Giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh, bền vững

Mai Hà
Mai Hà
04/01/2023 06:13 GMT+7

Sáng 3.1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của T.Ư, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đến dự hội nghị.

Năm 2023 phải đạt nhiều thành tích, tiến bộ hơn 2022

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư nhắc lại tại hội nghị năm 2021 đã nêu mong muốn và chúc “Chính phủ, chính quyền các cấp cố gắng, nỗ lực phấn đấu để năm 2022 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021”. Tổng kết đánh giá, nhìn lại năm 2022, Tổng Bí thư đánh giá: “Năm 2022, chúng ta đã cơ bản đạt được điều mong ước và lời chúc đó”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Nhật Bắc

Theo Tổng Bí thư, về tổng thể năm 2022 đã hoàn thành và vượt mức 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam là điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng, tiếp tục được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, như các vụ xử lý các sai phạm liên quan đến Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao...

Tổng Bí thư nhắc nhớ 3 bài học đã rút ra từ các hội nghị trước, gồm: kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 35 năm đổi mới và những kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tranh thủ được sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, nhân dân...

Bài học mới (bài học thứ 4) của năm nay là nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo; chủ động, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình; kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề; việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; thích ứng linh hoạt với các tình huống mới phát sinh; chú trọng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thời cơ để phục hồi, phát triển KT-XH nhanh và bền vững hơn.

Nhấn mạnh 2023 là năm thứ 3, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư lưu ý cần chủ động đối với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn, thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được. Vì mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và cả nhiệm kỳ khóa XIII là rất cao, trong khi đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn.

Bài học mới của năm nay là nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo; chủ động, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình; kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề; thích ứng linh hoạt với các tình huống mới phát sinh; chú trọng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ mọi thời cơ để phục hồi, phát triển KT-XH nhanh và bền vững hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo đó, cần tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế, để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương xử lý, khai thông việc cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố

Nhật Bắc

Chấn chỉnh tư tưởng “bàn lùi, làm cầm chừng, giữ an toàn”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ T.Ư đến địa phương; xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước.

Năm 2022 GDP tăng cao nhất trong 10 năm

Báo cáo công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2022, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%; tăng trưởng GDP đạt 8,02% - mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách. Đồng thời chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. “Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm. Tất cả chúng ta, nhất là những người trực tiếp làm công tác tổ chức cán bộ, phải có tấm lòng trong sáng, có con mắt tinh đời”, Tổng Bí thư nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn: “Năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022”.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ lĩnh hội đầy đủ, quán triệt sâu sắc và nghiêm túc bằng những hành động cụ thể, sản phẩm rõ ràng, thiết thực, lượng hóa được.

Năm 2023 tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững

Gia Hân

Đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải hiệu quả

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại năm 2022 tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Hàng loạt tác động từ bên ngoài như: đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát tăng cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ; suy giảm tăng trưởng, nguy cơ suy thoái kinh tế... gây sức ép lớn tới điều hành vĩ mô trong nước.

“Năm 2022, cùng một thời điểm nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Thủ tướng nhấn mạnh.

11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Chính phủ xác định 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành; 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với 142 nhiệm vụ.

Trong đó, một số nhóm nhiệm vụ nổi bật gồm: tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu DN, chứng khoán, bất động sản; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, chú trọng khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới.

Xác định năm 2023 là “Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia...

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; tập trung triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội...

Theo đó, tiếp tục triển khai hiệu quả chiến lược vắc xin, chúng ta đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 và từ giữa tháng 3.2022 đã mở cửa toàn bộ nền kinh tế với tinh thần phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Đặc biệt, vừa ứng phó kịp thời, hiệu quả các vấn đề cấp bách, phát sinh, diễn biến nhanh, khó lường, khó dự báo; vừa tập trung giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, khó khăn, nhạy cảm kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ. Trong đó, xử lý 6 ngân hàng yếu kém, 8/12 DN, dự án thua lỗ...; quyết tâm, quyết liệt chấn chỉnh, lành mạnh hóa các thị trường tín dụng, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản.

Kết quả đã đạt và vượt 13 chỉ tiêu, xấp xỉ đạt 1 chỉ tiêu và chưa đạt 1 chỉ tiêu trong số 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu do T.Ư, Quốc hội giao; có nhiều điểm sáng đáng mừng về quy mô GDP; thu nhập bình quân đầu người; kim ngạch xuất, nhập khẩu; xuất khẩu nông sản; thu ngân sách nhà nước; vốn FDI thực hiện; số DN thành lập mới…

Dù vậy, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và thách thức, như: sức ép lạm phát, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; các thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; thanh khoản của một số tổ chức tín dụng yếu kém gặp khó khăn.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”. Tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hóa được cụ thể, rõ ràng, “cân đong, đo, đếm được”; tranh thủ thời cơ, vận hội, “biến nguy thành cơ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.