Góp gạo thổi cơm chay

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/09/2019 09:07 GMT+7

Trưa thứ sáu cùng góp gạo nấu cơm chay là chương trình vừa được cộng đồng Saigon Compass khởi xướng buổi đầu tiên ngày 27.9 tại 187 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Người góp gạo, người góp rau, đậu, mướp, cà chua... rồi cùng nhau nhặt rau, xào nấu, chẳng mấy chốc đã có một mâm cơm chay thịnh soạn.
Chị Trần Thị Trúc Nữ, huấn luyện viên yoga tại các trung tâm ở TP.HCM, cho biết dù không ăn chay trường nhưng thích ăn các món từ rau củ quả, hạt, nên chị và nhóm bạn thân mỗi khi hẹn nhau ăn uống bên ngoài đều tới các nhà hàng chay.
Trong khi đó, chị Bùi Linh Giang, tư vấn dinh dưỡng ở TP.HCM, đã ăn chay trường 7 năm nay. “Tôi thấy cơ thể nhẹ nhõm, vóc dáng thon gọn, da mặt đẹp. Tôi ở cùng một bạn gái cũng ăn chay trường nên chúng tôi mua rau củ ở siêu thị chế biến những món mình thích, đồng thời tự làm các loại sinh tố, nước ép. Ăn chay ít tốn kém hơn ăn mặn, chúng tôi để ra được nhiều tiền hơn, để đi du lịch chẳng hạn…”, chị Giang chia sẻ.
Chị Tạ Thùy Trang (31 tuổi, người sáng lập cộng đồng Saigon Compass) cho biết chương trình trưa thứ sáu cùng nhau ăn chay được lập ra với mong muốn những người yêu thích ăn chay có địa điểm để cùng ăn và chia sẻ về lối sống xanh, hạn chế rác thải, sống tối giản để cuộc sống hạnh phúc hơn.
Chị Trần Thị Quyên (33 tuổi), chủ cửa hàng chay The Organik House (7F Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM) trong một lần khảo sát đã đưa ra ước tính số nhà hàng chay ở TP.HCM năm 2019 đã tăng tới hơn 50% so với 3 năm trước đây. “Không phải ăn chay vì tôn giáo, ngày càng nhiều người trẻ tìm đến ăn chay như một niềm vui thích, để khám phá và thấy nó có nhiều tác dụng tốt thì dần dần chuyển qua”.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood, cho biết ăn chay hay ăn mặn nếu hợp lý đều đảm bảo dinh dưỡng, và nếu ăn uống không hợp lý chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. “Nhiều người ăn chay thấy mau đói, bởi ăn thiếu chất đạm trong khẩu phần; cũng có người ăn chay dễ béo phì nếu ăn quá nhiều chất bột đường, chất béo, thực phẩm chiên xào... Trẻ em ăn chay dễ bị thiếu các acid amin thiết yếu chỉ có nguồn gốc động vật, thiếu sắt dẫn đến thiếu máu... nên ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển nếu không bổ sung hợp lý. Một số người ăn chay sẽ nêm mặn hơn để đậm vị như chấm tương, chao, dưa muối… cũng có nguy cơ gây các bệnh lý về tim mạch, đại tràng…”, bác sĩ Nguyệt nói.
Theo bác sĩ Nguyệt, một số trường hợp khuyến cáo không nên ăn chay trường là trẻ em, phụ nữ mang thai và đang cho con bú, người bệnh, người đang suy kiệt cơ thể cần hồi phục.
Để khỏe mạnh thì ngoài việc ăn đúng, đủ bữa, nên ăn vừa đủ no, đa dạng các loại thực phẩm, sử dụng sữa… và nên chú ý khám sức khỏe định kỳ, trong trường hợp cần thiết bác sĩ có thể cho uống bổ sung các viên đa vi chất nếu chế độ ăn chưa đủ...
“Ăn chay đúng cách là ăn uống đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn với tỷ lệ cân đối, chú ý các thực phẩm giàu đạm như nấm, đậu, vừng, lạc... trong khẩu phần. Chế biến hạn chế dùng nhiều chất béo, nhiều đường; nên hấp, luộc thay vì chiên, quay, xào. Bên cạnh đó nên bổ sung sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai trong thực đơn, nếu ăn trứng được thì càng tốt vì đây là những thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng”, bác sĩ Nguyệt nói.
Không phải ai cũng có thể đột ngột chuyển từ ăn mặn sang ăn chay trường. Anh Lê Hồng Chuyên cho biết trước khi quyết định chuyển hẳn sang ăn thuần chay, anh đã phải tìm hiểu nhiều kiến thức về cách ăn này, làm sao cho đủ dinh dưỡng, năng lượng để làm việc, sau hơn 3 tháng thì cơ thể dần làm quen với chế độ ăn chay trường. “Hằng ngày tôi vẫn làm việc từ 5 giờ 30 tới tối, có hôm tận 23 giờ; vẫn đi bơi, đá bóng hằng tuần. Thi thoảng giữa các bữa ăn bị đói, tôi ăn các loại hạt, uống sữa hạt, sinh tố trái cây”, anh Chuyên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.