hành phòng tranh, viết sách, cập nhật thông tin trên mạng xã hội.
Tháng 10.2020, để bạn đọc Việt Nam hiểu được một Việt Nam gian nan, hào hùng và tử tế qua lát cắt cuộc đời của chính mình, nữ đạo diễn U.100 ra mắt cuốn hồi ký “Gánh gánh... gồng gồng...”.
Những trang viết lần này vừa là những trải lòng đầy đủ hơn với độc giả, so với cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp “Áo dài” xuất bản cách đây gần 20 năm, vừa như câu trả lời mà bà chưa bao giờ dám đối mặt với mẹ mình trước câu hỏi “Sao con ở lại Việt Nam làm gì để cuộc sống khổ cực như thế này?”
“Lý do tôi chưa viết là vì nghĩ rằng trường hợp của tôi chỉ là một trong hàng triệu triệu người đàn bà Việt Nam rất đáng đưa lên, giỏi hơn tôi nhiều. Thế rồi tháng 3.2020 dịch Covid-19 bùng phát, bắt buộc mọi người phải ở nhà, mà tôi là chân đi mà nên khó chịu lắm! Thế là tôi mới nói với một đứa cháu, Diệp Liên, bà kể chuyện và con đánh máy”, bà chia sẻ.

Nữ đạo diễn tài danh Xuân Phượng vẫn hằng ngày điều hành phòng tranh, viết sách, cập nhật thông tin trên mạng xã hội mặc dù đã 92 tuổi

Lê Nam

“Tôi viết theo dạng tâm sự. Và cho giới trẻ hiểu được một cuộc chiến đấu như vậy không phải là hoa hồng, không phải chỉ trải hoa mà có rất nhiều đá tai mèo, đi lên là đứt chân. Nhưng mà người ta vẫn đi, vẫn bước qua những cái xấu xa đã gặp phải. Và hồi ký có sức thuyết phục thì phải kể sự thật. Sự thật mới làm rung động được người ta, chứ không phải là lời văn, không phải là cảnh đẹp mỹ miều. Không phải lược bỏ những gì vấp váp đi để chỉ nói toàn màu hồng. Nên trong cuốn sách của tôi, tôi muốn kể lại những góc chân thực ấy”.

Mới đầu năm nhưng lịch làm việc gần như kín nguyên tháng của bà

Lê Nam

Cuốn hồi ký để lại kinh ngạc cho độc giả và cộng đồng văn chương bởi sự chi tiết tỉ mỉ, dày dặn của những câu chuyện. Tác giả 92 tuổi gần như kể lại vanh vách tên nhân vật, thời gian, địa điểm và kỷ niệm trong cuộc đời và nghề nghiệp của mình.

Tác phẩm vừa ra mắt đã dành nhiều giải thưởng văn học, giúp người trẻ hiểu thêm cuộc đời phi thường của một người phụ nữ bình thường

Lê Nam

“Gánh gánh... Gồng gồng...” cũng liên tục nhận được các giải thưởng văn học. Giúp giới trẻ hiểu thêm cuộc đời phi thường của một người phụ nữ bình thường, thoát ly hạnh phúc cá nhân để theo cách mạng, theo đuổi nghệ thuật, giới thiệu Việt Nam giàu bản sắc đến bạn bè năm châu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.