Gò Vấp những ngày giãn cách

05/06/2021 06:23 GMT+7

Sau 5 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng , người dân Gò Vấp đã dần quen với nếp sống mới, không còn cảnh chen chúc dưới nắng chờ qua chốt như ngày đầu.

Chiều 4.6, lượng xe lưu thông trên một số đường chính của Q.Gò Vấp (TP.HCM) như Quang Trung, Nguyễn Oanh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu thưa thớt, phần lớn cửa hàng, nhà ở hai bên đường “cửa đóng then cài”. Một số cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi lác đác người dân đến mua thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Sáng 5.6: Thêm 77 ca Covid-19, TP.HCM có 10 bệnh nhân mới

Đang mua rau củ tại cửa hàng tiện lợi trên đường Lê Văn Thọ (P.9), chị N.V.Q cho hay bản thân không thấy hoang mang trong đợt giãn cách này. Mỗi lần đi chợ, chị Q. mua thực phẩm dự trữ khoảng mấy ngày, chủ yếu để hạn chế ra đường nhằm phòng chống dịch. Nhân viên bảo vệ cửa hàng tiện lợi trên kể thêm: “Ngày đầu tiên (31.5) giãn cách, các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá tại siêu thị cháy hàng, người dân đến mua thức ăn nườm nượp, tôi dắt xe không kịp thở”. Đến hôm sau thì khách mua hàng thưa thớt hơn, đường phố vắng vẻ.
Gò Vấp những ngày giãn cách

Chợ Hạnh Thông Tây (P.11, Q.Gò Vấp) đìu hiu trong thời gian giãn cách

ẢNH: THU NGÂN

Giúp nhau trong đại dịch

Tại một khu trọ trên đường Phạm Văn Chiêu (P.14, Q.Gò Vấp), một đám trẻ tụ tập vui chơi trong khuôn viên khu trọ vì ngày Quốc tế Thiếu nhi (1.6) đã trôi qua trong giãn cách. Nhiều công nhân (CN), người lao động (NLĐ) sẵn sàng tâm thế đối mặt với cảnh chi tiêu dè sẻn những ngày tới.
Ông Bùi Nguyễn Huy Hoàng, Chánh văn phòng UBND Q.Gò Vấp, cho biết quận vẫn duy trì các chốt hiện hữu, vừa vận hành vừa điều chỉnh linh hoạt để giám sát được lưu lượng người ra vào quận, tránh ùn tắc. Quận đã phối hợp với Sở TT-TT và Sở Y tế TP.HCM triển khai phần mềm khai báo y tế điện tử từ ngày 3.6. Đánh giá bước đầu, nhiều người dân chưa quen nên còn bỡ ngỡ, lực lượng trực chốt hướng dẫn. Một số người dân vẫn còn khai báo theo mẫu của Bộ Y tế và những nơi khác nên khi qua chốt phải hướng dẫn lại, nếu sử dụng đúng mã quét của Sở TT-TT thì sẽ qua chốt nhanh hơn và đảm bảo được việc lưu trữ thông tin, truy xuất khi cần thiết
Một tuần nay, chị Nguyễn Hồng Nghi (37 tuổi) được công ty tạm cho nghỉ việc, cả gia đình 4 người bây giờ không có thu nhập nên phải gói gọn chi tiêu. “Nhớ năm ngoái đợt giãn cách xã hội, tôi phải tạm ngưng công việc. Đây là lần thứ hai giãn cách xã hội, có điều năm nay công ty cho ứng trước tiền để trang trải”, chị Nghi chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ với nhiều CN, NLĐ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải sống trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”, chị L.T.T (38 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) đều đặn bày biện tạp hóa, xe nước trước căn nhà cấp 4 trên đường Phạm Văn Chiêu từ 6 giờ sáng. Trước giãn cách, nhiều NLĐ trong hẻm này ra ngồi uống ly cà phê bình dân, mọi người ngồi trao đổi tin thời sự với nhau, đến 7 giờ thì ai làm việc nấy, người chở hàng, người làm phụ hồ…
“Còn mấy hôm nay, tôi vẫn đều đặn dọn hàng lúc 6 giờ sáng mỗi ngày và bán mang về, nhưng thỉnh thoảng mới có người ra mua. Mọi người dừng lại mua nước cũng chỉ nói chuyện đôi ba câu rồi thôi. Bây giờ xung quanh đây vắng vẻ mà hiu quạnh nữa”, vừa nói chị T. vừa xắn tay áo dọn dẹp xe hàng nước.

Bản tin Covid-19 ngày 4.6: Dịch bệnh ở TP.HCM vẫn phức tạp, F3 "nhảy" dần thành F0

Tính từ thời điểm hẻm 415 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp) - nơi sinh hoạt của nhóm truyền giáo Phục Hưng bị phong tỏa đến nay, mỗi ngày Hội Liên hiệp Phụ nữ P.3 đều đi chợ giúp người dân trong hẻm và gửi những phần quà thiết yếu từ các nhà hảo tâm.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ P.3 (Q.Gò Vấp), thông tin số điểm phong tỏa tại P.3 đã tăng lên 17 điểm với 299 hộ dân (1.050 nhân khẩu). Sau khi biết tin các khu vực phong tỏa, nhiều nhà hảo tâm gửi tiền mặt, nhu yếu phẩm như mì gói, gạo, nước mắm, có tiệm vàng ở Q.5 còn gửi tặng 100 chai nước trà chanh mật ong để lực lượng trực chốt phong tỏa uống giải khát trong những ngày nắng nóng.
Khi số điểm phong tỏa tăng lên, Hội Liên hiệp Phụ nữ P.3 tổ chức phân phối qua đầu mối là tổ trưởng dân phố hoặc đại diện các hộ dân. “Mỗi buổi sáng có 200 ổ bánh mì không của mạnh thường quân gửi tặng, mình thông báo trên nhóm để đại diện các điểm phong tỏa đăng ký. Có nhiều người dân trong điểm phong tỏa phản hồi là nhường lại cho các hộ, hẻm khác khó khăn hơn. Mình cố gắng phân phối sao cho đồng đều nhất có thể, người này có bịch nui thì người kia có bịch mì”, bà Loan cho biết.
Cũng có tổ chức ủng hộ cả tấn rau xanh, phường tổ chức phân phối luôn để người dân sử dụng trong ngày. Không chỉ đồ ăn, có người còn tặng cả kem đánh răng, dầu gội đầu, xà bông tắm… “Mỗi lần nhận được cuộc điện thoại của mạnh thường quân nói ủng hộ món này, món kia, mình rất là mừng, qua đó phân phối đến bà con khu phong tỏa để yên tâm cùng chính quyền phường, quận chống dịch”, bà Loan nói.

Liên quan tình trạng nhiều NLĐ, CN lao đao vì dịch Covid-19, bà Ngô Phạm Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ P.14, cho hay ngay sau khi TP.HCM có quyết định phong tỏa P.14, Q.Gò Vấp, phía Hội Liên hiệp Phụ nữ P.14 đã chủ động liên hệ với các cửa hàng tiện lợi để mua hàng hóa thiết yếu nhằm phục vụ người dân trong khu vực cách ly. “Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ P.14 cũng đang vận động các nhà hảo tâm chuẩn bị thêm một số nhu yếu phẩm để hỗ trợ các hộ dân, CN đang lưu trú tại các khu trọ bị phong tỏa”, bà Hằng nói.

Gò Vấp những ngày giãn cách

Shipper đến giao hàng tại khu phong tỏa đường Lê Văn Thọ (P.9, Q.Gò Vấp)

Giao thông không còn căng thẳng

Thực hiện Chỉ thị 16/2020, Q.Gò Vấp thiết lập 10 chốt kiểm soát giao thông khu vực cửa ngõ. Khác với cảnh chen chúc, xếp hàng dài chờ qua chốt trong 2 ngày đầu, ngày 4.6, xe cộ ra vào chốt dễ dàng, lực lượng trực chốt không còn phải “toát mồ hôi, khàn giọng” giải thích cho từng người dân.
Theo dõi hoạt động ở các chốt chặn và cuộc sống người dân 5 ngày qua, ông Đỗ Ngọc Lãm, Chủ tịch UBND P.15 (Q.Gò Vấp), nhìn nhận về cơ bản cuộc sống người dân đã thích nghi dần với các biện pháp kiểm soát theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng. Theo ông Lãm, trong ngày đầu lập chốt kiểm soát, người dân trao đổi sôi động trên các nhóm của tổ dân phố nhưng sau đó thì bớt đi. Người dân cũng nêu cao tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm hơn, tự giữ cho bản thân, gia đình và hàng xóm.
“Tổ dân phố thấy người mới về đều hỏi trưởng khu phố xem người này đã lấy mẫu xét nghiệm hay chưa, bởi vừa qua P.15 đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân, nếu chưa xét nghiệm thì vận động đi lấy mẫu xét nghiệm để người dân trong tổ dân phố an tâm hơn”, ông Lãm nói.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, nhận định việc thực hiện đến nay đã đạt kết quả tích cực bước đầu, người dân hạn chế ra khỏi nhà, đường phố vắng vẻ hơn. Về các chốt kiểm soát dịch, ông Dũng cho hay Gò Vấp lập thêm 2 chốt chính trên địa bàn quận, đồng thời phối hợp các quận giáp ranh lập thêm các chốt phụ. Cụ thể, Tân Bình có 3 chốt lớn và 20 chốt nhỏ, Phú Nhuận có 2 - 3 chốt hẻm, Bình Thạnh có 10 chốt hẻm. Người dân chấp hành quy định phòng dịch, các nhà tài trợ hỗ trợ địa phương hơn 80 tỉ đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm cho khu vực phong tỏa.

Người dân khai báo y tế Covid-19 tại nhà trước khi ra vào Gò Vấp

Về giải quyết thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực đặc biệt, cấp thiết của người dân vẫn được quận giải quyết bình thường. Cụ thể, danh mục hồ sơ cấp thiết gồm: khai sinh, khai tử; nhóm thủ tục liên quan đến kho bạc, công chứng, chứng thực di chúc, hợp đồng về biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ, đăng ký biện pháp đảm bảo để vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; lĩnh vực bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế và một số thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND P.15 thông tin phường khuyến cáo người dân thực hiện các thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công mức độ 3, 4; những trường hợp cấp thiết mà chưa có trên cổng dịch vụ công như khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân thì phường vẫn bố trí cán bộ tại trụ sở giải quyết bình thường. Thống kê những ngày qua, số lượng hồ sơ giảm 60% so với ngày thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.